Ảnh minh họa. (Nguồn: Reuters)
Đó là nhấn mạnh của Bộ Y tế tại Hội nghị trực tuyến với 63 tỉnh, thành phố triển khai công tác tiêm chủng vaccine COVID-19 vừa diễn ra sáng nay (6/3).
"Chắn chắn sẽ có những tai biến không mong muốn xảy ra nhưng không vì lý do đó làm ảnh hưởng đến chiến dịch tiêm vaccine. Trên toàn cầu cũng có người tham gia phong trào anti vaccine nhưng lợi ích của vaccine ngừa COVID-19 rất rõ ràng, bảo vệ chính cho bản thân và cộng đồng" - Bộ trưởng Bộ Y tế nhấn mạnh.
Bộ trưởng cũng lưu ý: "Phản ứng sau tiêm vaccine COVID-19 là có thể, vì không vaccine nào đảm bảo 100 % an toàn; có thể xảy ra phản ứng thông thường cho đến phản ứng bất lợi. Vì đây là vaccine mới nên chúng ta triển khai thận trọng. Dù vaccine đã về Việt Nam từ ngày 24/2, nhưng chúng ta chờ có giấy chứng nhận lô xuất xưởng từ nhà sản xuất; đồng thời chúng ta cũng đánh giá lại toàn diện tất cả chỉ số an toàn của lô vaccine này".
Bộ trưởng Bộ Y tế trong cuộc họp sáng 6/3
Trong lịch sử phát triển vaccine, vaccine phòng COVID-19 là vaccine phát triển nhanh nhất, ra đời nhanh nhất và đưa vào sử dụng nhanh nhất. Vì vậy, chưa đủ thời gian đánh giá đầy đủ hiệu quả của vaccine này.
Các chuyên gia cũng khuyến cáo, phản ứng sau tiêm vaccine COVID-19 là có thể, vì không vaccine nào an toàn 100% và có thể xảy ra phản ứng thông thường cho đến phản ứng bất lợi.
Tại hội nghị, các chuyên gia trong lĩnh vực tiêm chủng, hồi sức tích cực đã tập huấn và lưu ý các cơ sở tham gia tiêm chủng vaccine AstraZeneca trong đợt này. Theo đó, vaccine AstraZeneca chỉ có hạn sử dụng trong 6 tháng và được tiêm cho người từ 18 tuổi. Báo cáo của nhà sản xuất sẽ có khoảng 10% người tiêm sẽ có biểu hiện: đau đầu, buồn nôn, đau cơ, đau khớp, nóng tại vị trí tiêm, ngứa, mệt mỏi, bồn chồn, sốt và phổ biến là sưng, đỏ tại vị trí tiêm.
Những người mắc COVID-19 sẽ được chỉ định tiêm sau 6 tháng vì đây là vaccine mới và triển khai tiêm trong thời gian ngắn nên Bộ Y tế yêu cầu các đơn vị phải chuẩn bị sẵn sàng trong mọi tình huống có thể xảy ra.
Theo hướng dẫn của Bộ Y tế, Cục Y tế dự phòng chủ trì hướng dẫn việc triển khai kế hoạch tiêm chủng cho các tỉnh, thành phố từ 5/3-7/3/2021.
Trung tâm kiểm soát bệnh tật các tỉnh, thành phố tổng hợp danh sách đơn vị tiêm chủng, số lượng đối tượng tiêm chủng tại các tỉnh, thành phố và thông báo cho Cục Y tế dự phòng, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương để được cung ứng vaccine. Thời gian triển khai từ 7/3-10/3/2021.
Trên cơ sở kế hoạch của Bộ Y tế, sở y tế các tỉnh, thành phố chủ trì xây dựng kế hoạch sử dụng vaccine COVID-19 tại địa phương và chỉ đạo việc lập danh sách đối tượng tiêm theo nhóm nguy cơ trong vòng 7 ngày sau khi Bộ Y tế ban hành Kế hoạch tiếp nhận, vận chuyển, bảo quản và sử dụng vaccine phòng COVID-19.
Cũng theo hướng dẫn này, hình thức tiêm chủng sẽ được tổ chức theo chiến dịch trong thời gian ngắn nhất. Sử dụng hệ thống tiêm chủng có sẵn, trường hợp cần thiết, các sở y tế huy động các cơ sở tiêm chủng dịch vụ và các cơ sở khác đủ điều kiện tiêm chủng tham gia.
Các cơ sở tiêm chủng, Cục Y tế dự phòng… thực hiện giám sát chủ động sự cố bất lợi sau tiêm chủng theo hướng dẫn của Bộ Y tế.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!