Mùa chim di cư lại cũng là mùa "tận diệt" chim trời. Đây là tình trạng tại xã Vinh Quang, huyện Tiên Lãng, TP Hải Phòng đã từng được phản ánh. Đây là việc làm mang tính chất mùa vụ nhưng lại đang gây ra nhiều hậu quả, nhất là trong việc bảo vệ đàn chim, cò tự nhiên đang ngày càng hiếm dần. Các địa phương cũng đã có giải pháp nhưng chưa triệt để.
Trên cánh đồng xã Vinh Quang, huyện Tiên Lãng, Hải Phòng, những dụng cụ bẫy bắt chim trời công khai để cả ngày và đêm. Khi phát hiện máy quay ghi hình, những người bắt chim nhanh chóng thu dọn dụng cụ và rời đi.
Đại diện chính quyền xã Vinh Quang cho biết, hoạt động này chủ yếu diễn ra vào đêm tối và sáng sớm nên rất khó để ngăn chặn. Trong một số lần ra quân, xã chỉ thu giữ được những tấm lưới giăng bẫy chim, không phát hiện được người bắt.
Thành phố Hải Phòng có 2 bãi đáp lớn của các loài chim di cư, vườn quốc gia Cát Bà và các bãi triều của một số huyện ven cửa sông, cửa biển. Mùa của chim di cư từ tháng 9 đến tháng 4 năm sau.
Theo Chi cục Kiểm lâm thành phố, nhiều người dân địa phương coi đây như một nghề kiếm sống, chỉ cần bỏ ra khoảng 500.000 đồng mua các loại dụng cụ.
Mặc dù hành vi vi phạm quy định về bảo vệ động vật hoang dã, bao gồm các loài chim trời đã được quy định mức phạt từ 5 đến gần 400 triệu đồng, thậm chí có thể xem xét xử lý hình sự ở mức 15 năm tù nhưng hiện vẫn còn nhiều đối tượng bất chấp quy định.
Lực lượng kiểm lâm chỉ có 23 cán bộ công chức trên toàn thành phố. Lực lượng trực tiếp xác minh chỉ có 5 người nhưng còn bảo vệ rừng chứ đâu phải chỉ mỗi chim di cư nên nhân sự rất hạn chế.
Sau mỗi đợt ra quân kiểm tra đều có vài chục con chim trời thả về tự nhiên. Tuy nhiên, mùa chim di cư năm sau phong trào "tận diệt" chim cò vẫn "đến hẹn lại lên", có lẽ phải cho đến khi nào những chú chim vắng hẳn trên cánh đồng.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!