Nông dân vùng lên khởi nghĩa. Ảnh: T.L
Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết và các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước cùng hơn 4.000 đồng bào TP.HCM và các tỉnh Nam bộ đã tham dự buổi lễ.
Ngày 23/11/1940, cuộc Khởi nghĩa Nam kỳ bùng nổ trên diện rộng ở nhiều nơi: Hóc Môn, Bà Điểm (Gia Định), Trung Quận, Cần Đước, Cần Giuộc (Chợ Lớn), Long Hưng - Chợ Gạo (Mỹ Tho), Vũng Liêm (Vĩnh Long), Hòa Tú (Sóc Trăng), Rạch Gốc - Hòn Khoai (Cà Mau)… Sài Gòn - Chợ Lớn là trọng điểm của cuộc khởi nghĩa, nhưng không nổ ra được vì kế hoạch bị lộ; địch đã tước vũ khí và cấm trại thành lính tập, đưa lính Âu - Phi ra trấn giữ các ngả đường, các công sở… Ở những tỉnh đã nổ ra khởi nghĩa, nhân dân đã giành được chính quyền ở một số làng xã.
Cuộc khởi nghĩa tuy không thành công, bị kẻ thù dìm trong biển máu, nhưng đã để lại nhiều kinh nghiệm cho cuộc Tổng khởi nghĩa tháng 8/1945 thành công và nhiều giá trị lịch sử cho sự nghiệp cách mạng lâu dài của Đảng và nhân dân ta. Ngày nay nhìn lại, ta càng nhận rõ ba giá trị lịch sử rất quan trọng.
Trước hết, đó là vị thế của người cộng sản, của Đảng Cộng sản VN trong tiến trình lịch sử đã được khẳng định. Trước cuộc khởi nghĩa 1940, hầu hết những người dân bình thường ở Nam bộ cũng như cả nước ít hiểu về Đảng Cộng sản; nhiều người còn mơ hồ bởi những luận điệu xuyên tạc của bọn thực dân, phong kiến về những người cộng sản.
Thứ hai, cuộc Khởi nghĩa Nam kỳ 1940 đã làm sáng tỏ tính chính xác và đúng đắn của đường lối “Độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội” của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Bác Hồ từ thuở ra đi tìm đường cứu nước (1911), Người đã đến với chủ nghĩa Mác-Lênin và tìm thấy ở đó con đường cứu nước.
Cuộc Khởi nghĩa Nam kỳ 1940 đã chứng minh một chân lý: Muốn lật đổ ách thống trị của thực dân đế quốc để giành độc lập tự cho dân tộc, nhất thiết phải bằng bạo lực cách mạng, bạo lực vũ trang của toàn dân, chứ không chỉ bằng đấu tranh chính trị đơn thuần được với chúng.
Chính nhờ bài học về vũ trang Khởi nghĩa Nam kỳ 1940, vũ trang khởi nghĩa toàn quốc tháng 8/1945 mà khi giặc Pháp trở lại xâm lược nước ta, nhân dân Sài Gòn - Chợ Lớn và Nam bộ đã nhất tề nổ súng chống xâm lược, mở đầu cuộc kháng chiến vào ngày 23/9/1945 và tiếp tục suốt 30 năm chống Pháp và chống Mỹ để giành độc lập dân tộc và thống nhất Tổ quốc.
Tôn vinh ý nghĩa to lớn của cuộc Khởi nghĩa Nam kỳ, Bác Hồ đã ký sắc lệnh số 163/SL ngày 14/4/1948 tuyên dương: “Đội quân Khởi nghĩa Nam bộ 1940 đã nổi lên chiến đấu oanh liệt với địch và đã biểu dương ý chí quật cường của dân tộc”.
Tại Ngã ba Giồng lịch sử thuộc Hóc Môn - Bà Điểm, nơi đóng căn cứ của Trung ương Đảng trong thời kỳ từ năm 1936 đến 1939, nơi thực dân Pháp đã hành hình nhiều đồng chí lãnh đạo của Đảng, nghĩa quân và đồng bào đã quên mình vì vận nước trong cuộc Khởi nghĩa Nam kỳ 1940, TP.HCM đang hoàn tất việc xây dựng một khu tưởng niệm các chiến sĩ tham gia Khởi nghĩa Nam kỳ.