Ứng dụng công nghệ trong huấn luyện và tác chiến quân sự

Nguyễn Sơn, Thái Trang-Thứ sáu, ngày 20/12/2024 13:55 GMT+7

VTV.vn - Không dừng lại ở trách nhiệm, nghĩa tình, người lính thời đại mới đã làm chủ công nghệ, ứng dụng thực tiễn trong công tác huấn luyện và kỹ thuật quân sự.

Từng ngày, từng giờ, sức mạnh tổng hợp của Quân đội Nhân dân Việt Nam tiếp tục được nâng cao, trở thành biểu tượng vững chắc của lòng tin, ý chí và tinh thần Việt Nam. Và bây giờ, mặt trời ngả bóng là lúc họ thực hiện nhiệm vụ.

Ứng dụng công nghệ trong huấn luyện và tác chiến quân sự - Ảnh 1.

6 giờ tối, tiểu đoàn tên lửa 181 nhận được lệnh của sở chỉ huy nhanh chóng cơ động toàn bộ lực lượng nhằm phòng tránh hỏa lực tập kích đường không của đối phương. Dù đây chỉ là một tình huống giả định nằm trong đợt diễn tập chiến thuật của Quân đội hỏa lực tên lửa phòng không, tuy nhiên các công tác thu hồi khí tài diễn ra rất nhanh chóng chính xác

Đại úy Mai Văn Trưởng, Tiểu đoàn tên lửa 181, Sư đoàn 363 - Quân chủng Phòng không - Không quân (PKKQ) cho biết: "Trong tình hình mới hiện nay địch chủ yếu sẽ tác chiến vào ban đêm. Yêu cầu đặt ra là chúng ta phải triển khai, thu hồi, cơ động nhanh, đánh nhanh rút nhanh để đảm bảo độ bí mật an toàn tuyệt đối cho người và khí tài".

Nhằm đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới, thời gian gần đây quân chủng PKKQ đã đưa vào biên chế trực chiến hệ thống tên lửa S125VT có tính năng cơ động rất cao nhờ có nhiều thiết bị tự động được tích hợp trong các thành phần. Ví dụ như để tháo lắp được radar cần rất nhiều trang thiết bị hỗ trợ nhưng đến thời điểm hiện tại chỉ cần 1 mình đại úy Tuệ điều khiển hệ thống cẩu tự hành là có thể thực hiện được công việc này, thời gian thao tác chỉ bằng ¼ so với trước.

Ứng dụng công nghệ trong huấn luyện và tác chiến quân sự - Ảnh 2.

Thiếu tướng Vũ Đức Hiền, Phó tư lệnh quân chủng PKKQ cho biết thêm: "Trong chiến tranh hiện nay chúng tôi xác định địch sẽ sử dụng một lượng lớn vũ khí công nghệ cao. Chúng tôi đã tập trung nghiên cứu và tổ chức đội hình chiến đấu, các kip chiến đấu tự nghiên cứu bố trí sắp xếp có phương án một cách hợp để sẵn sàng đánh địch khi tấn công mục tiêu, đáp ứng yêu cầu bảo vệ tổ quốc trong tình hình mới".

Từ nhiều năm nay, việc ứng dụng các phần mềm mô phỏng trong giảng dạy đã khiến cho những giờ học bắn pháo phòng không trở nên thú vị không kém gì những trò chơi thực tế ảo, đồng thời giúp các học viên nhanh chóng nắm bắt được kỹ năng, kinh nghiệm xử lý các tình huống trước khi bắn đạn thật

"Trước khi tiếp xúc với khí tài thật thì làm quen với các thiết bị mô phỏng sẽ giảm được hao mòn vũ khí, đáp ứng được chuẩn đầu ra của học viên PKKQ hiện nay" - Thượng tá Phạm Trung Kiên - Giảng viên khoa Pháo phòng không- tên lửa tầm thấp - Học viện PKKQ cho biết.

Ứng dụng công nghệ trong huấn luyện và tác chiến quân sự - Ảnh 3.

Không phải học chay trên sa bàn như trước kia, các học viên dẫn đường không quân như chiến sỹ Tuấn được trực tiếp cầm lái chiếc máy bay Su30 MK2 trên hệ thống mô phỏng, từ đó nắm được các thao tác cất hạ cánh, cũng như quá trình điều khiển máy bay chiến đấu của phi công. Đây là phương pháp huấn luyện nhanh chóng và trực quan, giúp cho các học viên dẫn đường không quân nắm bắt chính xác cách dẫn đường cho 1 chiếc máy bay chiến đấu đến vị trí thuận lợi để tiêu diệt địch

Chiến sỹ Nguyễn Thái Tuấn - Học viên lớp dẫn đường không quân - Học viện PKKQ chia sẻ: "Cảm giác của em rất hồi hộp, lần đầu tiên được cầm lái như người phi công, từ đó giúp cho công tác dẫn đường cho phi công được an toàn, bảo đảm phi công hoàn thành tốt nhiệm vụ".

Trong điều kiện một số khí tài trang bị hiện đại không thể đưa về trường huấn luyện, thì các sản phẩm mô phỏng do học viện nghiên cứu, chế tạo giúp học viên nhanh chóng tiếp thu, làm chủ khí tài trang bị mới.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước