Một người dân tộc Khmer đi mò cua ở biển Long Hải đã bắt được một con cá nóc. Do không biết đây là cá nóc, nên đã đem về chế biến ăn cùng 2 người con và 2 người cháu. Trong lúc ăn, người này thấy cảm giác tê ở môi (do bệnh nhân chủ yếu ăn phần bụng và gan của cá), sau 30 phút, bị tê liệt chân tay, cứng hàm, khó thở.
Bốn người còn lại trong gia đình cũng có biểu hiện tương tự nhưng chậm hơn. Người nhà đã đưa cả 5 người vào bệnh viện tỉnh cấp cứu. Rất may, không ai bị nguy hiểm đến tính mạng.
Dù liên tục có cảnh báo nhưng gần đây, các ca ngộ độc nặng do ăn cá nóc vẫn liên tục xảy ra, đặc biệt là ở vùng ven biển, mặc dù đã có lệnh cấm đánh bắt, tiêu thụ và sử dụng cá nóc. Do đó, người dân cần cẩn thận và biết cách chọn cá an toàn, tránh mua nhầm cá nóc hoặc ăn phải cá nóc gây nguy hiểm đến tính mạng.
Cách nhận biết cá nóc
Loài cá nóc độc thường có thân dài từ 4 - 40cm, chắc, vây ngắn, đầu to, mắt lồi, thịt trắng. Đặc điểm quan trọng để nhận biết và phân biệt với các loài cá khác là cá nóc không có vây bụng và các vây đều không có gai cứng.
Vây lưng và vây hậu môn nằm đối diện hoặc gần đối diện với nhau và chúng nằm cách xa vây ngực, gần với vây đuôi. Vây đuôi thường tròn, hoặc bằng, hoặc lõm nông (trừ cá nóc ba răng có vây đuôi chẻ sâu).
Cá nóc không có khe mang, chỉ có lỗ mang và ngay sau lỗ mang là gốc vây ngực. Thân cá nóc không có vảy. Cá nóc nhím có gai sắc nhọn như lông nhím. Cá nóc hòm có lớp giáp cứng liên kết với nhau thành hình hộp bao quanh cơ thể.
Độc tố trong cá nóc thuộc nhóm độc tố thần kinh cực kỳ nguy hiểm, tỷ lệ gây tử vong khá cao. Độc tố tập trung nhiều ở gan, thận, tụy, cơ quan sinh sản và độc tính của độc tố tăng mạnh vào mùa sinh sản của cá từ tháng 2 - 7.
Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trênTV Online.