Xử phạt nghiêm, ý thức của người tham gia giao thông chuyển biến rõ rệt

Lô Dũng, Phi Hùng, Truyền Thuyết, Nguyên Du-Thứ bảy, ngày 11/01/2025 20:57 GMT+7

VTV.vn - Sau gần 2 tuần Nghị định mới về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ có hiệu lực, ý thức tuân thủ luật của đa số người dân được cải thiện.

Xử phạt nặng vi phạm luật giao thông

Trong tuần đầu tiên, lực lượng Cảnh sát giao thông (CSGT) thành phố Hà Nội đã xử phạt hơn 14 tỷ đồng vi phạm giao thông và hơn 600 trường hợp bị trừ điểm giấy phép lái xe. Ở TP Hồ Chí Minh, phát hiện hơn 11.800 trường hợp vi phạm với số tiền phạt là 42,5 tỷ đồng.

Trong những quy định mới thì hành vi vi phạm trật tự quản lý nhà nước, ý thức giao thông kém là nhóm hành vi tăng nặng mức xử phạt. Có những lỗi mức phạt tăng 50 lần so với trước.

Đi ngược chiều, đi lùi, quay đầu xe trên cao tốc là những vi phạm nguy hiểm, tiềm ẩn nhiều rủi ro tai nạn. Theo quy định xử phạt mới, những lỗi này sẽ bị xử phạt từ 30 đến 40 triệu đồng, tăng hơn gấp đôi so với mức cũ. Đặc biệt với hành vi vượt đèn đỏ người lái xe có thể bị phạt mức cao nhất lên đến 20 triệu đồng.

Xử phạt nghiêm, ý thức của người tham gia giao thông chuyển biến rõ rệt - Ảnh 1.

Một trong những lỗi vi phạm bị tăng mức xử phạt cao nhất là hành vi mở cửa xe ô tô gây tai nạn giao thông, sẽ bị phạt từ 20 đến 22 triệu đồng tăng từ 36-50 lần so với hiện nay.

Xe ô tô vận chuyển hàng hóa không chằng buộc hoặc chằng buộc không đúng theo qui định cũng sẽ bị xử phạt từ 18 đến 22 triệu đồng.

Cảnh sát giao thông cũng cho biết việc tăng mức xử phạt cũng chỉ để tăng tính răn đe ngăn ngừa tình trạng nhờn luật. Lực lượng cũng sẽ đẩy mạnh ứng dụng công nghệ trong tuần tra kiểm soát đảm xử lý đúng người, đúng lỗi vi phạm. Đồng thời ngăn chặn các hành vi tiêu cực có thể phát sinh trong quá trình xử lý vi phạm.

Tăng hiệu quả xử lý vi phạm qua giám sát hành trình

Để nâng cao hiệu quả xử lý hành vi vi phạm của lái xe, doanh nghiệp kinh doanh vận tải, từ đầu năm nay, Cảnh sát giao thông được giao vận hành, sử dụng hệ thống quản lý dữ liệu, thiết bị giám sát hành trình và thiết bị ghi nhận hình ảnh trên xe kinh doanh vận tải. 

Tại Trung tâm chỉ huy giao thông, toàn bộ dữ liệu từ thiết bị giám sát hành trình lắp đặt trên xe kinh doanh vận tải sẽ được truyền về đây. Như vậy cùng với dữ liệu của hệ thống camera giám sát lắp đặt trên các tuyến đường cảnh sát giao thông sẽ có thêm nguồn dữ liệu để giám sát và xử lý các vi phạm.

Xử phạt nghiêm, ý thức của người tham gia giao thông chuyển biến rõ rệt - Ảnh 2.

Mục đích của quy định lắp thiết bị giám sát hành trình với xe kinh doanh vận tải là để quản lý, giám sát và xử lý vi phạm. Thời gian trước ngành giao thông cũng đã thực hiện khá tốt khi được giao nhiệm vụ quản lý. Tuy nhiên với việc cảnh sát giao thông tiếp nhận nhiệm vụ này những vi phạm sẽ được xử kịp thời hơn.

Từ đầu năm nay nhiều lỗi vi phạm khi lái xe cũng đã được điều chỉnh tăng mắc phạt. Để hạn chế ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của đơn vị mình, nhiều doanh nghiệp đã chú trọng hơn đến tuyên truyền nâng cao ý thức chấp hành luật cho lái xe. Đây cũng chính là mục tiêu của những qui định mới trong quản lý hoạt động vận tải. Một khi lái xe tự giác chấp hành luật cũng đồng nghĩa sẽ giảm thiểu những vụ tai nạn giao thông liên quan đến xe kinh doanh vận tải.

Tài xế lo lắng vì quy định mới

Gần đây các tài xế phản ánh hoạt động kinh doanh vận tải của họ đang bị ảnh hưởng bởi quy định thời gian lái xe đối với tài xế tối đa là 10 tiếng trong một ngày và không quá 48 tiếng trong một tuần.

Từ khi Thông tư 71 năm 2024 và Luật Trật tự An toàn giao thông đường bộ có hiệu, hoạt động của các tài xế bớt nhộp nhịp hơn hẳn bởi theo tài xế, quy định mới khiến họ gặp không ít khó khăn khi chỉ được phép lái xe tối đa 48 tiếng trên một tuần.

Thông tư mới góp phần bảo đảm an toàn cho hành khách và người tham gia giao thông, đồng thời cũng đảm bảo sức khỏe của tài xế. Tuy nhiên, việc hạn chế thời gian lái xe cũng khiến thu nhập của các tài xế bị giảm đi đáng kể.

Xử phạt nghiêm, ý thức của người tham gia giao thông chuyển biến rõ rệt - Ảnh 3.

Anh Đỗ Tuấn Vũ, Quận Ninh Kiều, TP. Cần Thơ cho biết: "Chi phí sinh hoạt không đủ, nào là tiện điện, tiền nước, rồi tiền chi tiêu lặt vặt trong gia đình thì không thể nào đủ".

Nhằm tuân thủ theo quy định mới, các công ty vận tải bố trí thêm tài xế để đảm bảo thời gian lái theo đúng quy định. Nhân công tăng đồng nghĩa với việc mức chi cho các tài xế cũng tăng theo.

Ông Nguyễn Văn Trang, Công ty TNHH Vận tải Trang An toàn cho biết: "Giá cả thì không thể tăng lên được, chi phí thì rất nặng, phí đường, phí dầu xe,...''.

Việc giới hạn giờ lái xe trong 1 tuần ảnh hưởng không nhỏ đến các tài xế và hoạt động kinh doanh vận tải của các công ty, doanh nghiệp, nhất là các đơn vị có phạm vi hoạt động đường dài. Do đó, các công ty, doanh nghiệp cần bố trí, sắp xếp số giờ lái xe của các tài xế để đảm bảo tuân thủ theo đúng quy định.

50 giao lộ ở TP Hồ Chí Minh được rẽ phải khi đèn đỏ 

Trong quá trình thực hiện các quy định mới, cũng đã phát sinh một số vấn đề như đèn đỏ thời gian đèn xanh chỉ bằng 1/5, 1/6 thời gian của đèn đỏ, hay tình trạng nhảy màu đèn bất ngờ, biển chỉ báo gây hiểu lầm, nên các cơ quan chức năng đang tìm cách điều chỉnh. Tại TP Hồ Chí Minh, để cải thiện tình trạng kẹt xe trầm trọng do nhiều nơi xe máy không được rẽ phải khi đèn đỏ, 50 giao lộ đã được cho phép rẽ phải.

Xử phạt nghiêm, ý thức của người tham gia giao thông chuyển biến rõ rệt - Ảnh 4.

Hiện các đơn vị đã bắt đầu lắp mũi tên màu xanh trên các trụ đèn tín hiệu giao thông ở khu vực giao lộ theo thứ tự ưu tiên, để người dân nhận diện và đi lại đúng quy định. Việc cho phép rẽ phải khi đèn đỏ ở một số giao lộ đủ điều kiện an toàn giúp người dân chấp hành tốt hơn quy định, đồng thời đi lại thuận tiện, giảm ùn ứ xe cộ. Thời gian tới, trung tâm Quản lý hạ tầng giao thông đường bộ  TP Hồ Chí Minh sẽ tiếp tục theo dõi, rà soát để đề xuất điều chỉnh, bổ sung phù hợp.

Việc tăng nặng mức phạt nhằm mục đích răn đe, cảnh cáo để người dân nâng cao ý thức khi tham gia giao thông, đảm bảo an toàn, giảm thiểu tai nạn giao thông. Tuy nhiên, cùng với đó, các cơ sở vật chất để phục vụ giao thông như đèn tín hiệu, vạch chia làn camera giám sát cần được đảm bảo chất lượng. Mục đích cuối cùng đề ra là đảm bảo sự an toàn, thuận tiện, đảm bảo quyền và lợi ích cho người tham gia giao thông.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước