Xử lý nghiêm nạn khai thác cát trái phép

Mạnh Tú, Phạm Thành-Thứ bảy, ngày 08/07/2023 06:31 GMT+7

VTV.vn - Nhiều địa phương siết chặt nạn khai thác trái phép, đảm bảo nguồn cung cát ổn định phục vụ kinh doanh, xây dựng.

Tỉnh An Giang có 15 khu vực mỏ khai thác cát được cấp phép hoạt động, tổng trữ lượng hơn 35 triệu m3. Tuy nhiên, khi nguồn cát khan hiếm, nạn khai thác cát trái phép lại bùng phát trở lại. 

Tỉnh đã phát hiện, xử lý hơn 160 trường hợp có hành vi khai thác cát không hợp lệ trong hai năm 2021-2022. Mới đây, ngày 4/7, Phòng Cảnh sát đường thủy, Công an tỉnh An Giang tiếp tục phát hiện 3 sà lan mang số hiệu tỉnh Bến Tre chở khoảng 1.000 m3 cát có biểu hiện nghi vấn.

Qua kiểm tra, các phương tiện này đều chở quá vạch dấu mớn nước an toàn, không có giấy chứng nhận đăng ký phương tiện. Thuyền viên đã xuất trình 3 hóa đơn giá trị gia tăng nhưng đều không hợp pháp và không chứng minh được nguồn gốc số cát trên sà lan. Vụ việc đang được tiếp tục điều tra, xác minh làm rõ.

Bằng cách thành lập các tổ công tác tuần tra trên các tuyến sông, kênh đồng thời phối hợp cùng địa bàn giáp ranh, từ đầu năm đến nay, số vụ khai thác cát trái phép tại An Giang đã giảm mạnh so với cùng kỳ năm ngoái.

Tại tỉnh Quảng Nam cũng đang tăng cường công tác kiểm tra, giám sát chặt chẽ hoạt động khai thác cát trên sông Vu Gia đoạn qua địa bàn huyện Đại Lộc.

Hiện nay, huyện Đại Lộc có 11 đơn vị được cấp phép khai thác khoáng sản. UBND tỉnh chỉ đạo UBND huyện Đại Lộc và các phòng chức năng phối hợp kiểm tra, làm rõ thông tin việc mua, bán khoáng sản, kê khai thuế. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát đối với các mỏ khoáng sản đang hoạt động. Đồng thời xử phạt vi phạm hành chính, buộc khắc phục hậu quả, thu lại số tiền lời bất hợp pháp, thu hồi giấy phép khai thác nếu tái phạm nhiều lần.

Không chỉ An Giang, Quảng Nam, cát tặc là vấn đề tồn tại dai dẳng ở nhiều địa phương trên cả nước. Đã có nhiều chế tài và biện pháp xử phạt thế nhưng do nhu cầu lớn từ thị trường, các đối tượng vẫn bất chấp pháp luật để khai thác trái phép.

Đặc biệt, từ tháng 2/2023 xảy ra tình trạng thiếu cát xây dựng ở một số địa phương miền Trung hay ở ĐBSCL, vì thế cát tặc lại càng lộng hành. Việc nghiên cứu tìm kiếm nguồn vật liệu thay thế cho cát sông, vốn đang ngày càng khan hiếm, được coi là mấu chốt để giải quyết nạn cát tặc.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước