Từ đầu tháng 4/2020, Nghị định 10/2020 của Chính phủ về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng ô tô sẽ có hiệu lực. Khi nghị định này có hiệu lực, các loại hình xe công nghệ như: Grab, Be hay các ứng dụng khác sẽ phải chuyển đổi cho phù hợp.
Đề án thí điểm 24 do Bộ Giao thông Vận tải triển khai vào năm 2016 được xem là quyết định mở đường cho các hãng taxi công nghệ vào hoạt động tại Việt Nam và tạo ra sự thay đổi lớn trên thị trường vận tải. Đề án được triển khai tại 5 địa phương gồm: Hà Nội, TP.HCM, thành phố Đà Nẵng, tỉnh Khánh Hòa và tỉnh Quảng Ninh với sự tham gia của 9 doanh nghiệp. Kết thúc thí điểm, xe công nghệ sẽ hoạt động theo Nghị định 10. Khi đó, những người kinh doanh trong lĩnh vực này sẽ phải lựa chọn giữa hai hình thức hoạt động, hoặc là kinh doanh công nghệ ứng dụng gọi xe hoặc là đơn vị vận tải, bao gồm kinh doanh công nghệ và hoạt động vận tải.
Để hỗ trợ thực hiện đúng quy định này của Nghị định 10, trong thời gian qua, Bộ Giao thông Vận tải đã có hướng dẫn đến từng doanh nghiệp cung cấp phần mềm kết nối vận tải như: Grab, Be, Fastgo... Với việc dừng thí điểm hoạt động xe công nghệ để thực hiện theo quy định của Nghị định 10, sẽ không còn câu chuyện kiện tụng giữa taxi công nghệ và taxi truyền thống như trước đây.
Hiện các doanh nghiệp đang chờ Bộ Giao thông Vận tải ban hành thông tư hướng dẫn chi tiết Nghị định 10 trước thời điểm 1/4 tới, trong đó quy định về phần mềm ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý hoạt động kinh doanh vận tải bằng xe ô tô, tạo sự minh bạch và sân chơi bình đẳng cho tất cả loại hình vận tải.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!