Vụ việc chó Pitbull cắn chết người ở Long An: Hậu quả do không xử lý nghiêm

Minh Đức-Thứ hai, ngày 24/05/2021 17:00 GMT+7

VTV.vn - Việc kiểm soát vật nuôi nhằm tránh nguy cơ vật nuôi tấn công người đã có trong quy định nhưng nhiều chủ nuôi vẫn bất chấp, gây nên những tai nạn thương tâm gây chết người.

Việc nuôi thú cưng như chó mèo đang là xu thế thịnh hành của nhiều gia đình. Ngoài chọn lựa những giống chó mèo cảnh nhỏ nhắn, một số gia chủ cũng chọn lựa những những giống chó to khỏe, thậm chí là dữ tợn để bảo vệ nhà cửa. Tuy nhiên, trong rất nhiều trường hợp, vì những sai lầm không đáng có mà việc nuôi động vật đã gây nên những tai nạn nghiêm trọng.

Mới đây, sự việc chó Pitbull cắn chết người ở Long An đã khiến nhiều người phải "rùng mình". Vốn dĩ, những sự việc như trên hoàn toàn có thể ngăn chặn từ trước nếu người chủ có trách nhiệm hơn.

Ông Nguyễn Văn Long, Phó Cục trưởng Cục Thú y, Bộ NN&PTNT cho biết, Cục Thú ý cùng các cơ quan nhà nước đã nhiều lần cảnh báo về trách nhiệm của chủ vật nuôi trong việc quản lý đàn chó cũng như chính quyền địa phương, nhưng thực tế là nhiều người vẫn chưa ý thức được những rủi ro của việc thả rông chó.

Để kiểm soát vật nuôi, Thông tư 07/2016/TT-BNNPTNT ngày 31/5/2016 quy định về phòng chống dịch bệnh động vật trên cạn, chủ nuôi chó, mèo (gọi chung là chủ vật nuôi) phải đăng ký việc nuôi chó với UBND cấp xã tại các đô thị, nơi đông dân cư; Xích, nhốt hoặc giữ chó trong khuôn viên gia đình; bảo đảm vệ sinh môi trường, không ảnh hưởng xấu tới người xung quanh. Khi đưa chó ra nơi công cộng phải bảo đảm an toàn cho người xung quanh bằng cách đeo rọ mõm cho chó hoặc xích giữ chó và có người dắt. Chấp hành tiêm vaccine phòng bệnh Dại cho chó, mèo theo quy định; Chịu mọi chi phí trong trường hợp có chó thả rông bị bắt giữ, kể cả chi phí cho việc nuôi dưỡng và tiêu hủy chó. Trường hợp chó, mèo cắn, cào người thì chủ vật nuôi phải bồi thường vật chất cho người bị hại theo quy định của pháp luật.

UBND cấp xã có trách nhiệm lập sổ quản lý chó nuôi trên địa bàn; thành lập các đội chuyên trách để bắt chó thả rông và động vật mắc bệnh Dại, có dấu hiệu mắc bệnh Dại; thông báo trên các phương tiện thông tin đại chúng về địa điểm tạm giữ chó bị bắt để chủ vật nuôi đến nhận; áp dụng các biện pháp xử phạt vi phạm hành chính đối với chủ vật nuôi,...

Đối chiếu theo Thông tư 07, liên quan đến việc chó Pitbull cắn chết người ở Long An, chủ chó đã không thực hiện nghiêm túc việc đeo rọ mõm cho chó hoặc xích giữ chó và có người dắt theo quy định. Chính quyền địa phương cũng thừa nhận rằng, chưa thực sự quan tâm đến việc quản lý nuôi chó, mèo trên địa bàn trong khi nhiều chủ vật nuôi chưa tuân thủ quy định. Lực lượng thú y cơ sở cũng được nhận định là có nhiều khó khăn do thiếu nhân lực chuyên ngành.

Ngoài câu chuyện quản lý, vấn đề phòng bệnh dại cho vật nuôi cũng chưa thật sự được quan tâm tại nhiều địa phương. Theo báo cáo của các cơ quan chuyên ngành thú y và y tế của địa phương, từ đầu năm 2021 đến nay, cả nước ghi nhận 15 trường hợp người tử vong do bệnh dại tại 10 tỉnh, thành phố và trên 140.000 người phải đi điều trị dự phòng bệnh dại.

Trên động vật, qua công tác giám sát chủ động, đã phát hiện 33 trường hợp chó, mèo có kết quả xét nghiệm dương tính với virus dại tại 6 tỉnh.

Việc tiêm phòng dại cho chó, mèo đạt tỷ lệ rất thấp, số lượng chó, mèo được tiêm phòng chủ yếu theo kế hoạch hàng năm của địa phương, thấp hơn thực tế rất nhiều so với tổng đàn chó, mèo thuộc diện tiêm phòng của địa phương (nhiều địa phương tỷ lệ tiêm vaccine đạt dưới 30%).

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Từ khóa:

chó Pitbull

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước