Tình trạng chen lấn, bất chấp quy định xếp hàng vẫn diễn ra thường xuyên. Xếp hàng có thể coi như là một trong những thước đo ý thức về văn hóa ứng xử nhưng không ít người lại xem thường, bỏ quên.
7h sáng tại một bệnh viện lớn tại Hà Nội, trong khi đa số mọi người xếp hàng chờ đến lượt mua sổ khám, thì vẫn có những người bỗng dưng xuất hiện, chen lên hàng đầu. Không lên được hàng đầu thì cũng cố chen hàng hai, hàng ba.
Ra đến đường, đâu đâu cũng gặp những người không đủ kiên nhẫn chờ đến lượt mình. Có nhiều lý do được đưa ra giải thích cho việc chen ngang, như đang vội, không muốn chờ đợi, sợ thiệt thòi. Nhưng sâu xa hơn không hẳn là vậy.
Theo PGS.TS Phạm Mạnh Hà - Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội, những người đặt lợi ích của mình lên trên lợi ích cộng đồng, người khác, họ sẽ luôn tìm cách đạt được lợi ích hơn những người còn lại.
17h tại một ngã tư, không chịu đứng sau người khác ở vạch chờ đèn đỏ, có những người lại chọn dừng xe ở phần đường dành cho người đi bộ với vô vàn lý do.
Trong một đoàn người ngay ngắn xếp hàng, chỉ cần một người phá hàng, sẽ có người thứ hai, thứ ba… và để lại không ít hậu quả.
Mới đây, tại Bình Phước, hàng trăm người chen nhau làm thủ tục đất đai, khiến nhiều người bị va chạm, rồi ngã. Hay chỉ vì mâu thuẫn khi xếp hàng chờ mua bánh Trung thu tại Hải Phòng, người ta đã lao vào đánh nhau gây náo loạn cả khu phố.
Những hình ảnh xấu xí chen lấn tưởng nhanh lại hóa chậm, tất cả chỉ vì sự thiếu ý thức của một vài cá nhân.
Những tình huống như thế cũng không khó bắt gặp thường ngày như chờ đèn đỏ, ai cũng chen lên trước đi trước để được việc của mình và cuối cùng thì tắc lại càng thêm tắc, hay thậm chí là tai nạn giao thông.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!