Ưu tiên tạo việc làm - "chìa khóa" để giảm nghèo

Ban Thời sự-Thứ hai, ngày 19/09/2022 21:21 GMT+7

VTV.vn - Tạo việc làm để gia tăng thu nhập phù hợp với đặc điểm địa lý vùng miền là chìa khóa trong Chiến lược giảm nghèo bền vững đến năm 2025.

Thách thức từ các xã nghèo nhất

22 huyện nghèo nhất thuộc 17 tỉnh sẽ được hỗ trợ đầu tư trọng tâm, trọng điểm theo Quyết định 880 của Chính phủ. Theo đó, một số công trình giao thông liên xã sẽ được duy tu, bảo dưỡng để phục vụ phát triển kinh tế xã hội, tạo động lực tăng trưởng kinh tế, nâng cao thu nhập cho người dân từ nay đến năm 2025.

Đây là thách thức rất lớn với các địa phương, bởi đây cũng là những vùng nghèo nhất của cả nước. Người dân thiếu việc làm, thu nhập cực thấp. Nhiều xã nghèo tại đây thậm chí còn chưa có 1 sản phẩm hàng hóa đầu ra nào để cung cấp cho thị trường bởi khó khăn về địa lý và cả nhận thức của người dân "chỉ cần đủ ăn" là được.

Ưu tiên tạo việc làm - chìa khóa để giảm nghèo - Ảnh 1.

Xã An Toàn, huyện An Lão, tỉnh Bình Định có hơn 74% là hộ nghèo. Tại đây, trong nhà Đinh Văn Gôn, cả 2 vật dụng giá trị nhất đều hỏng. Gôn cũng không sửa vì không có tiền. 2 vợ chồng đều trẻ khỏe nhưng làm nương xong là nghỉ. Hơn một nửa hộ trong thôn đã đi vay vốn chính sách của Nhà nước về mua trâu bò nuôi để có thêm thu nhập. Còn vợ chồng Gồn chưa vay đã sợ mất.

Cả xã An Toàn nằm giữa rừng đặc dụng, không được trồng hay chặt bất cứ loại cây gì và người dân không có việc gì ngoài làm nương. Khoản thu nhập duy nhất là tiền bảo vệ rừng 3 triệu đồng/ha/năm, chia theo đầu người chỉ được vài trăm nghìn đồng mỗi tháng.

Xã An Sơn, huyện Văn Quan, tỉnh Lạng Sơn có hơn 54% hộ nghèo, cận nghèo. Hàng chục năm qua, phần lớn người dân ở xã An Sơn trông vào cây hồi để thoát nghèo. Thế nhưng vườn hồi hơn 1.000 cây của gia đình anh Phùng Văn Tâm gần như để hoang bởi cả năm, vụ thu hoạch chỉ mang lại hơn 10 triệu đồng chia cho 3 lao động trong nhà chẳng được bao nhiêu. Thế nên, với người trẻ như Tâm, thoát nghèo bằng trồng cây hồi quá lâu.

Trồng cây gì, nuôi con gì vẫn là trăn trở hàng chục năm qua trên con đường thoát nghèo ở những vùng khó khăn nhất.

Ưu tiên tạo việc làm - chìa khóa để giảm nghèo - Ảnh 2.

Giảm nghèo không còn là "cho không"

Có thể thấy việc nâng cao thu nhập vẫn là thách thức lớn nhất trong công tác giảm nghèo. Đặc biệt, khi nguồn hỗ trợ "cấp phát, cho không" đã không còn nữa thì phải ưu tiên tạo việc làm để người nghèo có thu nhập, dần dần thay đổi phương thức canh tác, tập quán và dịch chuyển, sản xuất hàng hóa để thoát nghèo.

Tạo việc làm để có thu nhập, phù hợp với đặc điểm, địa lý vùng miền là "chìa khóa" để giảm nghèo ở các địa phương.

Cùng với việc đầu tư hạ tầng giao thông, văn hóa giáo dục, công tác giảm nghèo đã được ưu tiên 270.000 tỷ đồng vốn chính sách và 25.000 tỷ đồng vốn của các địa phương cho vay tạo việc làm, tăng thu nhập cho người nghèo.

Giảm nghèo giờ đây đã chuyển từ "cho không" sang "cho vay". Nhiều hộ dân đã nhận thức được rằng, chỉ có tự mình cố gắng thì mới có thể thoát nghèo. Không trông chờ, dựa dẫm hoặc buông xuôi, nhiều hộ đã vững bước thoát nghèo nhờ sự hỗ trợ của Nhà nước và nỗ lực dám làm, dám chịu của chính bản thân họ.

Ở xã nghèo An Lão, Đinh Văn Kem là 1 trong vài hộ dám vay vốn chính sách để làm chăn nuôi. Từ 2 con trâu đầu tiên, giờ anh có cả đàn trâu 25 con. Dần dần có tích lũy và kinh nghiệm, anh Kem cải tạo đất dốc để thêm nuôi 30 con lợn đen OCOP. 5 tháng nữa tới Tết, cả đàn lợn có thể mang lại cho anh 150 triệu đồng.

Lúc nhà khó khăn nhất, bỏ trồng lúa, vợ chồng bà Xuân là một trong những hộ đầu tiên ở xã vay tới 200 triệu để trồng keo. 28 năm từ Cao Bằng đi kinh tế mới vào Quảng Nam, sau vụ thu hoạch gỗ đầu tiên, gia đình bà không còn là hộ nghèo.

Những hộ nghèo dám nghĩ, dám làm luôn được ưu tiên hỗ trợ để có việc làm, có thu nhập. Vẫn đất đai, con người ấy, cộng thêm sự chăm chỉ, kiên nhẫn sẽ giúp họ bước qua ngưỡng nghèo.

Một con giống tốt, một cây trồng hiệu quả có thể tạo ra việc làm bền vững và thu nhập ổn định không chỉ 1 hộ nghèo mà cả một cộng đồng thoát nghèo. Chiến lược giảm nghèo bền vững đến năm 2025 đã và đang triển khai đồng bộ các giải pháp giảm nghèo đa chiều, hướng tới sự tiếp cận một cách thực chất hơn.

Đó là các chính sách hỗ trợ có điều kiện, khơi dậy ý chí vươn lên thoát nghèo của người nghèo, nhất là khu vực có đông đồng bào dân tộc thiểu số. Đồng thời, việc giảm nghèo ở từng địa phương phải phù hợp với mô hình tăng trưởng kinh tế, gắn với mục tiêu phát triển bền vững.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước