Y tế cơ sở - "Nút thắt" trong đại dịch

Chuyển động 24h-Thứ ba, ngày 07/12/2021 12:32 GMT+7

VTV.vn - Khi số ca F0 trong cộng đồng vẫn đang diễn biến phức tạp, lực lượng YTCS trở thành "nút thắt" quan trọng, gồng gánh những áp lực đầu tiên trong cuộc chiến chống đại dịch.

Y tế cơ sở, lá chắn quan trọng bảo vệ sức khỏe nhân dân

Bác sĩ Bùi Thị Hà - Bệnh viện Thành phố Thủ Đức, TP Hồ Chí Minh - cho biết: "Lượng bệnh nhân thì ngày một đông nhưng lượng nhân viên y tế để hỗ trợ phường với tình hình chung cũng rất hạn hẹp. Bệnh nhân thì có những người lớn tuổi, những người nhỏ tuổi, có những người vào tới đây là có tình trạng cấp cứu, tụi em vẫn phải xử trí, phải gọi cấp cứu. Nói chung là áp lực kinh khủng".

Ngoài các công việc tại trạm y tế, ngay sau khi nhận được thông tin một bệnh nhân có dấu hiệu khó thở, mệt mỏi, các nhân viên y tế của tổ y tế lưu động nhanh chóng đến nhà bệnh nhân.

Có bệnh nhân COVID-19 cao tuổi mặc dù có các chỉ số sức khỏe tương đối ổn định nhưng lại có bệnh nền về tim mạch, và kể từ khi nhiễm COVID-19, bệnh nhân xuống tinh thần, ăn uống không điều độ. Do vậy, tổ y tế lưu động đã hướng dẫn cho người nhà bệnh nhân chuẩn bị các giấy tờ, thủ tục để chuyển bệnh nhân tới bệnh viện dã chiến.

Nhân lực có hạn, số lượng bệnh nhân ngày một gia tăng, trong những bộ đồ bảo hộ kín mít, đẫm mồ hồi, các nhân viên y tế làm việc bất kể ngày đêm.

Bác sĩ Phạm Huy Hoàng - Trưởng Trạm y tế phường Trường Thọ, TP Thủ Đức, TP Hồ Chí Minh - chia sẻ: "Chúng tôi nương tựa cùng nhau, thu hút các lực lượng, cùng nhau phục vụ nhân dân trên địa bàn phường Trường Thọ nói riêng và một phần đóng góp cho câu chuyện chống dịch hiện tại và sắp tới nói chung".

Giữ vai trò quan trọng trong việc chăm sóc hơn 80% F0 tại nhà, các trạm y tế đang ngày đêm gồng gánh nhiệm vụ quan trọng. Do đó, việc củng cố và tháo gỡ nút thắt tại các trạm y tế sẽ giúp cho các nhân viên y tế an tâm làm việc, là lá chắn tuyến đầu vững chắc trong bảo vệ sức khỏe người dân.

Y tế cơ sở là tuyến y tế gần nhất với người dân cũng đồng nghĩa với việc những áp lực đầu tiên trong dịch bệnh sẽ nằm trên vai của nhưng nhân viên y tế này, trong đó đặc biệt là việc phát hiện sớm và chăm sóc các F0. Những hình ảnh quên mình thực hiện nhiệm vụ của những màu áo trắng tuyến cơ sở đã trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc chiến chống dịch. Tuy nhiên tại những nơi có số ca F0 tăng cao, với số lượng nhân viên y tế cơ sở có hạn, họ đang thực sự chạm tới giới hạn của mình.

Áp lực y tế tại các phường xã có F0 tăng cao

Người lấy mẫu xét nghiệm, người nhập liệu, người trả lời điện thoại, chỉ có 2 bác sĩ và 3 điều dưỡng nhưng số lượng F0 của phường 22, quận Bình Thạnh, TP Hồ Chí Minh là 500 ca. Việc chăm sóc F0 đã quá tải, trạm y tế còn thực hiện các công việc như truy vết, tiêm vaccine.

Còn tại trạm y tế phường Tân Thới Nhất, quận 12, thời điểm F0 tăng cao, khoảng 1.000 ca, phường cũng chỉ có 10 nhân viên y tế. Như vậy tính bình quân mỗi người chăm sóc cho gần 100 người. Sở Y tế TP Hồ Chí Minh đã phải điều động y bác sĩ từ Bệnh viện Y học cổ truyền và Bệnh viện Bình Dân để chi viện gấp.

Sự cố gắng của các nhân tại trạm y tế không chỉ bây giờ mà đã kéo dài suốt nhiều tháng qua. Đặc biệt thời điểm dịch bệnh căng thẳng, nhiều nhân viên y tế đã không khỏi ám ảnh vì quá tải.

"Chỉ có 4 nhân lực thôi mà làm việc 24/24. Thậm chí có bệnh nhân 1, 2 giờ sáng hoặc nửa đêm người ta có thể gọi điện cấp cứu, điện thoại bàn không thể đáp ứng 100 cuộc gọi một lúc. Điện thoại cá nhân cũng không thể nào bắt máy kịp. Có người dân người ta nói gọi hoài mà trạm không bắt máy mà anh em cũng áp lực. Những đáng tiếc đó mình rất là chua xót vì mình không thể giúp cho họ" - Dược sĩ Phan Thị Mỹ Hương - Quản lý Trạm y tế phường 15, quận 4, TP Hồ Chí Minh nói.

Bác sĩ Lê Bá Kông - Trưởng trạm y tế, phường Bình Chiểu, Thành phố Thủ Đức, TP Hồ Chí Minh - chia sẻ: "Lúc đó mình rất căng thẳng vì mình thường xuyên nhận được các cuộc gọi cầu cứu. Mình nghe rất là căng thẳng. Giai đoạn đó thiếu nhiều thứ nên bệnh nhân cũng lo lắng nhiều. Nhân viên y tế cũng lo lắng nhiều, không có tự tin để mà điều trị".

Nhân lực mỏng, nhân viên y tế cơ sở làm việc xuyên ngày đêm. Sự chênh lệch giữa F0 phải chăm sóc ở nhà, từ gấp chục gấp trăm lần so với số lượng nhân viên y tế đã đẩy nhân viên y tế cơ sở vào sức ép lớn.

Có hai vấn đề tại trạm y tế hiện nay là nhân sự mỏng và thu nhập thấp. Hai vấn đề này đã dẫn đến hệ lụy nhiều nhân viên y tế cơ sở đã không thể trụ lại với nghề. Về nhân sự, theo đại diện Sở Y tế TP Hồ Chí Minh, nút thắt nằm ở chỗ là do Thông tư 08 năm 2007 của Bộ Y tế đã quy định số biên chế tối đa của mỗi trạm y tế chỉ được 10 người. Điều này đã dẫn đến sự chênh lệch giữa số ca F0, quy mô dân số và số lượng nhân viên y tế tại tuyến cơ sở. Trước thực tế này, hiện TP Hồ Chí Minh đang đề xuất nhiều giải pháp để tăng cường nhân lực và thu nhập cho nhân viên y tế cơ sở.

Nhiều giải pháp giữ chân nhân viên y tế cơ sở

Tại các quận huyện, y tế cơ sở ngoài trạm y tế thì còn có các trung tâm y tế. Các trung tâm đóng vai trò điều hành các trạm y tế phường xã. Tuy nhiên hiện các trung tâm trực thuộc Sở Y tế nên nhiều ý kiến cho rằng sẽ hạn chế trong việc chủ động nguồn nhân lực.

Theo đề xuất của Sở Y tế TP Hồ Chí Minh, các trung tâm y tế sẽ chuyển về dưới sự quản lý của quận huyện. Điều này sẽ giúp cho việc điều phối nguồn nhân lực tại các địa phương.

Còn theo đại diện các trung tâm y tế, để giải quyết bài toán nhân lực tại các trạm y tế, cần phải thu hút bác sĩ trẻ mới ra trường về các trạm y tế cơ sở. Trong đó việc chứng nhận thực hành ngay trạm y tế có vai trò quan trọng.

Một nút thắt hiện nay là biên chế tối đa của các trạm y tế tối đa là 10 người. Điều này đã gây chênh lệch lớn giữa nhân viên y tế và quy mô dân số.

TP Hồ Chí Minh kiến nghị tăng lên tối đa 20 người ở mỗi trạm y tế và tùy vào quy mô dân số ở mỗi phường xã. Ngoài ra việc tăng chế độ hỗ trợ thu nhập cho nhân viên y tế cũng được tính đến.

Tăng cường nhân lực, thực hiện các chế độ hỗ trợ chính sách khuyến khích cho nhân viên y tế cơ sở. TP Hồ Chí Minh kỳ vọng những chích sách này giúp giữ chân nhân viên y tế cơ sở trong bối cảnh cuộc chiến với COVID-19 còn trường kỳ, y tế cơ sở là lá chắn quan trọng cần phải củng cố.

Không chỉ tại TP Hồ Chí Minh, các chuyên gia cũng đề xuất nhiều giải pháp để nâng cao năng lực y tế cơ sở trên cả nước. Bởi trạm y tế được đánh giá hoạt động như một "Bộ Y tế thu nhỏ" với nhiều chương trình chăm sóc sức khỏe nhân dân nhưng hiện vẫn chưa được đầu tư đúng mức.

Cần đầu tư đúng mức cho hệ thống y tế cơ sở

Theo bà Phạm Khánh Phong Lan - Đại biểu Quốc hội, TP Hồ Chí Minh: "Chúng ta phải xem lại thực trạng về y tế cơ sở. Có 1 chỉ tiêu là 30% dành cho y tế dự phòng, y tế cơ sở. Nhưng mà số địa phương thực hiện điều này chỉ đếm trên đầu ngón tay. Và chúng ta phải đáp ứng phân bổ như thế nào để thực sự là đáp ứng quy mô dân cư. Chứng không phải vấn đề là phân chia về địa lý".

Theo PGS.TS.BS Nguyễn Thanh Hiệp - Hiệu trưởng Trường ĐH Y Khoa Phạm Ngọc Thạch: "Chúng tôi gọi đó là giải pháp kiềng 3 chân. Đầu tiên là đào tạo để có bác sĩ giỏi về y tế cơ sở. Thứ hai là những chính sách về pháp luật để có thể chi trả, cũng như là có những dịch vụ để chi trả cho chính sách y tế bác sĩ gia đình tại y tế cơ sở. Cái kiềng thứ 3 là bảo hiểm y tế thì cần những chính sách, cơ chế, đăng ký hợp lý để phát triển bác sĩ gia đình tại y tế cơ sở".

Có một nghịch lý là nhân lực tuyến y tế cơ sở thì thiếu, trong khi đó tại các bệnh viện trung ương thì đang quá tải, trong bối cảnh dịch COVID-19. Trước tình trạng này, việc chuyển đổi số sẽ giúp các bác sĩ tuyến trên có thể tư vấn khám chữa bệnh từ xa. Từ đó giải quyết vấn đề quá tải bệnh viện tuyến trên, người dân không phải tập trung về thành phố lớn nữa.

Lấy bệnh nhân làm trung tâm; tiết kiệm thời gian cho người bệnh; công khai minh bạch giá dịch vụ; cắt giảm thủ tục hành chính… hàng loạt những lợi ích của việc ứng dụng công nghệ thông tin Chuyển đổi số trong lĩnh vực Y tế đang được nhiều bệnh viện triển khai mang lại sự tiện lợi, hiệu quả nhất là trong bối cảnh dịch COVID-19.

Hà Nội tăng cường biện pháp đảm bảo an toàn tại bệnh viện, cơ sở y tế Hà Nội tăng cường biện pháp đảm bảo an toàn tại bệnh viện, cơ sở y tế

VTV.vn - Sở Y tế Hà Nội vừa có văn bản chỉ đạo các cơ sở khám chữa bệnh trong và ngoài công lập tăng cường các biện pháp để đảm bảo an toàn.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước