Cô đồng T.H bổ cau xem bói toán "đúng nhận sai cãi" gây bão MXH (Ảnh chụp màn hình).
Những ngày qua, mạng xã hội chia sẻ rộng rãi nhiều video liên quan cô đồng T.H bổ cau xem bói toán "đúng nhận sai cãi".
Trong video, người phụ nữ tự nhận là "cô đồng", vừa ngồi bổ cau vừa nói về "lá số tử vi" của người khác với câu kết "đúng nhận, sai cãi" nhanh chóng trở thành trào lưu thu hút hàng triệu lượt người xem.
T.H luôn xưng hô với người xem là "cô và con", chuyên bói về các chủ đề như: tình duyên, công danh và sự nghiệp, vận hạn... thậm chí người phụ nữ này còn chỉ đích danh họ tên các viên trong gia đình. Trong một số video, cô đồng T.H thường phán vanh vách về một vấn đề nào đó, kết thúc lại câu với câu cửa miệng “đúng nhận, sai cãi”.
Đáng nói, nhiều Tiktoker, Youtuber còn diễn lại màn "xem bói online" của người phụ nữ này với các đoạn clip bổ hoa quả như nho, táo, dưa hấu... và dự đoán về gia thế, công việc, tình duyên...
Nhiều Tiktoker, Youtuber diễn lại cảnh xem bói online. Tuy nhiên hành động này có thể gián tiếp cổ súy các hủ tục, mê tín, dị đoan
Công an thị xã Kinh Môn (Hải Dương) hiện đang xác minh vụ việc có biểu hiện hiện tượng mê tín dị đoan trên mạng xã hội. Trường hợp nếu có các vi phạm, Công an thị xã sẽ cùng với Ban chỉ đạo tôn giáo của thị xã làm rõ và xử lý theo các quy định của pháp luật.
Điều 14 Nghị định 38/2021/NĐ-CP đã quy định xử phạt hành chính đối với việc tổ chức hoạt động mê tín dị đoan là phạt tiền từ 15.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với hành vi tổ chức hoạt động mê tín dị đoan.
Điều 320 Bộ luật Hình sự năm 2015 cũng quy định về “Tội hành nghề mê tín, dị đoan”. Theo đó, người nào dùng bói toán, đồng bóng hoặc các hình thức mê tín, dị đoan khác đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 100 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm.
Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 3 năm đến 10 năm: Làm chết người; Thu lợi bất chính 200 triệu đồng trở lên; Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 50 triệu đồng.
Đối với người tham gia hoạt động mê tín dị đoan, Nghị định 38/2021/NĐ-CP của Chính Phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa và quảng cáo thì người nào tham gia hoạt động mê tín dị đoan trong lễ hội bị phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng.
Hành vi cung cấp, chia sẻ thông tin cổ súy các hủ tục, mê tín, dị đoan, dâm ô, đồi trụy, không phù hợp với thuần phong, mỹ tục của dân tộc trên không gian mạng xã hội có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 101 Nghị định 15/2020/NĐ-CP sửa đổi bởi khoản 37 Điều 1 Nghị định 14/2022/NĐ-CP.
Cơ quan chức năng nói gì về trend xem bói "đúng nhận sai cãi"?
Trước sự việc trên, trả lời báo chí, Cục trưởng Cục Văn hóa cơ sở Ninh Thị Thu Hương cho biết, hiện nay các khái niệm mê tín dị đoan trong văn bản quy phạm chưa có. Tuy nhiên, từ góc độ nhà nghiên cứu thì đây là mê tín dị đoan vì là hiện tượng bói toán. Các cơ quan quản lý cũng cần có biện pháp ngăn chặn, loại bỏ các thông tin cổ súy mê tín dị đoan kịp thời.
Về phía Bộ TT&TT, Cục trưởng Cục Phát thanh, truyền hình, thông tin điện tử Bộ TT&TT Lê Quang Tự Do chia sẻ: Với trách nhiệm quản lý, Bộ TT&TT sẽ có ý kiến yêu cầu các nền tảng xuyên biên giới như TikTok, Facebook ngăn chặn, gỡ bỏ những video, clip có nội dung vi phạm pháp luật liên quan đến bói toán, mê tín dị đoan của cô đồng T.H. Đồng thời, đề nghị cơ quan chức năng xử lý nghiêm hành vi lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo để truyền bá mê tín dị đoan, kinh doanh tâm linh.
Chuyên gia văn hóa nói về vụ việc xem bói "đúng nhận sai cãi" trong chương trình Chuyển động 24h trên VTV1
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!