Vì sao dự án sân bay Phan Thiết bị chậm tiến độ?

Phong Nguyễn-Thứ ba, ngày 23/01/2024 13:30 GMT+7

Dự án sân bay Phan Thiết đang bị chậm tiền độ so với kế hoạch.

VTV.vn Theo dự kiến, Cảng hàng không Phan Thiết sẽ khai thác vào năm nay, nhưng hiện nay dự án sân bay này đang bị chậm tiến độ do phải điều chỉnh chủ trương, đầu tư.

Ngày 22/1 UBND tỉnh Bình Thuận đã tổ chức buổi họp báo thông báo kết quả thực hiện tình kinh tế - xã hội năm 2023 và mục tiêu năm 2024.

Tại buổi họp báo, lãnh đạo UBND tỉnh Bình Thuận đã thông tin đến các cơ quan báo chí về việc triển khai một số dự án, công trình trọng điểm sắp và đang triển khai trên địa bản tỉnh.

Vì sao dự án sân bay Phan Thiết bị chậm tiến độ? - Ảnh 1.

Ông Lê Ngọc Tiến, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Bình Thuận đang phát biểu.

Trong đó, một trong những công trình trọng điểm được các cơ quan báo chí quan tâm là Dự án sân bay Phan Thiết (Cảng hàng không Phan Thiết) đang bị trễ tiến độ so với kế hoạch đề ra.

Trả lời các cơ quan báo chí về những thắc mắc, chậm trễ tiến độ của Dự án sân bay Phan Thiết, ông Lê Ngọc Tiến, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) Bình Thuận cho biết: "Hiện nay Dự án sân bay Phan Thiết (Cảng hàng không Phan Thiết) đã được Bộ Quốc phòng thi công (hạng mục quân sự) đường băng cất, hạ cánh cơ bản hoàn thành.

"Tuy nhiên, hạng mục thi công nhà ga sân bay (hình thức BOT) phục vụ dân dụng vẫn chưa xong thủ tục đấu thầu. Nguyên nhân là do phải thay đổi nhà đầu tư mới đối với hạng mục dân dụng BOT nên dự án sân bay Phan Thiết phải điều chỉnh chủ trương đầu tư" - ông Tiến cho biết thêm.

Vướng mắc ở đâu?

Cũng theo ông Tiến, về các thủ tục, hiện nay, đơn vị tư vấn và Sở KH&ĐT đang điều chỉnh một số nội dung trong chủ trương đầu tư theo yêu cầu của các Bộ. Trước khi trình qua UBND tỉnh, Sở KH&ĐT sẽ làm việc lại với Sở Giao thông Vận tải (GTVT) và đơn vị tư vấn để kiểm tra kỹ lại các thủ tục pháp lý để gửi Bộ KH&ĐT. Sau khi gửi ra Bộ KH&ĐT, Hội đồng thẩm định liên ngành sẽ xem xét lại. Sau khi được Hội đồng thẩm định liên ngành thông qua, UBND tỉnh sẽ hoàn chỉnh lại tờ trình để trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư.

"Cái khó, cái vướng hiện nay là theo quy định tại luật Quản lý, sử dụng tài sản công thì các tài sản của Bộ quốc phòng thi công như khu bay (do dùng chung quân sự và dân sự), đường cất cánh, hạ cánh, đường lăn, hệ thống đèn hiệu… (do Bộ quốc phòng đầu tư) không được dùng vào mục đích kinh doanh, cho thuê hay liên doanh. Sân bay Phan Thiết là sân bay lưỡng dụng, Bộ quốc phòng đầu tư đường băng, dân sự đầu tư nhà ga, nhưng không được dùng chung đường băng máy bay sẽ không thể cất, hạ cánh được nên khâu này đang vướng" - ông Lê Ngọc Tiến trình bày.

Giám đốc Sở KH&ĐT tỉnh Bình Thuận cũng cho biết vừa qua lãnh đạo UBND tỉnh đã có buổi làm việc với các Bộ, ngành liên quan về việc điều chỉnh chủ trương đầu tư. Tại buổi làm việc này, ông Tiến dẫn lời Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng chia sẻ rằng hiện nay trên cả nước đã có nhiều sân bay lưỡng dụng (giống như sân bay Phan Thiết - PV) thì cũng đã được cho phép điều chỉnh chủ trương.

Hiện nay, Chính phủ đang giao cho Bộ GTVT sửa đổi lại Nghị định để tháo gỡ những vướng mắc, bất cập, gỡ vướng cho việc điều chỉnh chủ trương dự án. Tuy nhiên, quan điểm của Bộ GTVT, trường hợp sân bay Phan Thiết không bị vướng trong việc điều chỉnh dự án.

Vì sao dự án sân bay Phan Thiết bị chậm tiến độ? - Ảnh 2.

Bản vẽ mô phỏng hạng mục BOT nhà ga sân bay Phan Thiết.

Cũng trong buổi làm việc với tỉnh, Bộ GTVT cho biết đang trình Thủ tướng để điều chỉnh Nghị định và sẽ sớm hoàn thành. Các Bộ, ngành liên quan cũng yêu cầu Bộ GTVT cần cho biết chính xác thời gian hoàn thành việc tham mưu cho Thủ tướng điều chỉnh Nghị định, gỡ vướng cho việc xây dựng dự án sân bay Phan Thiết. Các Bộ cũng đã cắt cử một bộ phận để theo dõi, đôn đốc Bộ GTVT để sớm hoàn thành việc việc tham mưu cho Thủ tướng tháo gỡ dự án này.

Nếu kéo dài sẽ xin cơ chế riêng

"Theo Bộ GTVT, ở hạng mục quân sự là đường băng cất, hạ cánh, nhà đầu tư BOT không sở hữu, chỉ làm nhà ga. Còn máy bay là của các hãng hàng không, đáp xuống rồi bay đi. Họ không sở hữu nhà ga, không liên doanh liên kết với ai. Nhưng luật đã quy định như thế, thì thẩm quyền ai giải quyết mới là vấn đề đáng bàn. Theo các Bộ, nếu Bộ GTVT làm xong thủ tục trong thời gian ngắn thì sẽ chờ. Còn nếu kéo dài thời gian thì các Bộ sẽ xin chủ trương, cơ chế riêng cho sân bay Phan Thiết", ông Lê Ngọc Tiến chia sẻ.

Cũng theo ông Lê Ngọc Tiến, vừa qua, Hội đồng thẩm định liên ngành đã có kết luận gửi cho UBND tỉnh Bình Thuận để tình giải trình vể việc điều chỉnh chủ trương, đầu tư.

Hiện nay UBND tỉnh Bình Thuận đã giao cho Sở GTVT phối hợp với Sở KH&ĐT và đơn vị tư vấn chỉnh sửa lại hồ sơ để ký rồi gửi cho Bộ KH&ĐT. UBND tỉnh Bình Thuận cũng đã chỉ đạo Sở KH&ĐT trong quý 1/2024 phải có văn bản ký để gửi Bộ KH&ĐT.

Ông Tiến cũng cho biết, sở dĩ sân bay Phan Thiết bị chậm tiến độ xây dựng như hiện nay là do thời gian qua các Bộ, ngành góp ý, chỉnh sửa rất nhiều. Mặc dù đơn vị tư vấn cũng có nhiều kinh nghiệm nhưng hồ sơ làm xong gửi Hội đồng thẩm định liên ngành (cấp Bộ) bị sửa tới, sửa lui nhiều lần làm mất nhiều thời gian.

Hiện nay, UBND tỉnh Bình Thuận đang chỉ đạo ráo riết để sớm hoàn thành các thủ tục điều chỉnh xây dựng dự án sân bay gửi các Bộ xem xét, tháo gỡ.

Dự án Sân bay Phan Thiết (kết hợp quân sự và dân dụng) được Bộ Giao thông vận tải quy hoạch năm 2013, rộng 543 ha, xây dựng tại xã Thiện Nghiệp. Bộ Quốc phòng có thẩm quyền đối với hạng mục quân sự, còn hạng mục hàng không dân dụng do UBND tỉnh Bình Thuận chủ trì.

Sau đó, dự án được Thủ tướng thống nhất chủ trương nâng cấp sân bay từ cấp 4C lên cấp 4E, sân bay Phan Thiết được nâng lên quy hoạch là Cảng hàng không, với một đường cất hạ cánh dài 3.050 m, nhà ga hành khách công suất thiết kế 2 triệu hành khách một năm.

Công trình được khởi công đầu năm 2015, sau đó tạm dừng. Đến tháng 4/2021, dự án được tái khởi động. Thời gian qua, Quân chủng Phòng không - Không quân đã thực hiện các hạng mục đường cất hạ cánh, đường lăn, sân đỗ máy bay... theo kế hoạch đề ra.

Ban đầu Công ty CP Rạng Đông trúng thầu hợp đồng BOT hạng mục dân dụng sân bay cấp 4C. Tuy nhiên, sau khi Thủ tướng thống nhất điều chỉnh quy mô lên cấp 4E, dự án phải thực hiện thủ tục điều chỉnh lại chủ trương đầu tư theo quy định về đối tác công tư của Luật Đầu tư.

Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng, Bình Thuận đã rà soát, thỏa thuận chấm dứt hợp đồng trước thời hạn với nhà đầu tư Rạng Đông và đang lựa chọn nhà đầu tư thay thế phù hợp.


* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước