Việt Nam không phải quốc gia dư thừa nước mà ngày càng khan hiếm

Tạ Hiển-Thứ ba, ngày 04/06/2024 11:34 GMT+7

VTV.vn - Trước tình trạng hạn hán, xâm nhập mặn, Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho rằng cần cách tiếp cận ngắn hạn và dài hạn, vừa có chiến lược tổng thể trong sử dụng nguồn nước.

Việt Nam là một trong 6 quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề về biến đổi khí hậu

Tại phiên chất vấn về lĩnh vực tài nguyên và môi trường, nhiều đại biểu Quốc hội đề nghị cần có giải pháp cho các vấn đề hạn hán, xâm nhập mặn và đảm bảo an ninh nguồn nước.

Đại biểu Phạm Văn Hòa (Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp) đề nghị Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết giải pháp trong việc thực hiện để người dân Đồng bằng sông Cửu Long yên tâm có nước ngọt.

Việt Nam không phải quốc gia dư thừa nước mà ngày càng khan hiếm - Ảnh 1.

Đại biểu Phạm Văn Hòa (Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp)

Đại biểu Trần Thị Thu Phước (Đoàn ĐBQH tỉnh Kon Tum) cho rằng tình trạng hạn hán trong nhiều năm tới sẽ còn diễn biến hết sức phức tạp, và đề nghị Bộ trưởng nêu rõ giải pháp cho vấn đề này.

Đại biểu Phạm Thị Kiều (Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Nông) cũng cho rằng, với việc gia tăng tình trạng hạn hán, suy thoái, cạn kiệt, xâm nhập mặn ở Việt Nam, vấn đề đảm bảo an ninh nguồn nước cho sinh hoạt, đặc biệt là vùng khan hiếm nước ngọt, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, biên giới, hải đảo là thách thức lớn. Đại biểu đề nghị Bộ trưởng cho biết giải pháp đảm bảo an ninh nguồn nước cho sinh hoạt trong thời gian tới.

Việt Nam không phải quốc gia dư thừa nước mà ngày càng khan hiếm - Ảnh 2.

Đại biểu Phạm Thị Kiều (Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Nông)

Về các câu hỏi này, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đặng Quốc Khánh khẳng định, biến đổi khí hậu đã tác động rất lớn đến Việt Nam.

"Nước ta là một trong 6 quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề về biến đổi khí hậu. Biến đổi khí hậu đó cũng tác động đến nguồn nước nên chúng ta phải có những giải pháp sớm để đảm bảo được an ninh nguồn nước. Việc đảm bảo an ninh nguồn nước thì đầu tiên chúng ta phải đảm bảo được nguồn nước nội sinh. Theo đó, chúng ta phải tiếp tục bảo vệ rừng, trồng thêm rừng và sử sử dụng hiệu quả nguồn nước" - ông Đặng Quốc Khánh cho biết.

Việt Nam không phải quốc gia dư thừa nước mà ngày càng khan hiếm - Ảnh 3.

Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đặng Quốc Khánh trả lời chất vấn

Bộ trưởng cũng cho rằng phải chủ động thích ứng, ứng phó với biến đổi khí hậu bằng cách triển khai hiệu quả Luật Tài nguyên nước (sửa đổi) và hoàn thành các quy hoạch khu vực sông, điều hòa điều phối nước hợp lý; đảm bảo sử dụng tối ưu nước, dự báo, cảnh báo sớm cho người dân chuyển dịch cơ cấu kinh tế tại các địa phương để phòng chống hạn hán.

Sẽ trình Thủ tướng đề án chiến lược về vấn đề hạn hán, xâm nhập mặn

Tham gia trả lời về giải pháp cho tình trạng hạn hán, xâm nhập mặn, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan chia sẻ với những khó khăn của người dân ở đồng bằng sông Cửu Long. Bộ trưởng cũng cho biết, tình trạng sạt lở đang diễn ra, ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống của người dân.

Vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã có chuyến thị sát và giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn trình đề án tổng thể về vấn đề này. Dự kiến đến tháng 9 tới, Bộ sẽ trình Thủ tướng đề án trong đó, tiếp cận một cách tổng thể hơn, chiến lược hơn về vấn đề hạn hán, xâm nhập mặn. Bộ cũng tổ chức lấy ý kiến các chuyên gia ở Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, tổ chức diễn đàn do Thủ tướng Chính phủ chủ trì gặp gỡ lãnh đạo, chuyên gia, nhà khoa học của 13 tỉnh đồng bằng sông Cửu Long nghe thêm ý kiến của chuyên gia về vấn đề này.

Việt Nam không phải quốc gia dư thừa nước mà ngày càng khan hiếm - Ảnh 4.

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan trả lời chất vấn

Về tài nguyên nước, Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho biết trên thế giới đang đánh giá chúng ta đang ở trong kỷ nguyên khô hạn mang tính chất toàn cầu, trong đó Việt Nam lại là quốc gia bị tổn thương nhất.

