Các đại biểu Quốc hội nhấn mạnh tầm quan trọng của công tác chăm sóc trẻ em trong thực tiễn hiện nay, đồng thời đề nghị cần thực hiện nhiều giải pháp để làm tốt hơn công tác này.
Phát biểu tại Phiên họp, đại biểu Nguyễn Thị Thu Nguyệt (Đoàn ĐBQH tỉnh tỉnh Đắk Lắk) cho biết: "Sự gia tăng nhanh về số lượng, chủng loại và người điều khiển chủ yếu là lứa tuổi học sinh, xe đạp điện là phương tiện tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây mất an toàn và tai nạn giao thông. Đề nghị Chính phủ sớm ban hành nghị định và các văn bản pháp luật hướng dẫn khi Luật Trật tự an toàn giao thông chính thức có hiệu lực. Trong đó, cần chú ý đến việc hướng dẫn chi tiết điều kiện hoạt động của xe thô sơ, nhất là xe đạp điện".
Đại biểu Nguyễn Thanh Cầm - Đoàn ĐBQH tỉnh Tiền Giang (Ảnh: Cổng TTĐT Quốc hội)
Tham gia ý kiến về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024, đại biểu Nguyễn Thanh Cầm cho biết, bên cạnh những thành tựu nổi bật mà Việt Nam đã đạt được, đặc biệt về phát triển kinh tế xã hội, chăm sóc sức khỏe nhân dân, trợ giúp các đối tượng yếu thế… chúng ta cũng đang phải đối mặt với những vấn đề gia tăng trong cuộc sống hiện đại, trong đó có vấn đề của trẻ em tự kỷ.
Đại biểu Nguyễn Thanh Cầm cho biết, theo số liệu thống kê, Việt Nam hiện có khoảng 1 triệu người tự kỷ, trong đó phần lớn là trẻ em. Tỷ lệ trẻ em mắc rối loạn phổ tự kỷ ở Việt Nam đang tăng lên đáng kể, trở thành vấn đề xã hội quan trọng. Trẻ em tự kỷ gặp nhiều khó khăn trong giao tiếp, tương tác xã hội và thực hiện các hoạt động hàng ngày, ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống.
Từ đó, Đại biểu Nguyễn Thanh Cầm đề nghị Chính phủ thực hiện hiệu quả các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ và giải pháp đã được nêu trong chương trình trợ giúp xã hội và phục hồi chức năng cho người tâm thần, trẻ em tự kỷ. Hình thành và phát triển các trung tâm phát hiện sớm và can thiệp chuyên biệt cho trẻ tự kỷ công lập, với mức phí hợp lý và kỹ thuật chuyên sâu. Đồng thời, tăng cường đào tạo giáo viên có chuyên môn về điều trị tự kỷ cho các trường mầm non và tiểu học để trẻ tự kỷ có môi trường hòa nhập.
Một số đại biểu đề xuất cần có giải pháp ngăn chặn tình trạng mua bán thông tin cá nhân trên mạng xã hội.
"Số liệu thống kê cho thấy, năm 2023 Việt Nam nằm trong số 10 điểm nóng tội phạm mạng hàng đầu thế giới; Cổng cảnh báo an toàn thông tin Việt Nam đã ghi nhận khoản 13.900 vụ tấn công mạng vào các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp. Bên cạnh đó, số thông tin cá nhân của người dùng bị đánh cắp trong 06 tháng đầu năm 2024 tăng 50% so với cùng kỳ 2023, gây ra nhiều hệ luỵ cho xã hội. Cần tăng cường quản lý ngăn chặn xử lý hiệu quả các vụ lừa đảo và các vụ đánh cắp thông tin cá nhân trên mạng xã hội", ông Trần Quốc Tuấn, đại biểu Quốc hội tỉnh Trà Vinh nhấn mạnh.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!