Khi cứ Tết đến, Xuân về, chim én lại theo dấu chân người về làm tổ trong những căn nhà của người dân và sinh sôi nảy nở. Để bảo vệ sứ giả mùa Xuân, hương ước của bản quy định, ai có hành vi xâm hại đến tính mạng của loài chim én, hoặc có hành vi xua đuổi loài chim én ra khỏi bản sẽ bị phạt tiền và xin lỗi trước toàn thể dân làng. Quy định ấy có sức răn đe rất mạnh mẽ, góp phần bảo vệ loài chim én, tạo nên một nét độc đáo, kỳ lạ riêng của ngôi làng này.
Chẳng ai biết tình bạn tri kỷ giữa loài chim én và người Dao ở bản Nặm Đăm có từ bao giờ. Chỉ biết rằng, qua lời kể của những cụ trong làng, từ khi lớn lên đã thấy chim én gọi nhau làm tổ trong nhà. Tuy bất đồng ngôn ngữ, khác biệt tập tính nhưng con người và loài én đã sống quấn quýt bên nhau qua nhiều thập kỷ trong mối quan hệ tương sinh.
Người dân Nặm Đăm và loài én đã sống quấn quýt bên nhau qua nhiều thập kỷ
Vì thế, người dân ở đây chẳng bao giờ xua đuổi, xâm phạm hay săn bắt đến những tổ én trong nhà. Vốn sợ nỗi cô đơn nên chim én bao giờ cũng bay theo đàn hoặc bắt cặp với bạn tình như hình với bóng. Khi tìm "đất lành" xây tổ và đẻ trứng, chúng bay lượn khắp bản làng.
Chỉ những ngôi nhà có người ở mới lọt vào tầm ngắm của "sứ giả". Và, vị trí đắc địa nhất để chúng trú ngụ là bức tường hoặc mái hiên gần cửa chính của ngôi nhà - nơi có người qua lại thường xuyên, cũng là nơi chuột, mèo không bao giờ xâm phạm được.
Ở ngôi làng Nặm Đăm, chim én và con người cùng chung sống dưới một mái nhà. Với người dân ở đây, chim én chính là sứ giả của mùa Xuân, là hiện thân của phước lộc cho một năm mới an lành. Và có lẽ, cũng nhờ "phúc lộc" của những "sứ giả may mắn" mang tới, chỉ sau hơn 10 năm hình thành và phát triển, Nặm Đăm giờ đây đã trở thành "cụm công nghiệp không khói" với mô hình du lịch cộng đồng điển hình của tỉnh Hà Giang.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!