Bộ trưởng khẳng định, vấn đề nước phải tiếp cận ba chủ thể: số lượng nước, chất lượng nước và cách thức sử dụng nguồn nước. Đặc biệt, cách thức sử dụng nguồn nước sẽ tác động tới số lượng nước và chất lượng nước.

"Chúng ta cứ nghĩ nước là vô hạn nhưng thực sự bây giờ đứng trước thách thức biển đổi khí hậu và cách chúng ta khai thác, sử dụng thì nước là tài nguyên hữu hạn. Chúng tôi đã tiếp cận với các chuyên gia Israel, quốc gia sa mạc nhưng có nền nông nghiệp vượt trội bởi họ có văn hóa tiết kiệm nước cả trong sinh hoạt và trong nông nghiệp. Chúng ta cũng cần có ‘tuyên ngôn’ với bà con nông dân ĐBSCL và cả nước rằng, chúng ta không phải là một quốc gia dư thừa nước mà ngày càng khan hiếm hơn" - ông Lê Minh Hoan nhấn mạnh.

Do vậy, Bộ trưởng cho rằng cần có cách tiếp cận ngắn hạn và dài hạn, vừa có chiến lược tổng thể, chuyển đổi trạng thái nông nghiệp… Bộ trưởng cũng mong muốn Quốc hội ủng hộ đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao giảm phát thải gắn với tăng trưởng xanh bởi tiết kiệm nước hơn sẽ làm giảm phát thải.

Về các giải pháp trước mắt hạn chế xâm nhập mặn, trữ ngọt, Bộ trưởng Lê Minh Hoan nêu rõ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ đề nghị Chính phủ ưu tiên đầu tư cho đồng bằng sông Cửu Long, khép lại việc đầu tư "nửa kín nửa hở" để nhiều người dân hưởng lợi.

Liên quan vấn đề hồ chứa, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn khẳng định, các địa phương cần phải xem xét thận trọng, bởi không phải dễ để sử dụng diện tích lớn làm hồ trữ nước của một địa phương để phục vụ cho địa phương khác, nhất là địa hình bằng phẳng, không có độ dốc. Bộ trưởng cho rằng, các địa phương nên tham khảo kinh nghiệm của tỉnh Trà Vinh trong tiếp cận nguồn nước, các giải pháp tiết kiệm nước, ngăn chặn xâm nhập mặn.

Theo báo cáo của Bộ Tài nguyên và Môi trường trước phiên chất vấn, hiện nay, trên cả nước có khoảng 40.200 công trình khai thác, sử dụng nước (29.860 công trình khai thác nước mặt: 6.750 hồ thủy lợi, gần 600 hồ thủy điện, 3.659 đập dâng, còn lại là các công trình cống, trạm bơm và các công trình khác; khoảng 10.346 công trình khai thác nước dưới đất).

Tuy nhiên, đối với các hồ đập thuỷ lợi nhỏ, phần lớn do các xã, hợp tác xã, nông trường đầu tư xây dựng từ những năm 1970 đến 1980, trong điều kiện thiếu kinh phí, trình độ kỹ thuật hạn chế nên chất lượng thiết kế, thi công chưa phù hợp, không có hồ sơ thiết kế, thiếu kinh phí bảo trì nên bị hư hỏng, xuống cấp, suy giảm năng lực, hiệu quả phục vụ, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn.

Cả nước còn 1.104 hồ chứa bị xuống cấp, thiếu khả năng xả lũ, chưa có nguồn vốn để đầu tư sửa chữa nâng cấp (157 lớn, 264 vừa và 683 nhỏ). Các hạng mục hư hỏng xuống cấp nặng thường xảy ra tại các hồ chứa thủy lợi, gồm đập đất bị thấm lớn qua thân, nền, vai đập; sạt, trượt mái đập (do sóng, do thấm); có tổ mối trong thân đập; thân cống bị hư hỏng, mục ruỗng; mang cống bị thấm, hư hỏng tiêu năng sau cống, thấm mang; lớp gia cố tràn xả lũ bị bong tróc, nứt vỡ, thấm luồn dưới lớp gia cố, thiếu khả năng xả lũ.

Về khả năng chống lũ, hầu hết các hồ chứa lớn đã được sửa chữa nâng cấp theo Quy chuẩn 04-05:2012/BNNPTNT, tuy nhiên, vẫn còn 65 hồ thiết kế, xây dựng theo tiêu chuẩn cũ (trước năm 2002), cần kiểm tra khả năng tháo lũ.

Rủi ro mất an toàn đập, hồ chứa nước cũng gia tăng do mưa lũ diễn biến cực đoan dưới tác động của biến đổi khí hậu, sự suy giảm rừng đầu nguồn, thảm phủ thực vật trên lưu vực hồ chứa đang có chiều hướng gia tăng.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước