Là một trong những quốc gia đang và sẽ chịu tác động nặng nề của biến đổi khí hậu, thời gian qua Việt Nam đã chủ động thực hiện các cam kết, hợp tác quốc tế, đặc biệt triển khai nhiều chương trình, hành động ứng phó, giảm nhẹ những tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu.
Từ năm 2008, khi Việt Nam triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia ứng phó với biến đổi khí hậu, đã có 26 chương trình, dự án ưu tiên cấp bách và nhiều dự án trồng và phục hồi rừng ngập mặn với kinh phí 5.000 tỷ đồng được triển khai thí điểm ở Quảng Nam, Bến Tre và nhiều địa phương. Nhiều chủ trương, chính sách lớn của Đảng, Nhà nước về ứng phó với biến đổi khí hậu đã được ban hành và triển khai như Nghi Quyết 24 về chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và môi trường, chiến lược, kế hoạch hành động quốc gia về biến đổi khí hậu.
Trong 5 năm tới, Việt Nam tập trung 8 nhóm mục tiêu ưu tiên triển khai các giải pháp thích ứng với biến đổi khí hậu, nhất là ở những khu vực dễ tổn thương như Đồng bằng Sông Cửu Long. Đây cũng là một trong những nội dung quan trọng sẽ được Việt Nam thảo luận tại Hội nghị COP21 tới.
Theo báo cáo đóng góp dự kiến do quốc gia tự quyết định của Việt Nam sẽ được thảo luận tại COP21, với mức độ biến đổi khí hậu như hiện nay, năm 2030, Việt Nam sẽ bị tổn thất về kinh tế từ 3-5% GDP. Vì vậy, việc chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, Việt Nam không chỉ đóng góp chung cùng với các quốc gia nhằm giải quyết một vấn đề toàn cầu mà còn có ý nghĩa quan trọng giúp Việt Nam phát triển bền vững.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trênTV Online!