Tại buổi họp báo chiều 10/12, Công an thành phố Hà Nội đã thông tin về hai vụ án lừa đảo trên không gian mạng, trong đó có một vụ án lừa đảo đặc biệt lớn với tổng giá trị về số tiền và tang vật thu giữ là hơn 5.200 tỷ đồng. Cả hai vụ án lừa đảo đều núp bóng là thành lập các công ty. Mặc dù không đăng ký hoạt động về chứng khoán, về tài chính nhưng các đối tượng vẫn tuyển dụng nhân viên để hoạt động trong lĩnh vực giao dịch ngoại hối, chứng khoán phái sinh.
Đối tượng Phó Đức Nam, biệt danh "Mr Pips" vừa bị bắt giữ về hành vi lừa đảo
Theo Thượng tá Cao Văn Thái, Phó trưởng phòng Cảnh sát hình sự, Công an thành phố Hà Nội cho biết, các đối tượng trong nhóm này hoạt động với quy mô lớn, có tổ chức chặt chẽ và bài bản. Đặc biệt, những nhân viên làm nhiệm vụ SEO để tìm kiếm và chăm sóc khách hàng đều được đào tạo kỹ lưỡng trước khi bắt đầu công việc chính thức. Họ được cung cấp các kịch bản chi tiết và sự hướng dẫn trực tiếp nhằm thuyết phục khách hàng tham gia vào các sàn giao dịch ngoại hối, chứng khoán. Các nhân viên SEO không chỉ chịu sự chỉ đạo từ trưởng nhóm mà còn được khuyến khích bởi các chính sách lương thưởng hấp dẫn, để họ tích cực hơn trong việc thuyết phục và tác động tâm lý khách hàng.
"Sau khi hoàn thành khóa đào tạo, nhân viên sẽ trải qua giai đoạn thử việc. Trong giai đoạn này, thu nhập của họ được tính dựa trên số tiền chiếm đoạt được từ khách hàng. Các đối tượng nỗ lực để thu hút khách hàng tham gia, đồng thời khuyến khích khách hàng nạp càng nhiều tiền càng tốt, vì thu nhập của họ tỷ lệ thuận với số tiền lừa đảo", Thượng tá Cao Văn Thái chia sẻ.
Thượng tá Cao Văn Thái, Phó trưởng phòng Cảnh sát hình sự, Công an thành phố Hà Nội chia sẻ về các vụ lừa đảo trên không gian mạng
Theo luật sư Trương Thanh Đức, Trung tâm trọng tài quốc tế Việt Nam, thời gian vừa qua, phương pháp xác thực sinh trắc học đã được áp dụng để tăng cường bảo mật, cho phép người dân xác thực tài khoản ngân hàng của mình. Theo đó, khi thực hiện giao dịch chuyển khoản trên 10 triệu đồng, chủ tài khoản phải xác minh danh tính để đảm bảo giao dịch được thực hiện bởi chính chủ. Tuy nhiên, việc xác thực sinh trắc học này hiện chỉ áp dụng cho cá nhân và mới được triển khai gần đây, trong khi đối với các doanh nghiệp hoặc pháp nhân, biện pháp này vẫn chưa được áp dụng.
"Trong trường hợp chuyển tiền, người thực hiện có thể tách số tiền lớn thành các khoản nhỏ để chuyển nhiều lần. Khi tiền đã được chuyển ra nước ngoài, việc quản lý dòng tiền, mục đích sử dụng, trở nên khó kiểm soát và không còn chịu sự ràng buộc của các quy định pháp luật Việt Nam. Điều này tạo ra những lỗ hổng dễ bị lợi dụng trong việc luân chuyển và sử dụng tiền bất hợp pháp", luật sư Trương Thanh Đức cho biết.
Luật sư Trương Thanh Đức, Trung tâm trọng tài quốc tế Việt Nam cho biết các quy định của pháp luật về các vụ lừa đảo tài chính trực tuyến
"Dòng tiền từ các hoạt động lừa đảo được các đối tượng lập kế hoạch và quản lý chặt chẽ thông qua các tài khoản ngân hàng do chúng kiểm soát. Khi dụ dỗ thành công nạn nhân đồng ý tham gia, chúng yêu cầu chuyển tiền vào các tài khoản đã được chỉ định trước. Để tránh sự truy vết từ cơ quan công an, các đối tượng luân chuyển số tiền này qua nhiều tài khoản khác nhau. Tiền được chuyển đổi vào các ví điện tử, quy đổi thành ngoại tệ như USD hoặc Nhân dân tệ, từ đó rút ra tiền mặt hoặc chuyển ra nước ngoài. Những khoản tiền này được sử dụng để mua tài sản giá trị cao, như bất động sản, hoặc chi trả cho các hoạt động của tổ chức bao gồm chi phí thuê văn phòng, trả lương cho nhân viên", Thượng tá Cao Văn Thái cho biết thêm.
