Do nguồn cung về nhà ở trong nội thành không đáp ứng hết nhu cầu nên nhiều người lựa chọn một số quận xa trung tâm như Long Biên, Gia Lâm, Hà Đông để mua nhà. Chính vì mật độ dân cư ở những khu vực trên ngày càng lớn, nhu cầu đi lại của người dân tăng cao nên việc ùn ứ trong các khung giờ cao điểm sáng và chiều trên các cây cầu kết nối giữa khu vực nội và ngoại thành là điều không thể tránh khỏi mà ùn tắc nghiêm trọng hơn có khi ngay từ lối dẫn lên các cầu, đặc biệt là cầu Chương Dương.
Lối lên cầu từ hướng Yên Phụ - Trần Nhật Duật ùn tắc kéo dài hay lối lên theo hướng từ Trần Quang Khải cũng tương tự. Các xe nối đuôi nhau thành hàng dài, nhích từng chút một để di chuyển lên cầu. Có những hôm, nhiều người dân còn kêu ùn tắc lối lên cầu kéo dài cả cây số.
Vào giờ tan tầm, tuy rằng lượng phương tiện hướng từ Long Biên, Gia Lâm đi qua cầu sang trung tâm thành phố không quá căng thẳng nhưng nhiều phương tiện muốn đi theo hướng Trần Quang Khải vừa hết cầu đã rẽ trái, vòng theo vòng xuyến để đi xuống, tạo xung đột với dòng phương tiện đang từ hướng Trần Nhật Duật đi lên cầu.
Điều này càng làm hạn chế, giảm tốc độ của dòng xe đang di chuyển lên. Đây cũng là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng ùn tắc kéo dài ở lối lên cầu Chương Dương hướng Yên Phụ - Trần Nhật Duật.
Chính vì thế, đã có nhiều ý kiến cho rằng, các phương tiện từ Long Biên, Gia Lâm sang trung tâm thành phố vào giờ tan tầm nên được phân luồng rẽ luôn bên phải. Nếu ai có nhu cầu muốn đi hướng Trần Quang Khải thì rẽ phải xuống dưới để vòng lại. Như vậy, giao thông sẽ thành một vòng tròn nối tiếp, hạn chế tình trạng xung đột giữa các dòng phương tiện.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!