Những hình ảnh về sự việc bảo vệ Bệnh viện Nhi chặn xe cấp cứu được đăng tải từ mạng xã hội Facebook đã gây bức xúc trong dư luận. Báo chí ngay lập tức lên tiếng.
Theo báo chí phản ánh, gia đình bệnh nhi vì quá nghèo nên đã thuê xe cứu thương từ Nghệ An ra để tiết kiệm chi phí với giá thuê khoảng 2,5 triệu đồng/chuyến thay vì phải thuê xe từ một người lạ gọi điện thoại thông báo giá thuê xe có y tá đi cùng kèm bình thở là khoảng 7 triệu đồng/chuyến và nói giá đó là “mềm nhất rồi”.
Gia đình bệnh nhi thuê xe từ Nghệ An ra nên bảo vệ bệnh viện hô đóng, chặn tất cả cửa lại và dứt khoát không cho xe ra khỏi bệnh viện. Chỉ đến khi lực lượng công an có mặt, chiếc xe cứu thương mới ra được ngoài, tuy nhiên, bệnh nhi 9 tháng tuổi đã tử vong trước khi rời bệnh viện. Cháu bé đã không thể kịp trút hơi thở cuối cùng tại nhà theo tâm nguyện của bố, mẹ và người thân.
Sao "cò" bệnh viện cứ mãi hoành hành?
Lãnh đạo Bệnh viện Nhi Trung ương lý giải vì bệnh viện có ít xe cứu thương, chỉ khoảng 2-3 chiếc nên việc người nhà bệnh nhân thuê xe ngoài là do các bên tự thỏa thuận với nhau. Thế nhưng, dù lý giải thế nào chăng nữa, tột cùng sự nhẫn tâm là vạch trần sự vô cảm như bình luận của tác giả Cát Tường trên báo Người lao động. Đó là nạn “cò” xe cứu thương được điều hành bởi bảo vệ bệnh viện.
Tờ Năng lượng mới cho rằng bảo vệ bệnh viện hành xử như xã hội "đen". Còn tờ Đại đoàn kết, trong một bài viết dài về chủ đề này nhận định sự việc cũng làm dấy lên nghi ngờ về tình trạng “cấu kết ngầm” giữa bảo vệ bệnh viện và các xe cứu thương “dù” để độc quyền vận chuyển người bệnh với giá cao.
Theo tờ Đại đoàn kết, cách đây chưa lâu tại Bệnh viện Việt Đức, tài xế xe cấp cứu mang biển kiểm soát tỉnh Nghệ An bị nhóm côn đồ hành hung, đập phá xe vì không nộp đủ phí ra vào cổng bệnh viện. Cũng tại bệnh viện này, xe cấp cứu các tỉnh khi ra vào cổng phải nộp lệ phí ra vào, nếu không sẽ bị các đối tượng đầu gấu chặn xe, dọa nạt, thậm chí hành hung.
Dư luận cứ mãi đặt câu hỏi vì sao ngành y tế, các cơ quan chức năng không thể dẹp nổi nạn “cò” bệnh viện. Nay nếu bảo vệ kiêm luôn "cò", tình hình càng nan giải để cuối cùng, chính người dân lãnh đủ.
Trả lời phỏng vấn tờ An ninh Thủ đô, Vụ trưởng Vụ Pháp chế - Bộ Y tế, ông Nguyễn Huy Quang cho rằng, trong vụ việc này, trách nhiệm thuộc về cá nhân các bảo vệ, công ty cung cấp dịch vụ bảo vệ và bệnh viện cũng phải chịu trách nhiệm liên đới.
Theo ông Nguyễn Huy Quang, nếu bệnh viện có đội xe cứu thương sẵn mà chất lượng cũng như giá cả của các xe này tương đương như xe cứu thương bên ngoài thì rất đáng hoan nghênh. Còn nếu bệnh viện có xe cứu thương nhưng lấy giá cao hơn rất nhiều so với giá thuê xe cứu thương bên ngoài mà bảo vệ bệnh viện lại tìm cách ngăn chặn xe cứu thương bên ngoài vào thì phải xem lại, vì như thế là độc quyền.
Là nạn nhân của âm mưu trục lợi, bao giờ ngành bệnh nhân mới được thấy nụ cười?
Giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lê Thanh Hải cuối tuần này đã chia sẻ với sự mất mát và bức xúc của gia đình người bệnh. Ông cũng thay mặt bệnh viện xin lỗi toàn thể người dân khi để xảy ra sự việc này trong bệnh viện, đồng thời cho biết, phía bệnh viện đã có văn bản gửi Công ty bảo vệ AZ đề nghị Công ty này rà soát, kiểm tra lại phương pháp chuyên môn kỹ thuật cũng như văn hóa ứng xử của nhân viên. Nếu thấy Công ty AZ không đáp ứng các yêu cầu, bệnh viện sẽ dừng hợp đồng với Công ty này.
Bảo vệ của công ty AZ tuy không thuộc sự quản lý của bệnh viện nhưng những hành vi của bảo vệ công ty này đã làm ảnh hưởng đến uy tín của bệnh viện. Mặc dù lãnh đạo bệnh viện đã chính thức xin lỗi nhưng sau sự việc này, điều mà dư luận quan tâm là Viện Nhi Trung ương không thể vô can khi để sự việc xảy ra trong khuôn viên bệnh viện. Thay vì xem bệnh nhân là đối tượng được phục vụ, bệnh viện đã để bệnh nhân bị biến thành nạn nhân của những âm mưu trục lợi, kiếm chác hết sức vô lương.
Theo diễn biến mới nhất của vụ việc này, Công an Thành phố Hà Nội đang làm rõ độ xác thực của 2 video clip tố giác sự vô cảm của các bảo vệ Bệnh viện Nhi Trung ương gây phẫn nộ dư luận những ngày qua.
Bộ Y tế cũng đã có văn bản yêu các cơ sở khám, chữa bệnh rà soát và gỡ bỏ ngay (nếu có) các quy định nội bộ về hạn chế người bệnh và người nhà lựa chọn dịch vụ vận chuyển người bệnh ra viện, xin về... trong trường hợp không cần trợ giúp y tế.
Qua vụ việc này, một lần nữa gióng lên tiếng chuông báo động về thói vô cảm, sự độc quyền, coi lợi ích tiền bạc hơn tính mạng người bệnh. Tháng 4/2015, tại hội nghị trực tuyến triển khai các nội dung đổi mới phong cách, thái độ phục vụ của nhân viên y tế, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến bày tỏ quyết tâm thay đổi thái độ từ ban ơn sang phục vụ. Trong khi đó, Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh Lương Ngọc Khuê yêu cầu những nụ cười “đúng nơi, đúng chỗ”. Tuy nhiên, cả xã hội đã không thể cười nổi, khi mà lãnh đạo bệnh viện Nhi Trung ương đang giải quyết khủng hoảng theo kiểu đó chỉ là chuyện của mấy anh bảo vệ.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!