Rõ ràng, đây không phải lần đầu tiên xảy ra các vụ lừa đảo liên quan đến các sàn chứng khoán hoặc tiền ảo, nhưng lần này, quy mô của vụ việc rất lớn, với tổng giá trị tài sản thu giữ ước tính lên đến hơn 5.200 tỷ đồng. Đây là con số đáng báo động trong các vụ lừa đảo trực tuyến. Hiện nay, số lượng nạn nhân trên cả nước được thống kê khoảng 2.700 người.
Tài sản thu được từ các vụ lừa đảo liên quan đến sàn chứng khoán, tiền ảo
"Ngay lúc này, những người bị hại cần tích cực phối hợp với cơ quan điều tra, viết đơn trình báo, cung cấp đầy đủ thông tin liên quan và bằng chứng xác thực về việc mình bị lừa đảo, như giao dịch chuyển tiền, tin nhắn, email, hoặc các tài liệu khác liên quan đến các đối tượng lừa đảo. Khi cơ quan điều tra yêu cầu bổ sung thông tin hoặc hợp tác, cần lập tức phối hợp để hỗ trợ quá trình thu thập chứng cứ và làm rõ vụ việc. Giúp cơ quan chức năng nhận diện các đối tượng liên quan, đặc biệt là những kẻ có thể chưa bị phát hiện, chưa bị khởi tố", luật sư Trương Thanh Đức nhấn mạnh.
Các vụ lừa đảo tài chính trực tuyến ngày càng tinh vi, không chỉ dừng lại ở các sàn chứng khoán giả mạo mà còn mở rộng sang các sàn tiền ảo hay tiền kỹ thuật số. Vào tháng 7/2024, hàng nghìn nạn nhân đã bị lừa đảo bởi dự án đầu tư tiền ảo CPP, với tổng thiệt hại lên đến 10.000 tỷ đồng. Dự án này cam kết chi trả lợi nhuận hấp dẫn, lên tới 0,5% mỗi ngày dựa trên số tiền nạp, cùng với hoa hồng từ 12% đến 50% khi giới thiệu người tham gia, trong khi không hề có bất kỳ hoạt động sản xuất kinh doanh nào. Những "bánh vẽ" do các đối tượng tạo ra đã khiến nhiều người mất cảnh giác và sập bẫy. Trước đó, các ứng dụng giả mạo như Stoke X cũng không cho phép người dùng rút lợi nhuận, thậm chí yêu cầu nộp thêm tiền để được rút. Nhiều nạn nhân đã mất hàng tỷ đồng khi mua các loại tiền ảo trên những ứng dụng do các đối tượng tạo lập. Đáng lo ngại hơn, các vụ lừa đảo này còn có sự tham gia của một số chủ doanh nghiệp, làm tăng tính thuyết phục và thu hút thêm nạn nhân.
Ứng dụng giả mạo như Stoke X không cho phép người dùng rút lợi nhuận, thậm chí yêu cầu nộp thêm tiền để được rút
Thượng tá Cao Văn Thái cho rằng việc phát sinh của các sàn giao dịch lừa đảo xuất phát từ sự phát triển mạnh mẽ của khoa học công nghệ. Bởi hiện nay, ai cũng có thể dễ dàng sử dụng điện thoại thông minh hoặc máy tính có kết nối internet. Các đối tượng đã tận dụng mạng xã hội để dụ dỗ và lôi kéo người dân tham gia vào những sàn giao dịch ngoại hối, chứng khoán, hoặc tiền ảo giả mạo. Nhiều người dân nhầm tưởng đây là các sàn giao dịch quốc tế uy tín, dẫn đến việc tham gia mà không nghi ngờ. Thậm chí, ngay cả khi lực lượng chức năng bắt giữ các đối tượng lừa đảo, nhiều nạn nhân vẫn tin rằng họ thua lỗ chỉ do may rủi. Điều này cho thấy sự tồn tại của những sàn giao dịch lừa đảo trên mạng xã hội không chỉ gây khó khăn trong việc quản lý và ngăn chặn mà còn làm gia tăng sự nhầm lẫn và mất cảnh giác của người dân.
"Các đối tượng đóng vai trò "chăm sóc khách hàng" sẽ trực tiếp làm việc với nạn nhân, thao túng tâm lý và điều chỉnh kết quả giao dịch theo ý đồ. Chẳng hạn, nếu khách hàng muốn thắng hoặc được trúng, các đối tượng có thể xóa lệnh hoặc điều chỉnh giao dịch. Tất cả các thao tác này đều phải thông qua hệ thống và được báo cáo cho chủ sàn ở nước ngoài để thực hiện. Ngay cả khi nạn nhân đã thua sạch tiền,"cháy tài khoản", các đối tượng vẫn tiếp tục dựng lên những kịch bản mới để dụ dỗ nạn nhân nạp thêm tiền, tiếp tục chiếm đoạt tài sản một cách tinh vi", Thượng tá Cao Văn Thái chia sẻ thêm.
"Một lỗ hổng pháp lý hiện nay là chưa có quy định cụ thể về việc môi giới, tư vấn hay giao dịch chứng khoán và tiền tệ quốc tế. Trong khi đó, đối với chứng khoán trong nước, các yêu cầu về chứng chỉ và bằng cấp được áp dụng rất nghiêm ngặt. Không ai được phép tự ý mở sàn giao dịch trong nước vì hành vi này là phạm pháp. Các đối tượng lừa đảo hiểu rõ điều này, nên thường giả danh các sàn quốc tế với thủ đoạn tinh vi và xảo quyệt", luật sư Trương Thanh Đức nhận định.
Nhiều người mất hàng tỷ đồng khi mua tiền ảo trên các ứng dụng do đối tượng phạm tội tạo ra
Cũng theo luật sư Trương Thanh Đức, hiện nay, pháp luật Việt Nam quy định rất chặt chẽ và cụ thể đối với các hoạt động trong nước, bao gồm cả doanh nghiệp và cá nhân. Từ yêu cầu về chứng chỉ hành nghề, quy định quảng cáo, đến việc quản lý nội dung đều được kiểm soát nghiêm ngặt. Các cơ quan truyền thông cũng phải tuân thủ đầy đủ các quy định này. Tuy nhiên, khi chuyển sang môi trường mạng xã hội, đặc biệt là các nền tảng thuộc sở hữu nước ngoài, việc quản lý khó khăn hơn nhiều. Hầu hết các nội dung quảng cáo trên những nền tảng này đều do phía nước ngoài kiểm soát và tuân theo pháp luật của nước ngoài. Việt Nam gần như không có quyền can thiệp trực tiếp, trừ khi những nội dung này gây ảnh hưởng trực tiếp đến các vấn đề trong nước. Ngoài ra, các thông tin quảng cáo liên quan đến đầu tư trên mạng xã hội thường là những nội dung trôi nổi, thiếu kiểm chứng. Ai cũng có thể đăng tải, quảng bá hoặc tham gia.
"Để có thể thu thuế từ những giao dịch hoặc nguồn thu từ các giao dịch tiền ảo, chứng khoán hay giao dịch quốc tế, trước hết, cần có quy định pháp luật rõ ràng. Thứ hai, cần phải có sự hợp tác và phối hợp quốc tế để đánh thuế. Tuy nhiên, hiện Luật thuế của Việt Nam chưa có quy định cụ thể về việc thu thuế đối với các khoản thu nhập từ giao dịch quốc tế như tiền ảo hoặc chứng khoán. Thực tế, việc thu thuế đối với các nguồn thu này tương tự như các nguồn kiều hối, vì từ trước đến nay, những khoản kiều hối chuyển về Việt Nam, dù giá trị lớn đến đâu, cũng không bị đánh thuế", luật sư Trương Thanh Đức nói.
Mượn danh nghĩa giao dịch chứng khoán quốc tế để lừa đảo nhà đầu tư Việt Nam, kẻ gian dùng tài sản số tiền ảo để lừa đảo, nhưng những hệ lụy lại là thật. Rất cần những phương pháp lý cập nhật để quy định các hành vi liên quan đến việc quảng cáo, mời gọi môi giới đầu tư tham gia các sàn chứng khoán quốc tế, các sàn tiền ảo, giao dịch ngoại hối.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!