Vịnh Hạ Long "trắng" phao xốp
Vào cuối tháng 4, Chuyển động 24h đã từng phản ánh câu chuyện về tình trạng vịnh Hạ Long trắng rác phao xốp - một sự cố ô nhiễm môi trường được xem là chưa từng có tại di sản thiên nhiên thế giới này.
Khối lượng phao xốp lớn trôi nổi trên vịnh xuất phát từ việc các địa phương ven biển của tỉnh Quảng Ninh đồng loạt thực hiện rà soát, kiểm tra, tháo dỡ các khu vực nuôi trồng thủy, hải sản trái phép và đặc biệt là thực hiện việc thay thế vật liệu nổi, từ phao xốp sang phao nhựa HDPE theo quy chuẩn địa phương về vật liệu nổi sử dụng trong nuôi trồng thủy sản. Hàng triệu mảnh phao xốp, bè mảng đã bị vứt xuống biển trong quá trình cắt bỏ, tháo dỡ.
Lượng phao xốp nhiều, việc thu gom trên biển lại gặp khó. Vì vậy, thời gian thực hiện thu gom đã kéo dài cả tháng, huy động một lượng lớn nhân lực, vật lực.
Theo ông Trần Ngọc Thế - Phó Trưởng phòng Tài nguyên Môi trường Thành phố Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh: "Lúc thực hiện việc xử lý phao xốp, người dân chưa ý thức được việc không làm đúng quy trình thì sẽ phát tán ra môi trường. Nếu làm theo chính quyền là thu gom, đưa lên bờ thì sẽ không phát tán ra môi trường và không có tình trạng như hiện nay".
Thay thế phao xốp: Vẫn còn dang dở
Đây là bài học rất lớn cho việc bảo vệ môi trường của Vịnh Hạ Long - di sản thiên nhiên thế giới nói riêng và vùng biển nói chung khi một hoạt động nhằm bảo vệ môi trường, hướng đến sự phát triển bền vững trong nuôi trồng thủy sản lại gây ra ô nhiễm diện rộng. Cho đến thời điểm này, về cơ bản, lượng phao xốp khổng lồ trôi nổi tại vịnh Hạ Long thì đã được thu gom để xử lý. Tuy nhiên, việc thay thế vật liệu nổi trong nuôi trồng thủy sản, từ phao xốp sang vật liệu nhựa HDPE tại các khu vực nuôi trồng trên biển vẫn đang tiếp tục.
Màu đen trở thành nhận diện cho việc đã chuyển đổi phao xốp sang vật liệu nhựa HDPE tại các khu vực nuôi hàu nhưng có những bãi nuôi, màu mới mà ruột cũ. Bọc phao xốp bằng vật liệu cùng màu với phao nhựa HDPE cũng chỉ là một trong nhiều sự chuyển đổi vẫn dang dở, nửa vời tại các bè nuôi. Có khu vực là sự hiện diện của những túi bóng được bơm khí và cũng không thiếu những bè nuôi vẫn trắng một màu phao xốp.
Số liệu của UBND xã Hạ Long cho biết, tỷ lệ các hộ nuôi trên địa bàn xã thực hiện chuyển đổi vật liệu lên tới 98%. Thế nhưng, số lượng phao chuyển đổi mới dừng lại ở con số 70%.
Việc tháo dỡ, chặt bỏ phao xốp tại các bè hàu chưa chuyển đổi triệt để vẫn đang được UBND xã thực hiện. Việc đắm bè là điều không tránh khỏi với những giàn hàu lượng phao xốp còn lớn.
Quy chuẩn địa phương về vật liệu sử dụng làm phao nổi trong nuôi trồng thủy sản
Quảng Ninh là tỉnh đầu tiên ban hành quy chuẩn kỹ thuật địa phương về sử dụng vật liệu nổi trong nuôi trồng thủy sản. Theo lộ trình, đến hết năm 2022, các cơ sở nuôi trồng thủy sản lợ, mặn đang sử dụng vật liệu làm phao nổi hiện có phải thực hiện việc chuyển đổi toàn bộ vật liệu không phù hợp để đáp ứng yêu cầu quy chuẩn này.
Tuy nhiên, tính đến hết tháng 5/2023, tỷ lệ chuyển đổi vật liệu từ phao xốp sang phao nhựa theo quy chuẩn tính chung toàn tỉnh đạt hơn 94%. Số liệu này chỉ tính các cơ sở nuôi biển trong quy hoạch và không đồng đều tại các địa phương. Việc chuyển đổi không thực hiện được đúng như lộ trình đề ra xuất phát từ nhiều nguyên nhân.
Vật liệu thay thế - lo lắng về bài toán kinh tế
Sử dụng vật liệu nổi theo quy chuẩn cùng với quy hoạch hoàn chỉnh về khu vực nuôi trồng biển chắc chắn sẽ là những yếu tố góp phần đảm bảo sự phát triển bền vững hoạt động kinh tế biển gắn với bảo vệ môi trường. Tuy nhiên, trước khi quá trình chuyển đổi, theo người dân giống như một cuộc cách mạng, được hoàn tất, để thay đổi tốt hơn sinh kế của mình, những khó khăn về kinh tế, những băn khoăn về chất lượng vật liệu mới vẫn là bài toán mà những người dân bám biển đang đối mặt.
Những quả phao nhựa bị chìm dần hay đã chìm hẳn theo độ lớn của hàu trở thành lý do cho việc kẹp thêm phao xốp tại hộ nuôi và cũng là để đảm bảo cho số phao nhựa đã được thay thế. Một quả phao nhựa giá tiền vào khoảng trên dưới 80.000 đồng tùy loại - cao gấp đôi so với một quả phao xốp. Nhưng theo người nuôi, độ chịu lực lại không bằng. Tiền nhiều mà phao cũng phải nhiều hơn.
Ông Nguyễn Sỹ Bính là một trong những người thực hiện chuyển đổi sang phao HDPE đầu tiên tại Vân Đồn và cũng là một đầu mối đại lý cung ứng phao nhựa tại khu vực này. 10.000 quả phao đã được ông hoàn tất thay thế cho lồng nuôi của mình nhưng ông vẫn băn khoăn về việc phao hỏng, phao lỗi, khó đổi trả, bảo hành.
Đồng tiền đi liền với khúc ruột, một quả phao là một tài sản đang thả trên biển của người dân. Của đau thì con xót. Vậy nên, kiểm soát, đảm bảo chất lượng phao với thời gian sử dụng 10 năm theo tiêu chuẩn công bố sẽ là cách để làm lắng nỗi lo kinh tế bên cạnh mục tiêu bền vững môi trường trong hoạt động nuôi trồng thủy sản của người dân.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!