Một trong những nguyên nhân có thể nhìn thấy dễ dàng là việc nhiều khu vực vỉa hè lại trở thành đường đi của phương tiện giao thông mỗi khi ùn tắc. Do đó, việc thay đá lát vỉa hè lại tiếp tục tiến hành.
Đào, xới, những công trường xuất hiện trên vỉa hè buộc người đi bộ phải đi xuống lòng đường. Còn những chỗ trống ít ỏi lại trở thành bãi đỗ xe bất đắc dĩ. Khi vỉa hè phải gánh thêm những chức năng vốn dĩ không thuộc tên gọi của nó, việc xuống cấp tất yếu sẽ xảy ra.
"Trước khi vỉa hè chưa làm, đi cũng đã có những chỗ lồi lõm. Ở Hà Nội tắc đường, nên xe đi lên vỉa hè, mình nghĩ đó cũng là một phần ảnh hưởng", chị Ngô Ngọc Minh Trang, quận Đống Đa, Hà Nội, chia sẻ.
Một đoạn vỉa hè trên đường Nguyễn Trãi (quận Thanh Xuân) đã xuống cấp nghiêm trọng (Ảnh: Ảnh: Dân trí)
Tình trạng gạch vừa lát đã vỡ đồng loạt ở nhiều tuyến đường khiến các chuyên gia bày tỏ nghi vấn tiêu chuẩn đá không thích hợp với điều kiện đô thị Hà Nội.
"Các nước phương Tây họ thường sử dụng kích thước 10x10x10 rất là bền, trong khi đó chúng ta sử dụng kích cỡ lớn từ 40x50, thậm chí 50x50. Cái bề mặt đã rộng, nhưng bề dày lại mỏng nên ứng lực khi tác động vào lớp base không tốt thì sẽ vỡ ngay. Chính ra nó chỉ phục vụ cho việc đi bộ, nhưng vỉa hè ở nước ta còn sử dụng cho việc đỗ xe, có khi cả xe tải đi qua nên phải có thiết kế đặc thù", PGS.TS. Dương Vân Phong - Trường Đại học Mỏ - Địa chất, đánh giá.
Bung, vỡ, sụt lún rồi lại "thay áo mới", những công nhân thời vụ cũng không biết rằng tuổi thọ của những viên gạch họ xây sẽ chịu đựng nổi bao lâu, hay sau vài năm, họ sẽ lại đào đi xới lại chính những con phố này. Vật liệu xây dựng cứ đến dịp cuối năm lại tràn lan khắp vỉa hè, nhiều lúc chỉ cần cơn gió thổi qua là cả khu vực ngập trong cát bụi.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!