Du xuân vãn cảnh đền, chùa vốn đã là thói quen không thể thiếu với nhiều người trong dịp đầu năm. Nhất là khi thời tiết năm nay "mưa thuận gió hòa" đã khiến các địa điểm du lịch tâm linh càng đông đúc và nhộn nhịp ngay từ những ngày trong Tết.
Không khí lễ hội đầu năm
Năm nay thời tiết thuận lợi, ngay những ngày đầu xuân, Khu du lịch văn hóa tâm linh Bái Đính, ở Ninh Bình đã đón hơn 100.000 lượt du khách thập phương từ khắp nơi hành hương về chiêm bái, lễ Phật…
Ngoài các nghi thức trong phần lễ và hội, du khách đến với Hội Xuân chùa Bái Đính năm nay sẽ được tự tay viết những mong ước cho bản thân và gia đình lên mỗi tấm thẻ may mắn rồi treo lên thẻ ước nguyện trong chùa…
Vượt hàng trăm cây số từ Móng Cái, Quảng Ninh ra Ninh Bình - chuyến du xuân đầu năm của gia đình chị Nguyễn Thị Hằng được trọn vẹn hơn khi các thành viên cùng nhau treo tấm thẻ ước nguyện với niềm tin và hy vọng những mong ước của mình sẽ trở thành hiện thực.
Còn tại Khu di tích lịch sử, văn hóa Đền Trần, Nam Định, lượng người đổ về hành hương tăng lên ngay từ thời điểm trong tết - ban quản lý di tích đã lên phương án phân làn điều tiết các phương tiện cũng như dòng người từ xa.
Trung bình những ngày đầu năm, nơi đây đón gần 20.000 lượt khách thập phương về chiêm bái. Dự kiến vào ngày khai Ấn, lượng khách sẽ còn tăng lên gấp nhiều lần.
Yêu cầu các địa phương tăng cường giám sát, kiểm tra các lễ hội đầu năm
Có thể thấy, không khí tại một số điểm du lịch tâm linh những ngày đầu xuân rất rộn ràng, ai cũng mong những điều tốt lành đến cho gia đình. Để đảm bảo an toàn, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch có công văn gửi UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc bảo đảm thực hiện nếp sống văn minh, an toàn, tiết kiệm trong các hoạt động lễ hội sau Tết Nguyên đán Ất Tỵ và Lễ hội xuân năm 2025. Theo đó, yêu cầu các địa phương, không tổ chức lễ hội tràn lan gây tốn kém, lãng phí thời gian, tiền bạc của nhân dân, xã hội và Nhà nước; rà soát khu vực dịch vụ bảo đảm không lấn chiếm khuôn viên di tích; thực hiện các biện pháp bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn sông nước, phòng, chống cháy nổ và vệ sinh công cộng. Đồng thời, các địa phương cần đẩy mạnh việc thanh, kiểm tra, giám sát trước, trong và sau khi tổ chức lễ hội; ngăn chặn, xử lý nghiêm các vi phạm trong hoạt động lễ hội, đặc biệt là các hành vi lợi dụng di tích, lễ hội, tín ngưỡng để trục lợi, hoạt động mê tín dị đoan, cờ bạc.
Thực tế ghi nhận trong những ngày qua cho thấy, công tác đảm bảo an ninh trật tự, tổ chức quản lý hoạt động tại một số điểm du lịch tâm linh đã được các địa phương giám sát chặt chẽ, tạo ra những chuyển biến tích cực. Tuy nhiên, khi lượng người đổ về ngày một đông tại các lễ hội thì việc kiểm soát những bất cập xung quanh các dịch vụ đi kèm vẫn còn là bài toán nan giải. Như tại Khu Di tích và thắng cảnh Hương Sơn, những hình ảnh chưa đẹp lại xuất hiện.
Nhiều hình ảnh chưa đẹp tại lễ hội chùa Hương
Đi lễ chùa, nếu du khách cần "tờ đào cánh sớ" thì có dịch vụ cung cấp ở ngay cạnh bãi đỗ xe số 1, cách cổng vào khu di tích Hương Sơn gần 3 cây số.
Nếu dịch vụ viết sớ có thể khiến mọi người hoang mang, thì dịch vụ đổi tiền lẻ mang lại cảm giác yên tâm hơn, vì tỷ lệ được - mất rõ ràng. Cho dù dịch vụ này đã bị cấm từ lâu.
Năm nay là năm thứ 2, hợp tác xã Dịch vụ du lịch chùa Hương đứng ra tổ chức, quản lý đò thuyền, tránh tình trạng lộn xộn cò mồi, chèo kéo khách thay vì tự phát như trước đây. Theo ban quản lý, mỗi đò được đánh số để kiểm soát. Và du khách đi vào đò nào sẽ phải về bằng đò đấy để thuận tiện cho việc tính công và trả công cho lái đò.
Cũng bởi vì đi ghép nên chuyến hành hương đi lễ hôm nay mới chỉ xong lễ đền Trình… du khách cùng chuyến đò đã phải đợi chờ, hay đi tìm nhau như thế này để di chuyển tiếp.
Từ đền Trình vào đến chùa Hương, du khách mất gần 1 tiếng. Với những du khách đi ghép đò, sau khi lễ xong, nếu ai không kiên nhẫn đợi chờ thì chuyện to tiếng cũng đã xảy ra.
Nếu ai cũng chấp nhận mất tiền để mang lại sự hoan hỷ thì chuyến đi lễ đầu năm sẽ vẫn là suôn sẻ.
Những bất cập trong việc tổ chức hoạt động đò thuyền năm nay, sẽ dần được khắc phục. Nhưng chuyện bán thịt thú rừng, thịt động vật - ở chùa Hương tồn tại bao nhiêu năm nay thì vẫn tiếp diễn.
Dù là thịt thú rừng như lời người bán quảng cáo hay chỉ là trò lừa đảo "treo đầu dê bán thịt chó" - thì những quầy hàng la liệt thịt động vật, được treo nguyên con bán công khai như thế này - ít nhiều ảnh hưởng đến sự tôn nghiêm nơi cửa Phật.
Ở một góc độ nào đó, những hình ảnh chưa đẹp này tuân theo quy luật cung cầu, khi cầu quá lớn thì chất lượng của các dịch vụ không còn là điều người ta ngại nữa, thâm chí là chịu thiệt một chút với những dịch vụ phi lý cũng là lựa chọn của nhiều người du xuân.
Thậm chí, tại Khu di tích quốc gia đặc biệt Tây Thiên, ở huyện Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc, trong những ngày đầu đã xuất hiện hiện tượng cò mồi, dẫn mối du khách của các chủ nhà hàng, quán ăn hay tình trạng hàng quán bán hàng, viết sớ lấn chiếm khu di tích vẫn tiếp tục tái diễn trong mùa lễ hội năm nay.
Vĩnh Phúc: Tái diễn tình trạng cò mồi, hàng quán lấn chiếm tại Khu danh thắng Tây Thiên
Để phân luồng từ xa, địa phương bố trí nhiều chốt chặn phương tiện ô tô, xe máy của du khách để buộc phải gửi vào các bãi xe bên ngoài khu danh thắng Tây Thiên. Tuy nhiên, nếu muốn phương tiện vượt qua chốt vào sát đền Trình, thì có thể theo cò mồi của các nhà hàng quán ăn. Cò mồi khẳng định sẽ đưa xe vào thẳng bên trong nhà hàng để gửi nhưng với điều kiện phải ăn uống, sử dụng dịch vụ mà họ cung cấp. Ngoài hiện tượng cò mồi, du khách đi lễ năm nay còn chứng kiến hình ảnh, ngay trước sân đền Trình, chỉ trong diện tích khoảng 400m2, đã mọc thêm hơn chục điểm bán hàng, viết sớ khiến khu vực sân vốn chật chội càng trở nên chật hẹp. Ở sát sân chính, nhiều kiot mái tôn cũng được dựng lên để kinh doanh.
Đủ mọi chiêu trò nhằm trục lợi tại các đền, chùa khiến người du xuân phải chứng kiến những hình ảnh không đẹp, tất cả đã làm giảm đi sự trang nghiêm chốn tâm linh. Dù câu chuyện về nạn khấn thuê, lễ mướn tại Đền Bà Chúa Kho chúng tôi đã từng phản ánh cách đây 1 năm nhưng cho đến nay dịch vụ này vẫn tiếp tục tái diễn, thậm chí còn công khai và rầm rộ hơn trước.
Rầm rộ dịch vụ khấn thuê, lễ mướn tại Đền Bà Chúa Kho
Chỉ cần bước chân xuống cổng Đền Bà Chúa Kho, tức khắc sẽ có hàng loạt cò mồi níu chân chào mời mọi dịch vụ. Rầm rộ nhất là khấn thuê lễ mướn. Các cò đứng khắp nơi. Đặc điểm nhận dạng của những người này là thường cầm chiếc đĩa con và 2 đồng tiền cổ để tiếp cận du khách.
Chỉ mất vài phút là khấn xong 1 lượt khách, thế nhưng sẽ không có gì đáng nói nếu việc phát tâm lại biến thành cuộc ngã giá.
Du khách bức xúc cũng là dễ hiểu bởi nói là "Phát tâm" nhưng lại "phát giá" từ vài chục đến vài trăm nghìn đồng/ lượt khấn thuê. Chỉ trong 1h đồng hồ, các thầy cúng bất đắc dĩ tại đây tiếp khoảng chục lượt khách. Trong khi dịp đầu năm, nơi đây đón khoảng 5000 lượt khách mỗi ngày. Sức hút của dịch vụ này nóng đến mức các thầy cúng thay nhau cắm chốt ở mọi ngóc ngách trong đền.
Loa đài cũng đã thông báo, biển bảng cũng đã treo khắp các khu vực, thậm chí 67 camera an ninh cũng được đặt tại các điểm nóng trong khu di tích… Thế nhưng, dịch vụ khấn thuê lễ mướn tại đây vẫn ngang nhiên và rầm rộ.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!