Chỉ thị của Thủ tướng nêu rõ, từ đầu mùa lũ năm năm nay đến nay, lượng mưa trên lưu vực sông Mê Công thiếu hụt từ 30-40%, nên dòng chảy của con sông này ở mức rất thấp. Cùng với sự gia tăng nhu cầu sử dụng nước của các nước thượng nguồn sông Mekong nên tổng lượng dòng chảy về Đồng bằng sông Cửu Long trong các tháng đầu mùa khô này có khả năng thiếu hụt từ 20-35%. Dự báo trong các tháng tới nguy cơ tiếp tục xảy ra hạn hán, thiếu nước và xâm nhập mặn ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp và dân sinh ở mức cao đến nghiêm trọng.
Do đó, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu lãnh đạo các tỉnh, thành Đồng bằng sông Cửu Long xác định ngay từng vùng, từng khu vực có khả năng bị ảnh hưởng bởi xâm nhập mặn để chỉ đạo, triển khai giải pháp cụ thể, bảo đảm giảm thiểu ảnh hưởng đến sản xuất và dân sinh. Trường hợp xảy ra hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn nghiêm trọng cần ưu tiên cấp nước cho sinh hoạt của người dân, chăn nuôi gia súc và tưới cho cây trồng có giá trị kinh tế cao.
Chính quyền các địa phương hướng dẫn người dân thực hiện các biện pháp tích trữ nước, sử dụng hiệu quả, tiết kiệm nước, triệt để chống thất thoát và lãng phí nước. Đồng thời chủ động thực hiện sớm việc nạo vét kênh, rạch, đào ao, giếng, đắp đập tạm để trữ nước ngọt và ngăn mặn. Đi cùng với tập trung đẩy nhanh tiến độ thi công xây dựng các công trình thủy lợi, cấp nước sinh hoạt, nhất là các công trình giữ ngọt, kiểm soát mặn, hệ thống kênh mương, đường ống dẫn nước. Các địa phương này cũng cần tăng cường sử dụng trang thiết bị phục vụ cấp và trữ nước hộ gia đình như: bể, bồn, lu, túi đựng nước và các hình thức khác.
Về nông nghiệp, cần tập trung rà soát, khoanh vùng cây ăn trái có nguy cơ bị ảnh hưởng bởi xâm nhập mặn, cùng với bảo đảm xuống giống sớm vụ Đông Xuân tới ở các vùng ven biển nhằm hạn chế ảnh hưởng của xâm nhập mặn. Ưu tiên sử dụng các giống lúa thơm, đặc sản, chất lượng cao, thời gian sinh trưởng ngắn, nhóm giống chịu mặn, phèn để thuận tiện cho việc cung cấp nước tưới, bảo đảm sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo, hướng dẫn địa phương đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, nhất là tại các khu vực không chủ động về nguồn nước. Hướng dẫn cụ thể lịch thời vụ, cơ cấu, giống cây trồng phù hợp cho từng khu vực trên cơ sở dự báo về nguồn nước, nguy cơ xâm nhập mặn. Đi cùng với hướng dẫn địa phương tính toán, xác định lượng nước tưới cần thiết cho các vùng cây ăn trái có nguy cơ ảnh hưởng của xâm nhập mặn; giải pháp trữ nước, cung cấp nguồn nước tối thiểu để bảo đảm duy trì sức sống cho cây trồng.
Thủ tướng giao Bộ Tài nguyên và Môi trường chỉ đạo tăng cường dự báo, nhận định về diễn biến nguồn nước thượng nguồn về Đồng bằng sông Cửu Long, diễn biến xâm nhập mặn, cũng như thu thập thông tin về nguồn nước và điều tiết các hồ chứa thủy điện ngoài lãnh thổ Việt Nam để phục vụ công tác dự báo nguồn nước, xâm nhập mặn ở Đồng bằng sông Cửu Long. Đề xuất cấp có thẩm quyền xem xét đề nghị tăng cường xả nước từ hồ thủy điện thượng nguồn để góp phần đẩy mặn trong trường hợp cần thiết.
Trong Chỉ thị, Thủ tướng giao các cơ quan truyền hình, thông tấn và các cơ quan báo chí khác tăng cường truyền thông về nguy cơ hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn cũng như các biện pháp chỉ đạo ứng phó đến các cấp chính quyền và người dân trong khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!