Vụ 4 công nhân tử vong do bụi phổi silic: Cần nhìn nhận lại vấn đề an toàn lao động

Ban Thời sự-Thứ ba, ngày 31/10/2023 06:08 GMT+7

VTV.vn - Vụ 4 công nhân công ty sản xuất bột đá tại Nghệ An tử vong sau khi mắc bệnh bụi phổi silic một lần nữa cảnh báo vấn đề kiểm tra giám sát chất lượng môi trường lao động.

4 công nhân tử vong do hít thở bụi có chứa silic trong môi trường lao động

Bụi phổi silic là 1 trong 28 bệnh nghề nghiệp nghiêm trọng hàng đầu nước ta. Người mắc bệnh này khó có thể sống quá 50 tuổi. Dù nghiêm trọng và đã được cảnh báo nhiều lần nhưng sự việc nghiêm trọng vẫn cứ xảy ra. Ca tử vong gần nhất là ngày 6/10 vừa qua. Chỉ trong 1 thời gian ngắn, 4 công nhân cùng làm việc trong một công ty sản xuất bột đá đã tử vong do hít thở bụi có chứa silic trong môi trường lao động.

Những công nhân này đều từng có thời gian làm việc tại công ty TNHH Châu Tiến, đóng trên địa bàn huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An. Công việc của họ là ngâm đá trong a-xít, sau đó đưa vào máy nghiền thành bột mịn.

Đầu tháng 10, kết quả phân tích của Viện Sức khỏe nghề nghiệp và Môi trường cho thấy, hàm lượng silic tự do trong nguyên liệu và thành phẩm tại công ty Châu Tiến cao trên 99%. Còn trước đó, lãnh đạo công ty vẫn khẳng định, qua đợt kiểm tra các đoàn đánh giá không có gì vướng mắc về quản lý môi trường.

Vụ 4 công nhân tử vong do bụi phổi silic: Cần nhìn nhận lại vấn đề an toàn lao động - Ảnh 1.

UBND tỉnh Nghệ An đã xử phạt công ty TNHH Châu Tiến số tiền 110 triệu đồng vì không quan trắc môi trường lao động để kiểm soát tác hại đối với sức khỏe người lao động, từ năm 2017 cho đến nay.

Những công nhân mắc bệnh bụi phổi tại đây hy vọng, đây sẽ là những căn cứ để họ được đền bù. Bởi sau thời gian dài chữa bệnh, các gia đình đều đã rơi vào cảnh mất cả người lẫn của, khó khăn chồng chất khó khăn.

Chưa thể xác định trách nhiệm thuộc về ai?

Bụi phổi silic là bệnh được hưởng chế độ BHXH, được điều trị theo luật An toàn, vệ sinh lao động 2015. Vậy nhưng thực tế, không phải bệnh nhân nào cũng đã được nhận những chế độ này.

Hạt bụi Silic có kích thước chỉ bằng 1/100 sợi tóc. Nguy hiểm nhất là khi phát hiện bệnh, thì cũng là lúc khó đường cứu chữa.

Theo điều 38 Luật An toàn vệ sinh lao động, người sử dụng lao động phải lập hồ sơ để người lao động mắc bệnh nghề nghiệp được hưởng chế độ kịp thời, phải trả chi trả chi phí khám chữa bệnh cho người lao động. Thế nhưng, trách nhiệm thuộc về ai, đến giờ vẫn chưa thể xác định.

Vụ 4 công nhân tử vong do bụi phổi silic: Cần nhìn nhận lại vấn đề an toàn lao động - Ảnh 2.

"Tài sản" của công ty Châu Tiến đã và đang được bảo vệ bằng những chiếc khẩu trang do công nhân tự trang bị. Những công nhân đã tử vong, và đang sống mòn, cũng từng được bảo vệ như thế.

Thống kê bệnh nghề nghiệp trong giai đoạn 2016-2022 ở nước ta, hiện đang có 35 bệnh. Trong đó, nhóm bệnh hô hấp chiếm nhiều nhất.

Cụ thể, số ca mắc bệnh bụi phổi silic là nhiều nhất. Sau đó là bệnh bụi phổi than nghề nghiệp, bệnh viêm phế quản mạn tính nghề nghiệp, bệnh hen phế quản nghề nghiệp. Thế nhưng số trường hợp được nhận trợ cấp BHXH lại không tương đương. Chỉ có bệnh bụi phổi silic là được nhận nhiều nhất. Nhiều bệnh còn lại chưa có trường hợp nào được nhận trợ cấp.

Sự việc bụi phổi silic chỉ là 1 ví dụ khiến chúng ta cần phải nhìn nhận lại vấn đề an toàn lao động, đặc biệt là đảm bảo môi trường, sức khỏe cho người lao động. Vấn đề này đã được nhắc đến nhiều lần nhưng có lẽ cần phải tiếp tục hoàn thiện các cơ chế, chính sách cũng như phải thực hiện nghiêm trách nhiệm kiểm soát môi trường an toàn lao động. Không thể để cứ khi xảy ra một vụ việc thì vấn đề mới lại được xới xáo lên trước những bức xúc của dư luận.

Cùng trao đổi về chủ đề này trong chương trình Vấn đề hôm nay là ông Hà Tất Thắng, Cục trưởng Cục An toàn lao động, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước