Ứng phó sạt lở bờ biển: Chạy theo sóng biển để giữ đất, giữ làng

Ban Thời sự-Thứ bảy, ngày 11/11/2023 20:27 GMT+7

VTV.vn - Sạt lở bờ biển đang diễn ra nghiêm trọng ở nhiều khu vực biển miền Trung. Gần đây, bờ biển Hội An - Quảng Nam, liên tục bị xâm thực, sạt lở nghiêm trọng.

Trong một tháng trở lại đây, sóng lớn liên tục ngoạm sâu vào đất liền, khiến bờ biển Hội An (tỉnh Quảng Nam) rơi vào tình trạng sạt lở nghiêm trọng. Đáng nói đợt này, sạt lở gần 1.500m, có nơi ăn sâu vào đất liền đến hàng chục mét.

Người dân đang sống trong sự thấp thỏm, bởi nhà cửa bị sóng lớn đánh sập. Thế nhưng, để ứng phó với sạt lở bờ biển không phải là điều dễ dàng. Như tại Quảng Nam, trong nhiều năm qua, người dân và chính quyền địa phương phải chạy theo sóng biển để giữ đất, giữ làng, tìm cách ứng phó với sạt lở bờ biển.

Kè là giải pháp được tỉnh Quảng Nam liên tục triển khai trong thời gian qua để bảo về bờ biển Cửa Đại và nhiều vị trí sạt lở. Thế nhưng, một thực tế là kè chỗ này sạt lở chỗ khác, khi hơn 1 km bờ biển Cửa Đại được xây đê phá sóng, bờ biển đã tái tạo cát thì khu vực tiếp giáp với biển Cửa Đại bị sạt lở trầm trọng.

Ứng phó sạt lở bờ biển: Chạy theo sóng biển để giữ đất, giữ làng - Ảnh 1.

Sạt lở bờ biển đang diễn ra nghiêm trọng ở nhiều khu vực biển miền Trung. Gần đây, bờ biển Hội An - Quảng Nam, liên tục bị xâm thực, sạt lở nghiêm trọng

Còn ngay tại bãi biển Thịnh Mỹ thuộc phường Cẩm An, Hội An, hơn một năm nay, biển đã áp sát vào đất liền, đánh sập nhiều ngôi nhà. Bảo vệ tài sản của mình, nhiều người đã đóng cọc tre chống sóng biển. Thậm chí, có hộ gia đình đầu tư hàng trăm triệu đồng xây bờ kè đá, kè bằng bao tải đặc chủng nhưng vẫn chưa ngăn được sức công phá của sóng biển.

"Khu vực này sạt lở mấy năm nay, hiện nay càng mạnh hơn. Gia đình tôi đầu tư 300 triệu để kè nhưng bị hư hại, dấu hiệu biển xâm thực rất lớn", ông Nguyễn Văn Phụng, Phường Cẩm An, TP Hội An, Quảng Nam cho biết.

Theo dự báo, bờ biển từ Quảng Nam đến Phú Yên vẫn là trọng điểm sạt lở, tốc độ từ 10-30%. Tốc độ xây kè biển không theo kịp tốc độ sạt lở như hiện nay. Thời gian qua, có 4.000 hộ dân của bốn tỉnh gồm Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên phải di dời khẩn cấp do xói lở bờ biển. Tìm cách ứng phó với sạt lở bờ biển đang là vấn đề nan giải mà các địa phương duyên hải miền Trung đang phải đối mặt.

Nguy cơ sạt lở nghiêm trọng hơn vào cuối năm

Cứ đến cuối năm tình trạng sạt lở bờ biển ở miền Trung lại xảy ra càng nghiêm trọng. Đó là bởi giai đoạn này là mùa gió chướng, triều cường cao và mùa mưa lũ.

Khi triều cường xảy ra, mực nước biển sẽ dâng lên cao hơn bình thường khoảng 1-2m. Kết hợp với các đợt gió chướng hay còn gọi là gió mùa Đông Bắc mạnh cấp 5-7, giật tới cấp 8-9 sẽ tạo ra những cao sóng cao thêm từ 1,5-2m nữa, liên tục đánh mạnh vào bờ biển miền Trung gây xói lở. Những đoạn bờ biển có vị trí nằm trực diện với hướng sóng đánh, càng dễ sóng gió bào mòn.

Chưa kể ở miền Trung có nhiều con sông đổ ra biển, khi mưa lớn trút xuống, nước ở thượng nguồn chảy xuống cửa biển rất mạnh, càng góp phần gây sạt lở.

Ứng phó sạt lở bờ biển: Chạy theo sóng biển để giữ đất, giữ làng - Ảnh 2.

Dự báo nguy cơ sạt lở bờ biển nghiêm trọng hơn vào cuối năm

Một nguyên nhân nữa là do các đập thủy điện, thủy lợi được xây dựng ở thượng nguồn, khiến lượng bùn cát từ sông mang ra biển ít đi, không đủ để bù đắp lượng bùn cát mất đi do sóng đánh. Đó là lý do vì sao sau mỗi mùa gió chướng, sóng lại lấn dần vào bãi, còn bờ biển miền Trung ngày càng bị mất đất.

Theo ông Nguyễn Bá Thuỷ, Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, sang tháng 12 là tháng chính của mùa Đông, số đợt không khí lạnh cũng sẽ nhiều hơn, cường độ không khí lạnh cũng sẽ mạnh hơn. Dự định sẽ có khoảng 2 - 4 đợt không khí lạnh. Và trong tháng 12 thì Trung Bộ vẫn có khả năng mưa lớn. Ngoài ra trong tháng 12 còn có 2 đợt triều cường cao vào giữa và cuối tháng. Như vậy nguy cơ cao sạt lở trong tháng 12 trong trường hợp không khí lạnh lấn sâu xuống Trung Bộ vào đúng thời điểm xuất hiện triều cường.

"Tất cả các tỉnh từ Hà Tĩnh tới Bình Thuận đều có điểm sạt lở. Tuy nhiên những điểm sạt lở mạnh là phụ thuộc vào nguyên nhân ngoại sinh, tức là do đặc điểm địa chất, địa hình và hình dạng đường bờ. Theo thống kê của chúng tôi, những điểm mà sạt lở cao, cụ thể là ở Bảo Ninh (Quảng Bình); Cửa Tùng (Quảng Trị); Thuận An (Thừa Thiên Huế); Hội An và Cửa Đại (Quảng Nam) và Tuy Hòa (Phú Yên)", ông Thủy cảnh báo.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước