Tuy nhiên, khi bị xử phạt, một số trường hợp vẫn cự cãi khi phải nhận mức phạt đúng theo quy định.
Ghi nhận của phóng viên đêm 17/2 tại huyện Bình Chánh, TP Hồ Chí Minh, khi bị cảnh sát giao thông xử phạt vì có nồng độ cồn cao, người điều kiển xe lấy lý do là dân lao động, không có tiền. Cuộc cự cãi kéo dài 30 phút. Cuối cùng, với vi phạm rõ ràng, anh này cũng đã phải ký vào biên bản với mức xử phạt 2,5 triệu đồng, tước giấy phép lái xe 11 tháng và tạm giữ xe 7 ngày.
Cũng không hợp tác với cảnh sát giao thông, dù có nồng độ cồn ở mức xử phạt kịch khung, một người đàn ông khác nhất định không chịu ký xác nhận kết quả. Lực lượng Cảnh sát giao thông nhờ người làm chứng xác nhận, niêm phong và tạm giữ xe 7 ngày. Phạt hành vi lái xe khi có nồng độ cồn 7 triệu đồng và tước giấy phép lái xe 23 tháng.
Điểm chung của nhiều người vi phạm là không thừa nhận mình uống rượu, bia nhiều, có thể gây nguy hiểm khi chạy xe. 5-6 lon cũng chỉ là bình thường và không gây ảnh hưởng gì.
Hơn 1 giờ tuần tra, lập chốt xử lý các trường hợp lái xe có biểu hiện vi phạm nồng độ cồn tại giao lộ Nguyễn Văn Linh - Quốc lộ 50, huyện Bình Chánh, Trạm Cảnh sát giao thông Đa Phước đã phát hiện và xử phạt 4 trường hợp, trong đó có 3 trường hợp bị xử phạt ở mức kịch khung.
Cảnh sát giao thông TP. Hồ Chí Minh khuyến cáo người dân sau khi sử dụng rượu bia thì không nên lái xe nhằm đảm bảo an toàn cho bản thân, gia đình và xã hội.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!