Về Long Hải viếng Dinh Cô dịp hội lớn

P.V (t/h)-Thứ sáu, ngày 03/03/2023 17:54 GMT+7

Ngày 1/3, trong khuôn khổ Lễ hội Dinh Cô Long Hải, Ban tổ chức đã thực hiện nghi thức thỉnh long vị Bà Lớn, ông Nam Hải và Thần hoàng về Dinh, chuẩn bị cho ngày lễ chính diễn ra vào 3/3 (12/2 Quý Mão). (Ảnh: Báo Vũng Tàu)

VTV.vn - Hàng năm vào các ngày 10,11 và 12/2 âm lịch, tại Dinh Cô mở lễ hội lớn (còn gọi là ngày Vía Cô hay Lệ Cô). Đây là nét đặc sắc văn hóa dân gian miền biển.

Dinh Cô (thị trấn Long Hải, huyện Long Điền, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu) còn được gọi điện thờ Cô, hoặc điện thờ Bà Cô, là ngôi đền thờ Long Hải thần nữ, một vị thần rất linh thiêng của người dân địa phương.

Ngôi đền này gắn liền với truyền thuyết về một trinh nữ tử nạn trên biển được ngư dân địa phương chôn cất và đã hiển linh, được dân tôn thần, lập miếu thờ phụng.

Ban đầu, Dinh Cô chỉ là một ngôi miếu nhỏ đơn sơ, được lập vào cuối thế kỷ 18 để thờ cô gái trẻ tên là Lê Thị Hồng.

Tương truyền, cô là người ở Tam Quan (Bình Định). Năm 17 tuổi, cô theo cha vào thành Gia Định (nay là Thành phố Hồ Chí Minh) buôn bán trên chiếc thuyền gỗ. Khi ngang qua vùng biển Long Hải thì thuyền gặp nạn, cô bị rớt xuống biển tử nạn, xác trôi dạt vào Hòn Hang (gần khu di tích Dinh Cô ngày nay).

Người dân địa phương đã chôn cất cô trên đồi Cô Sơn rồi lập miếu thờ. Năm 1930, người dân Long Hải đã dời miếu thờ cô lên đồi Kỳ Vân cho đến nay.

Cô thường hiển linh, mộng báo điềm lành, diệt trừ dịch bệnh, độ trì bá tánh nên được người dân trong vùng lập đền thờ và tôn xưng là: "Long Hải Thần nữ Bảo an Chánh trực Nương nương Chi thần". Người dân và du khách thường tìm tới, dâng hương, cầu bình an cho bản thân và gia quyến.

Anh Lý Minh Thành, một du khách tới Dinh Cô Long Hải cho hay: "Tôi cũng nghe nhiều bạn mình giới thiệu khu Long Hải có Dinh Cô rất linh, nên tôi muốn đi du lịch với gia đình lên đây để cầu an cho gia đình. Mong một năm mới thật sự bình an cho gia đình mình".

Quần thể Dinh Cô có diện tích trên 1.000 m2. Cổng Tam quan nằm dưới chân mũi Kỳ Vân, hai bên có đặt tượng rồng và hổ, trên mái có gắn "Lưỡng long chầu nguyệt" và "Song phụng chầu". Lối lên điện thờ là 37 bậc tam cấp.

Trong chính điện bài trí 7 bàn thờ, ngay trung tâm là bàn thờ Bà Cô với bức tượng Bà Cô cao hơn 0,5m, mặc áo choàng đỏ, viền kim tuyến, đội mão gắn ngọc. Ngoài ra, nơi đây còn có bàn thờ Phật Mẫu, Chúa Cậu, Ngũ Hành Nương Nương, Cửu Thiên Huyền Nữ, Tiền hiền, Hậu hiền và các miếu thờ: Hỏa Tinh Thánh Mẫu, Quan Thánh Đế Quân, Quan Thế Âm Bồ Tát...

Hàng năm vào các ngày 10, 11 và 12 tháng 2 âm lịch (năm nay là ngày 1-3/3 dương lịch), tại Dinh Cô mở lễ hội lớn (còn gọi là ngày Vía Cô hay Lệ Cô) tưng bừng náo nhiệt. Lễ hội Dinh Cô còn là nét đặc sắc sinh hoạt văn hóa dân gian miền biển với nhiều tiết mục: rước kiệu, múa hát bả trạo, múa lân... Đây là một trong những lễ hội lớn ở Nam Bộ thu hút rất nhiều người đến tham quan và chiêm bái.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước