Khai thác thủy sản bất hợp pháp trên các vùng biển - đe dọa đến việc duy trì, bảo tồn các nguồn lợi thủy sản và đa dạng sinh thái biển, gây ra những tác động nghiêm trọng về môi trường, cũng như kinh tế và ảnh hưởng đến thị trường tiêu dùng.
Để ngăn ngừa tình trạng này, lực lượng chức năng ở Hà Tĩnh đã tăng cường, kiểm tra tàu cá ngư dân, kết hợp tuyên truyền vận động, tạo thành mạng lưới giám sát chặt chẽ, góp phần chống khai thác thủy sản bất hợp pháp.
Để giám sát chặt chẽ phương tiện tàu thuyền xuất biến và hải trình đi biển, lực lượng biên phòng thường xuyên kiểm tra các thiết bị giám sát hành trình trên các tàu cá của ngư dân, kịp thời phát hiện, điều chỉnh các sai số kỹ thuật.
Do tâm lý muốn đi đánh bắt các loại thủy hải sản có giá trị lớn ở các vùng biển xa, nên không phải ngư dân nào cũng nắm bắt được các vùng biển được phép khai thác. Hệ quả là khi tàu thuyền vi phạm, thủy hải sản không thể xuất khẩu sang các thị trường EU vừa thiệt hại kinh tế, vừa ảnh hưởng đến hoạt động xuất khẩu thủy sản của cả nước.
Hà Tĩnh hiện có gần 4.000 phương tiện đánh bắt thủy hải sản trên biển, trong đó có hơn 370 phương tiện đánh bắt xa bờ có công suất trên 90 CV. Bên cạnh việc vận động chủ tàu ký cam kết không vi phạm pháp luật trên biển, lực lượng biên phòng tuyên truyền để ngư dân cùng nhau chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không khai báo và khai thác thủy hải sản không theo quy định.
Theo cơ quan chức năng, để kiểm soát việc đánh bắt hải sản trái phép, thực hiện khai báo thì bên cạnh việc tuyên truyền, cơ quan chức năng cũng sẽ thường xuyên tuần tra kiểm soát nhắm phát hiện sớm những hành vi vi phạm, từ đó huy động ngư dân cùng chủ động bảo vệ nguồn lợi thủy sản và nâng cao giá trị xuất khẩu cũng như thương hiệu thủy sản Việt Nam.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!