Vẫn còn thiếu cơ chế để ngăn chặn hành vi nợ bảo hiểm xã hội

Quang Phồn, Quang Linh, Văn Thanh-Thứ bảy, ngày 11/03/2023 20:36 GMT+7

VTV.vn -Có tới gần 2,8 triệu lao động đang bị nợ BHXH. Nợ đọng BHXH thực sự đã trở thành vấn đề đáng báo động. Thậm chí, nó được ví như trở ngại cho thị trường lao động - việc làm.

Nhiều công ty lách luật chỉ nộp bảo hiểm cho những người ốm đau, thai sản, nhằm tránh tranh chấp lao động tập thể. Thế nên, những vụ việc nợ, trốn đóng BHXH không được phanh phui, lại càng dẫn tới số nợ ngày càng lớn và để giải quyết ngày càng khó khăn.

10 năm gắn bó với Công ty Cổ phần Haprosimex thì có tới 7 năm, 2 vợ chồng chị Hương bị công ty nợ lương và BHXH với tổng số tiền khoảng 260 triệu đồng. Hai vợ chồng lại không thể xin được việc do các đơn vị mới đều từ chối vì công ty cũ không chốt sổ BHXH.

Vẫn còn thiếu cơ chế để ngăn chặn hành vi nợ bảo hiểm xã hội - Ảnh 1.

Hàng trăm người lao động bị Công ty Haprosimex nợ lương và bảo hiểm xã hội.

Trước khi Haprosimex chuyển từ doanh nghiệp nhà nước sang cổ phần tư nhân, UBND TP Hà Nội đã yêu cầu công ty nào muốn mua phải cam kết trả nợ lương và bảo hiểm xã hội cho người lao động. Nhưng sau khi hoàn tất chuyển đổi, công ty mới đã né tránh nghĩa vụ đóng bảo hiểm cho 488 người lao động bị nợ từ tháng 7/2011 đến nay.

Còn một kiểu nợ BHXH khác của doanh nghiệp nước ngoài. Máy móc cũ, nhà xưởng thuê, còn chủ DN thì đã bỏ về nước… Đến nay, gần 200 người lao động tại Công ty TNHH Fine Land Apparel Việt Nam không biết "bấu víu" vào đâu để đòi được số tiền nợ BHXH gần 10 tỷ đồng.

Vẫn còn thiếu cơ chế để ngăn chặn hành vi nợ bảo hiểm xã hội - Ảnh 2.

Trụ sở thuê của Công ty TNHH Fine Land Apparel Việt Nam.

Việc xử lý đối với tài sản, công nợ của những doanh nghiệp phá sản, giải thể hoặc chủ bỏ trốn vẫn còn lúng túng do thiếu cơ chế. Dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội có nhiều nội dung mới nhằm ngăn chặn hành vi nợ - trốn đóng BHXH như đề xuất ngừng sử dụng hóa đơn đối với doanh nghiệp trốn đóng BHXH từ 6 tháng trở lên; hoãn xuất cảnh đối với chủ DN trốn đóng bảo hiểm từ 12 tháng trở lên; Công đoàn và cơ quan BHXH có thẩm quyền khởi kiện vụ việc về bảo hiểm xã hội ra Tòa án…

Trong Dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) cũng quy định cần có cơ chế khẩn cấp phong tỏa tài sản kịp thời để xử lý các doanh nghiệp cố tình chây ì, trốn đóng bảo hiểm, có dấu hiệu bỏ trốn nhưng cũng cần có cơ chế giãn đóng với các doanh nghiệp thực sự khó khăn.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước