Xác thực sinh trắc học để bảo vệ tài sản và thông tin cá nhân

Ban Thời sự-Chủ nhật, ngày 29/12/2024 16:42 GMT+7

VTV.vn - Việc triển khai xác thực sinh trắc học trong giao dịch ngân hàng giúp bảo vệ người dân và doanh nghiệp trước các hành vi lừa đảo trực tuyến ngày càng tinh vi.

Trước đây, việc xác thực sinh trắc học chỉ áp dụng khi thực hiện các giao dịch từ 10 triệu đồng trở lên. Tuy nhiên, kể từ ngày 1/1/2025, mọi giao dịch trực tuyến, dù chỉ từ 1 đồng, cũng yêu cầu xác thực sinh trắc học. Điều này đồng nghĩa với việc, nếu chưa hoàn thành xác thực, người dùng sẽ không thể chuyển tiền hay thanh toán trực tuyến. Người dùng sẽ có 6 tháng để hoàn tất xác thực trước khi thực hiện chuyển khoản, nhằm giảm tình trạng lừa đảo.

"Gần thời điểm ngày 1/1, các ngân hàng đã tích cực thông báo cho khách hàng qua nhiều kênh như ứng dụng ngân hàng, tin nhắn SMS, email, các phương tiện truyền thông đại chúng, và tại quầy giao dịch. Việc đối chiếu thông tin sinh trắc học trên kênh trực tuyến được thiết kế tiện lợi, nhưng nếu khách hàng gặp khó khăn hoặc không thể cập nhật qua điện thoại, họ có thể đến trực tiếp quầy giao dịch để được nhân viên hỗ trợ", ông Lê Anh Dũng, Phó Vụ trưởng Vụ Thanh toán, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cho biết.

Xác thực sinh trắc học để bảo vệ tài sản và thông tin cá nhân - Ảnh 1.

Ông Lê Anh Dũng, Phó Vụ trưởng Vụ Thanh toán, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chia sẻ về những vấn đề liên quan đến việc xác thực sinh trắc học

Theo ông Lê Anh Dũng, hiện nay các ngân hàng còn triển khai các hình thức hỗ trợ như phối hợp với các đối tác bên thứ ba thông qua mô hình đại lý thanh toán. Điều này giúp tiếp cận và hỗ trợ hiệu quả những người dân gặp khó khăn trong việc đến chi nhánh ngân hàng, đặc biệt là ở các khu vực vùng sâu, vùng xa và nông thôn.

Hiện nay, tỷ lệ người trưởng thành tại Việt Nam sở hữu tài khoản ngân hàng đã đạt khoảng 90%. Trong 11 tháng đầu năm 2024, giá trị giao dịch thương mại điện tử qua các kênh như internet, điện thoại di động, và mã QR đều tăng trên 50% về số lượng. Đặc biệt, một số kênh thanh toán ghi nhận mức tăng giá trị lên đến 80%, nhờ áp dụng xác thực sinh trắc học. Việc xác thực sinh trắc học cũng giúp giảm hơn một nửa số vụ lừa đảo trong các giao dịch trực tuyến từ 10 triệu đồng trở lên. Điều này không chỉ bảo vệ người dùng khỏi nguy cơ bị chiếm đoạt tài sản mà còn ngăn chặn hiệu quả các hành vi cho thuê, mượn hoặc mua bán tài khoản thanh toán và ví điện tử với mục đích bất hợp pháp. Với những công nghệ bảo mật tiên tiến như nhận diện khuôn mặt, vân tay và mống mắt, xác thực sinh trắc học đã góp phần tăng cường an toàn cho các giao dịch tài chính, mang lại sự an tâm cho người dùng và giảm thiểu những nguy cơ từ hành vi lừa đảo trực tuyến.

Xác thực sinh trắc học để bảo vệ tài sản và thông tin cá nhân - Ảnh 2.

Với những công nghệ bảo mật như nhận diện khuôn mặt, vân tay và mống mắt, xác thực sinh trắc học góp phần tăng cường an toàn cho các giao dịch tài chính

Đến thời điểm hiện tại, theo cập nhật từ Ngân hàng Nhà nước, đã có hơn 77 triệu tài khoản ngân hàng cá nhân được xác thực sinh trắc học. Tuy nhiên, hệ thống bảo mật vẫn tồn tại một lỗ hổng đáng lo ngại. Đó là việc các đối tượng lừa đảo lợi dụng tài khoản của doanh nghiệp để thực hiện hành vi gian lận. Những đối tượng này thường thu mua chứng minh thư hoặc căn cước công dân từ các nguồn không rõ ràng trên mạng, sau đó tạo ra người đại diện pháp luật giả mạo. Nhờ vậy, khi thực hiện các giao dịch chuyển tiền, các đối tượng có thể lách luật mà không cần xác thực sinh trắc học.

"Trong quá trình đăng ký tài khoản cá nhân, việc yêu cầu thông tin chính xác và xác thực sinh trắc học đảm bảo độ tin cậy cao. Thứ hai, trong quá trình sử dụng, khi thực hiện các giao dịch vượt ngưỡng 10 triệu đồng/giao dịch hoặc 20 triệu đồng/ngày phải xác thực sinh trắc học, khiến các đối tượng lừa đảo gặp khó khăn trong việc sử dụng tài khoản cá nhân do mua bán, thuê mượn để luân chuyển dòng tiền bất hợp pháp. Từ đó, giúp ngăn chặn tình trạng sử dụng tài khoản cá nhân cho mục đích lừa đảo trực tuyến", ông Dũng chia sẻ.

Ông Dũng cho biết cách đây vài tháng, một số đối tượng đã sử dụng mặt nạ 3D hoặc công nghệ AI nhằm giả mạo dữ liệu sinh trắc học để vượt qua các giải pháp bảo mật của ngân hàng. Tuy nhiên, khách hàng và các tổ chức tài chính đã nhanh chóng cập nhật những giải pháp công nghệ tiên tiến hơn để ngăn chặn các hành vi này. Nhờ áp dụng các biện pháp kiểm soát nghiêm ngặt và cải tiến liên tục trong hệ thống an ninh, việc lợi dụng mặt nạ 3D hay các chiêu trò giả mạo tương tự đã được hạn chế tối đa và khó có thể tiếp diễn.

Xác thực sinh trắc học để bảo vệ tài sản và thông tin cá nhân - Ảnh 3.

Theo cập nhật từ Ngân hàng Nhà nước, đã có hơn 77 triệu tài khoản ngân hàng cá nhân được xác thực sinh trắc học

"Dù đã áp dụng xác thực sinh trắc học như một lớp bảo vệ tài khoản và ví tiền online, nhưng thực tế cho thấy, một số trường hợp người dân vẫn bị mất tiền trong tài khoản ngân hàng. Bởi các đối tượng lừa đảo ngày càng tinh vi, thường lợi dụng tâm lý để thao túng người dùng, dẫn đến việc họ tự động chuyển tiền mà không nhận ra mình đang bị lừa. Trong những trường hợp này, ngay cả thông tin sinh trắc học cũng không thể ngăn chặn được nếu người dùng tự mình xác thực giao dịch theo hướng dẫn của kẻ lừa đảo", ông Dũng cho hay.

Ông Dũng cho rằng cần có những giải pháp đồng bộ và toàn diện hơn. Quan trọng nhất là đẩy mạnh công tác tuyên truyền, cảnh báo và giáo dục tài chính cho người dân. Bằng cách nâng cao nhận thức, trang bị kiến thức về các hình thức lừa đảo và cách thức thực hiện giao dịch an toàn, người dân có thể tránh bị dẫn dụ hoặc thao túng, bảo vệ tài sản của mình hiệu quả hơn.

"Với những lỗ hổng trong việc chuyển tiền trực tuyến mà không cần xác thực sinh trắc học, đặc biệt là liên quan đến tài khoản doanh nghiệp, cần nhìn nhận vấn đề một cách bình tĩnh và thận trọng. Tuy nhiên, nếu hành động quá quyết liệt, có thể gây ách tắc dòng tiền của người dân và doanh nghiệp, ảnh hưởng tiêu cực đến nền kinh tế. Do đó, khi nhận thấy vấn đề, Ngân hàng Nhà nước đã chỉ đạo xây dựng các quy định chính sách, yêu cầu các tổ chức tài chính rà soát kỹ thông tin của người đại diện pháp luật khi mở tài khoản doanh nghiệp hoặc hộ kinh doanh, nhằm đảm bảo tính chặt chẽ", ông Dũng nhận định.

Thông tư 17 về tài khoản thanh toán, yêu cầu đối chiếu thông tin sinh trắc học của người đại diện pháp luật đối với tài khoản tổ chức. Thông tư này sẽ chính thức áp dụng từ ngày 1/7/2025, tạo thời gian để người dân và doanh nghiệp chuẩn bị.

Xác thực sinh trắc học để bảo vệ tài sản và thông tin cá nhân - Ảnh 4.

Xác thực sinh trắc học không chỉ bảo vệ người dùng khỏi nguy cơ bị chiếm đoạt tài sản mà còn ngăn chặn hiệu quả các hành vi cho thuê, mượn hoặc mua bán tài khoản thanh toán và ví điện tử với mục đích bất hợp pháp

"Quá trình rà soát các tài khoản mới mở, đặc biệt là tài khoản liên quan đến hộ gia đình hoặc doanh nghiệp nhỏ, cũng được siết chặt để giảm thiểu rủi ro. Đồng thời, dựa trên kiến nghị của các cơ quan chức năng, chúng tôi đã gửi văn bản đến các Bộ, ngành liên quan, bao gồm Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố, để tăng cường kiểm soát việc đăng ký doanh nghiệp, đảm bảo xác thực chính xác người đại diện pháp luật", ông Dũng nhấn mạnh.

Cũng theo ông Dũng, khi người dân gặp khó khăn do điện thoại không tương thích hoặc thiếu kỹ năng, hiểu biết, họ có thể đến quầy để được ngân hàng hỗ trợ. Trong những ngày này, ngành ngân hàng đã nỗ lực tăng cường nhân lực, bố trí cán bộ làm thêm giờ trong ngày làm việc, và làm việc vào cả cuối tuần (thứ 7 và Chủ nhật), nhằm đáp ứng lượng khách hàng tăng đột biến, đến ngân hàng để được hỗ trợ cập nhật thông tin sinh trắc học.

Trong bối cảnh các thủ đoạn lừa đảo trực tuyến ngày càng tinh vi và khó lường, việc bảo mật thông tin xác thực sinh trắc học trở nên vô cùng cần thiết để bảo vệ tài sản cá nhân. Đây là một bước quan trọng trong quá trình giao dịch, không chỉ giúp giảm thiểu rủi ro mà còn tránh được những sai sót và mất mát không đáng có.Vì vậy, mỗi người dân cần nhanh chóng hoàn tất việc xác thực sinh trắc học để đảm bảo an toàn khi thực hiện các giao dịch trực tuyến. Điều này không chỉ giúp bảo vệ tài sản và thông tin cá nhân mà còn góp phần ngăn chặn tình trạng lừa đảo trên không gian mạng, bảo vệ sự ổn định của nền kinh tế số và xã hội số.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước