Hiện nay, Vườn quốc gia Bù Gia Mập thuộc địa bàn tỉnh Bình Phước tiềm ẩn nguy cơ cháy rừng rất cao. Do đó, những ngày này chủ rừng cùng lực lượng chức năng, cộng đồng nhận khoán đang huy động tối đa nhân lực, vật lực trực 24/24 giờ, không để cháy rừng xảy ra.
Ban Quản lý Vườn quốc gia Bù Gia Mập bảo vệ hơn 25.000 ha rừng tại huyện Bù Gia Mập. Tại đây, rừng lồ ô thuần loài và lồ ô xen gỗ chiếm diện tích lớn nên rất dễ xảy ra cháy. Hiện nay, Ban Quản lý Vườn quốc gia Bù Gia Mập thực hiện nghiêm phương châm "4 tại chỗ" (chỉ huy tại chỗ, lực lượng tại chỗ, phương tiện tại chỗ và hậu cần tại chỗ), "4 sẵn sàng" (chỉ huy sẵn sàng, lực lượng sẵn sàng, phương tiện hậu cần sẵn sàng, thông tin liên lạc sẵn sàng) và giao nhiệm vụ cụ thể từ cá nhân, đơn vị để chủ động trong mọi tình huống phòng cháy, chữa cháy rừng.
Giám đốc Ban quản lý Vườn quốc gia Bù Gia Mập Vương Đức Hòa cho biết: Địa hình dốc chia cắt bởi nhiều khe suối dẫn đến dễ tạo ra các đường băng cản lửa tự nhiên hạn chế được ngọn lửa cháy lan khi xảy ra cháy rừng. Phía Bắc, phía Tây, phía Đông đều tiếp giáp với những khu vực có rừng gỗ thường xanh nên ít có khả năng cháy rừng xảy ra ở khu vực này. Tuy nhiên, phía Nam của Vườn giáp với Ban Quản lý rừng phòng hộ Đắk Mai, những khu vực này chủ yếu đã được chuyển đổi mục đích sử dụng từ rừng nghèo kiệt sang trồng cao su và một phần làm rẫy nên trong quá trình canh tác người dân phải dùng lửa để dọn rẫy, do đó nguy cơ xảy ra cháy rừng ở khu vực này rất cao. Phía Bắc giáp sông Đắk Huýt, ranh giới Việt Nam – Campuchia, mùa khô nước sông Đắk Huýt cạn, tạo nên các bãi le, sậy tập trung nhiều vật liệu cháy dẫn tới nguy cơ cháy lan từ phía bên nước bạn vào Vườn quốc gia là rất cao.
Cao điểm nhất của mùa khô là tháng 1, 2, 3, 4 - thời điểm có khả năng xảy ra cháy rừng rất cao. Mùa này các dòng chảy đều cạn hoặc lưu lượng nước rất thấp vào mùa khô. "Trong Vườn quốc gia có 2 tuyến đường lớn đi qua là Quốc lộ 14C và đường tuần tra biên giới. Vào mùa khô, người dân qua lại khu vực này rất đông nên nguy cơ xảy ra cháy rừng rất cao. Một số đối tượng xâm nhập rừng để săn bắn, bẫy bắt động vật, khai thác lâm sản, trong quá trình sử dụng lửa không cẩn thận để cháy lan vào rừng. Một số đối tượng khi bị lực lượng kiểm lâm bắt và xử phạt thì quay lại đốt rừng để trả thù", ông Vương Đức Hòa cho biết thêm.
Để chủ động phòng cháy, chữa cháy rừng, Vườn tổ chức phát dọn đường băng cản lửa theo ranh khoảng 157km, phát dọn khu thực bì, làm giảm vật liệu cháy 145 ha rừng trồng. Các trạm kiểm lâm tăng cường công tác tuần tra lửa rừng tại các khu vực có nguy cơ xảy ra cháy rừng cao như: tiểu khu 21, 26, 27, 28, 29, khu vực dọc theo Quốc lộ 14C, khu vực đường tuần tra biên giới; cử nhân viên thường xuyên trực gác tại chòi canh lửa. Lực lượng bảo vệ rừng thường xuyên tổ chức tuyên truyền lưu động về công tác phòng cháy chữa cháy rừng cho người dân các xã vùng đệm; tổ chức ký cam kết không phát dọn, lấn chiếm, để lửa cháy lan vào rừng khi phát dọn vườn điều giáp ranh với Vườn quốc gia.
Các trạm kiểm lâm thường xuyên kết hợp với các đơn vị nhận khoán tổ chức tuần tra theo từng nhóm nhỏ từ 3 - 4 thành viên, thường xuyên tổ chức tuần tra lửa rừng trên khu vực được giao quản lý. Tổ kiểm lâm cơ động và phòng cháy, chữa cháy rừng ngoài việc kết hợp tuần tra với các trạm kiểm lâm và đơn vị nhận khoán còn là lực lượng chủ chốt trong việc thực hiện điều hành xe bồn chữa cháy, máy cày chữa cháy rừng, máy thổi gió chữa cháy, máy cưa, máy phát cỏ để phục vụ công tác chữa cháy.
Các đơn vị nhận khoán cử người trực tuần tra phòng cháy chữa cháy rừng 24/24 giờ trong các tháng mùa khô. Mỗi ca trực, một cộng đồng tối thiểu phải đảm bảo 6 người tham gia. Các cộng đồng, đơn vị nhận khoán chủ động tự chế các công cụ chữa cháy thô sơ như bàn dập lửa, chổi, dao rựa…, sẵn dập cháy kịp thời ở cấp độ 1.
Ngoài công tác tuần tra, kiểm tra thường xuyên, lực lượng bảo vệ rừng còn sử dụng thiết bị flycam để tuần tra, kiểm tra 2-3 lần/ngày; tăng cường kiểm tra người và phương tiện đi qua Vườn quốc gia, nghiêm cấm sử dụng lửa ở những khu vực nguy hiểm, dễ xảy ra cháy rừng; phát tờ rơi tuyên truyền công tác phòng cháy, chữa cháy rừng cho người dân và du khách khi đi qua Vườn quốc gia; đảm bảo 80% quân số trực 24/24 giờ trong ngày để chữa cháy kịp thời…
Ngoài lực lượng nòng cốt trong công tác phòng cháy, chữa cháy rừng, Ban quản lý Vườn quốc gia Bù Gia Mập còn giao khoán bảo vệ rừng cho 15 đơn vị nhận khoán bảo vệ rừng có khoảng 700 lao động, trong đó quân số thường trực của 15 đơn vị tại các khu vực khoán bảo vệ rừng là 200 người.
Ông Điểu Gắt - cộng đồng nhận khoán bảo vệ rừng thôn Bù Lư (xã Bù Gia Mập) cho biết: "Chúng tôi phát, đốt, dọn sạch các đường vành đai phía Đông, đường vành đai phía Nam để tạo các băng cản lửa khi có cháy rừng xảy ra và ngăn cản ngọn lửa cháy từ ngoài vào vùng lõi. Ngoài ra các đường này còn tạo điều kiện thuận lợi cho người và phương tiện di chuyển dễ dàng trong quá trình tuần tra, kiểm tra và chữa cháy khi có cháy rừng xảy ra".
Theo ông Gắt, quy trình phát dọn đường ranh phòng chống cháy rừng các tuyến ranh giới của Vườn là chặt toàn bộ cây lồ ô, cây bụi đổ ra 2 bên đường đảm bảo chiều cao của đường trên 6m; phát dọn sạch trên bề mặt đường và 2 bên lề đường mỗi bên thêm 5m, cào toàn bộ cây bụi, cỏ rác thành đống vào lòng đường để đốt. Phát dọn phòng cháy, chữa cháy rừng khu vực đường tuần tra biên giới, tuyến đường Đông Nam của Vườn quốc gia gồm phát dọn sạch các cây bụi, cỏ, lồ ô khô ở hai bên lề đường mỗi bên 5m, cào toàn bộ cây bụi, lồ ô khô sát đường đống nhỏ để đốt...
Khi phát dọn các loại cỏ dại, cây bụi ở khu vực rừng trồng, lực lượng sẽ gom ra khu vực đường ranh rừng trồng và tổ chức đốt dọn có kiểm soát không làm ảnh hưởng đến rừng trồng. Những trường hợp không thể đốt dọn thì sử dụng các biện pháp dùng máy múc để chôn lấp thực bì đã phát dọn mà không để ảnh hưởng tới cây trồng.
Trong năm 2017, Vườn quốc gia được Chi cục Kiểm lâm trang bị 28 bồn chứa nước từ 2.000-5.000 lít đặt tại các khu vực có nguy cơ xảy ra cháy cao, xa nguồn nước. Năm 2024, Ban quản lý Vườn mua thêm 4 bồn chứa nước 5.000 lít để những khu vực có nguy cơ cao cháy rừng.
Trong 5 năm qua, nhờ thực hiện tốt các biện pháp phòng cháy, chữa cháy rừng nên trên lâm phần Vườn quốc gia không có vụ cháy rừng nào xảy ra. Tuy nhiên, công tác phòng cháy, chữa cháy rừng luôn được đơn vị xác định là nhiệm vụ hàng đầu trong công tác bảo vệ rừng.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!