Việt Nam và nhiều quốc gia châu Á đối mặt với nắng nóng kỷ lục

Ban Thời sự-Thứ bảy, ngày 22/04/2023 18:57 GMT+7

VTV.vn - Việt Nam và nhiều quốc gia châu Á đang phải đối mặt với các kỷ lục nắng nóng hay "sóng nhiệt tháng 4 tồi tệ nhất trong lịch sử", nhất là khi El Nino còn chưa xuất hiện.

Trong những ngày qua, Việt Nam đã ghi nhận một số điểm nóng tới 41, 42 độ C như ở Sơn La, Nghệ An.

Từ đầu mùa tới nay, Tây Bắc Bộ và miền Trung đã xuất hiện 3 đợt nắng nóng diện rộng nhưng đã có tới 2 đợt ghi nhận những giá trị vượt mức kỷ lục so với cùng kỳ các năm trước.

Trong đợt nắng nóng đầu tiên, ngày 22/3, tổng cộng có tới 18 trạm khí tượng ở miền Bắc, miền Trung ghi nhận mức nhiệt cao nhất từ trước đến nay trong cùng thời kỳ tháng 3, tập trung ở Hòa Bình, Sơn La, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh...

Tại Kim Bôi, Hòa Bình, mức nhiệt 41,4 độ C ghi nhận ngày 22/3 cao hơn kỷ lục cũ thiết lập năm 1996 tới 3,3 độ. Đây là mức nhiệt cao nhất từng ghi nhận tại nước ta vào tháng 3 trong lịch sử quan trắc khí tượng.

Sang tháng 4, một lần nữa nhiệt độ lại phá vỡ các kỷ lục trước đó. Ngày 18/4, khoảng 10 trạm khí tượng ở Lai Châu, Điện Biên, Sơn La đã có giá trị lịch sử mới…

Việt Nam và nhiều quốc gia châu Á đối mặt với nắng nóng kỷ lục - Ảnh 1.

Tháng 4 châu Á nắng nóng kỷ lục

Ngoài Việt Nam, các kỷ lục về nhiệt độ đang bị phá vỡ ở khắp châu Á trong tuần này, thậm chí đã ghi nhận những thiệt hại về người do nắng nóng.

Tại Đông Nam Á, Lào là quốc gia mới nhất lập kỷ lục về nhiệt độ khi thành phố Luang Prabang ghi nhận mức nhiệt 42,7 độ C vào ngày 18/4, vượt qua kỷ lục cũ là 42,3 độ C vào tháng 4/2016

Nhiều nơi ở Thái Lan, nhiệt độ cũng đã sớm phá kỷ lục. Cuối tuần qua, tại thị trấn Tak đã ghi nhận mức nhiệt cao nhất 45,4 độ C - lần đầu tiên trong lịch sử Thái Lan có mức nhiệt độ này.

Trong ngày 17/4 ở Myanmar nhiệt độ tháng 4 cũng lập kỷ lục khi thị trấn Kalewa chạm mức 44 độ C

Trời nóng như thiêu đốt cũng lan rộng khắp Trung Quốc. Ngày 18/4, hơn 100 trạm thời tiết ở 12 tỉnh đã phá vỡ kỷ lục nhiệt độ tháng 4. Tại Nguyên Dương nhiệt độ lên tới 42,4 độ C, chỉ cách 0,3 độ C so với kỷ lục toàn quốc về nhiệt độ trong tháng 4.

Tại Nam Á, tình hình nắng nóng cũng rất nghiêm trọng. Tại Ấn Độ, 48 trạm thời tiết đã ghi nhận mức nhiệt trên 42 độ C hôm 18/4, với mức nhiệt cao nhất 44,2 độ C ở bang Odisha, phía đông Ấn Độ.

Đặc biệt nắng nóng nghiêm trọng hồi cuối tuần qua đã khiến ít nhất 13 người chết và hơn 40 người phải nhập viên do sốc nhiệt sau khi tham dự một sự kiện ngoài trời tại bang Maharashtra phía Tây, Ấn Độ. Ít nhất hai bang Tripura ở phía Đông Bắc và Tây Bengal ở miền Đông Ấn Độ đã ra lệnh đóng cửa các trường học trong tuần này do nhiệt độ tăng hơn 5 độ C so với bình thường.

Tại Ishurdi của Bangladesh trong ngày 17/4 nhiệt độ cũng tăng vọt lên 43 độ. Trước đó Thủ đô Dhaka cũng ghi nhận mức nhiệt rất cao 40,5 độ C - đây là mức nhiệt cao nhất trong vòng gần 60 năm qua. Đường phố Dhaka ít người đi bộ hơn bình thường và một số công trường xây dựng đã tạm dừng mọi hoạt động ngoài trời.

Vì sao mới đầu mùa đã nóng như vậy?

Ông Nguyễn Văn Hưởng - Trưởng phòng Dự báo Thời tiết, Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia lý giải, cái nóng kỷ lục ở châu Á và Đông Nam Á trong tháng 4 này là do dòng xiết gió Tây nhánh phía Nam cao nguyên Tibet rút lui lên phía Bắc sớm, tạo điều kiện cho vùng thấp nóng ở châu Á hoạt động sớm và mạnh hơn so với trung bình hàng năm, gây ra nền nhiệt cao hơn trung bình nhiều năm.

Ngoài tác động của vùng thấp nóng châu Á, Việt Nam còn chịu ảnh hưởng của gió phơn, khi tác động đến hoàng liên sơn và phía Tây Trường Sơn sẽ gây ra hiệu ứng gió phơn làm cho mức độ nắng nóng ở Tây Bắc bộ và phía Tây các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị gay gắt hơn.

Dưới tác động của biến đổi khí hậu, các chuyên gia cho rằng, trong tương lai nắng nóng sẽ còn gay gắt hơn, dữ dội hơn.

Với diễn biến như hiện nay, nguy cơ xác suất xảy ra sự gia tăng nhiệt độ toàn cầu đạt đến ngưỡng 1,5 độ C là sẽ xảy ra nhanh hơn trong khoảng 5 năm tới với xác suất là 50%.

Với kịch bản phát thải cao, đến cuối thế kỷ, nhiệt độ trung bình mùa hè ở Việt Nam sẽ gia tăng trong khoảng từ 3.3-4.6 độ C. số ngày nắng nóng tức là ngày có nhiệt độ trên 35 độ C là sẽ tăng lên 75-90 ngày. Số ngày nắng nóng gay gắt trên 37 độ C cũng tăng trên nhiều vùng trên cả nước, đặc biệt là Bắc Trung Bộ và Nam Trung Bộ.

Việt Nam và nhiều quốc gia châu Á đối mặt với nắng nóng kỷ lục - Ảnh 2.

Ảnh minh họa: TTXVN

Các chuyên gia khác cũng nhận định, biến đổi khí hậu sẽ khiến các đợt sóng nhiệt như tháng 4 năm nay sẽ trở nên phổ biến hơn. Theo nghiên cứu của nhóm chuyên gia tại Đại học Harvard và Đại học Washington đăng trên tạp chí Communications Earth and Environment năm 2022, các đợt sóng nhiệt nguy hiểm sẽ xuất hiện thường xuyên hơn gấp 3 - 10 lần vào năm 2100.

Nghiên cứu này cũng chỉ ra, ở vùng nhiệt đới, bao gồm phần lớn châu Á, người dân có thể tiếp xúc với mức nhiệt nguy hiểm hầu hết các ngày trong năm. Những ngày có nhiệt độ ở mức cực kỳ nguy hiểm - chạm ngưỡng 51 độ C - có thể tăng gấp đôi, thách thức giới hạn về khả năng sinh tồn của con người.

Theo dự báo, hiện tượng El Nino sẽ quay trở lại vào mùa thu và phát triển mạnh hơn vào cuối năm. El Nino thường liên quan đến những kỷ lục mới về nhiệt độ ở cấp độ toàn cầu.

Dưới tác động của biến đổi khí hậu và sự quay trở lại của El Nino, các chuyên gia lo ngại không chỉ tháng 4 này mà các tháng mùa hè tiếp theo của năm 2023 hoặc cũng có thể là 2024, Việt Nam và thế giới có thể sẽ tiếp tục có những kỷ lục mới về nắng nóng.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước