Tháng 4 tới đây, Việt Nam sẽ tổ chức Hội nghị Thượng đỉnh: Đối tác vì tăng trưởng Xanh và Mục tiêu toàn cầu (Diễn đàn P4G) lần thứ 4. Đây là sự kiện quan trọng về tăng trưởng bền vững, trong đó giao thông xanh là một nội dung trọng tâm.
Để giảm phát thải carbon ngành hàng không, EU yêu cầu từ năm nay, nhiên liệu máy bay được nạp tại các sân bay EU phải chứa ít nhất 2% nhiên liệu hàng không bền vững SAF, tiến tới đạt 70% vào năm 2050, muốn bay vào bầu trời châu Âu phải tuân thủ quy định này.
Hiệp hội Vận tải Hàng không Quốc tế (IATA) cho biết, ngành hàng không chiếm khoảng 2 - 3% lượng khí thải ra môi trường và được đánh giá là một trong những loại hình giao thông vận tải khó giảm phát thải nhất. Trong khi thế giới đã bắt buộc dùng nhiên liệu hàng không bền vững và đã có hơn 70 hãng hàng không sử dụng loại nhiên liệu này trên các chuyến bay của mình. Tuy nhiên tại Việt Nam, cơ chế để loại nhiên liệu này tiếp cận với thị trường vẫn còn là dấu hỏi lớn.
Những chuyến bay đầu tiên khởi hành từ Việt Nam sử dụng nhiên liệu hàng không bền vững đã bắt đầu bay ra thế giới.
Những chuyến bay đầu tiên khởi hành từ Việt Nam sử dụng nhiên liệu hàng không bền vững đã bắt đầu bay ra thế giới. (Ảnh minh họa - Ảnh: NLĐ)
Dù giá nhiên liệu này cao hơn 3 - 4 lần so với nhiên liệu truyền thống và hành khách khó nhận thấy sự thay đổi từ nhiên liệu này, nhưng bầu khí quyển thì có, bởi lượng phát thải hàng không có thể giảm tới 80%.
"Triển khai hợp tác với các đối tác quốc tế, trong nước, chuyển đổi sang sử dụng nhiên liệu hàng không sạch, bền vững đang trở thành mối quan tâm của cả ngành hàng không", ông Tô Việt Thắng (Phó Tổng Giám đốc Vietjet Air) cho biết.
"Hàng không phải sử dụng nhiên liệu sạch hơn, xanh và bền vững vào năm 2030. Chúng ta chỉ còn 5 năm nữa. Đây là biện pháp duy nhất giúp các hãng hàng không giảm lượng phát thải carbon", ông Kelvin Lee (Trưởng phòng Phát triển bền vững của IATA, khu vực Châu Á - Thái Bình Dương) nhận định.
Trước mắt, nếu không sử dụng loại nhiên liệu nhiên liệu bền vững SAF thì các hãng hàng không buộc phải mua tín chỉ carbon cho lượng phát thải vượt mức của mình ra môi trường. Mặc dù mục tiêu đã có, nhưng hiện Việt Nam vẫn phải phụ thuộc vào nguồn cung SAF từ nước ngoài.
Giao thông chiếm tới 74% - 85% tổng lượng phát thải. Thực tế, các thành phố lớn như Hà Nội hay TP Hồ Chí Minh luôn nằm trong bảng xếp hạng những thành phố ô nhiễm nhất thế giới của AQI - hệ thống chỉ số theo dõi chất lượng không khí trên thế giới.
Chuyển đổi giao thông xanh từ nhiên liệu bền vững, từ việc sử dụng xe điện hay phương tiện công cộng chính là những bước đầu tiên để có một môi trường sống, một bầu khí quyển xanh hơn.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!