Tuyên Quang: Ngọt thơm từ mùa na chín

PV-Thứ bảy, ngày 28/09/2024 11:11 GMT+7

VTV.vn - Trên những diện tích đất núi đá, cây na dai ở xã Lực Hành, huyện Yên Sơn, tỉnh Tuyên Quang phát triển xanh tốt, sai quả, có vị ngon ngọt thanh mát.

Cây na dai được xã Lực Hành, huyện Yên Sơn (Tuyên Quang) lựa chọn là cây trồng chủ lực, đem lại hiệu quả kinh tế cao. Trên những diện tích đất núi đá, cây na phát triển xanh tốt, sai quả, vị ngon ngọt thanh mát. Những năm gần đây, người dân đã áp dụng khoa học kỹ thuật, phát huy sáng tạo trong sản xuất, thu nhập của bà con vì thế cũng đã cải thiện và nâng cao.

Đang tất bật thu hái na để gửi cho khách, chị Phạm Thị Phương, thôn Minh Khai, xã Lực Hành (Yên Sơn) chia sẻ, gia đình chị có 1,5 ha na, nhờ học hỏi, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật nên cây na cho năng suất cao, được khách hàng gần xa đánh giá cao cả về chất lượng và mẫu mã. Ngoài vụ na chính thu hoạch từ cuối tháng 7 đến tháng 8 âm lịch, gia đình chị còn xử lý cắt tỉa, thụ phấn để cho ra vụ na thứ 2 thu hoạch tháng 11. Mỗi năm gia đình chị Phương thu hoạch được gần 10 tấn quả, sau khi trừ chi phí cho thu lãi trên 200 triệu đồng từ trồng na.

Ông Nguyễn Doanh Quế, thôn Minh Khai, xã Lực Hành khẳng định, gia đình ông năm nay thu khoảng 130 triệu đồng tiền bán quả na. Nhờ thu nhập từ trồng na nên đời sống của gia đình tôi cũng như nhiều hộ dân trong thôn khá lên trông thấy. Ở thôn, giờ người ta không ai nói chuyện xóa nghèo, mà nói chuyện làm giàu.

Tuyên Quang: Ngọt thơm từ mùa na chín - Ảnh 1.

Ông Nguyễn Doanh Quế, thôn Minh Khai, xã Lực Hành chỉ tay về đồi na của thôn.

Theo Trưởng thôn Minh Khai, xã Lực Hành (Yên Sơn) Bùi Văn Lộc thì toàn huyện có khoảng 300 ha na, thì riêng thôn Minh Khai chiếm gần 100 ha. Như vậy tính ra mỗi gia đình ở thôn có khoảng 1 ha trồng cây na. Trên địa bàn xã ngoài cây dong riềng, bưởi, tuy nhiên cây na là cây trồng chủ lực, mang lại kinh tế, thu nhập ổn định cho người dân.

Theo chu kỳ thì cây na cho 1 vụ/năm vào thời điểm tháng 7 và tháng 8 âm lịch. Nhưng người trồng na ở Lực Hành đã kích thích, thụ phấn cho na ra hoa, kết quả trái vụ. Na trái vụ sẽ thu hoạch vào dịp cuối năm, giá bán có thể cao gấp đôi giá bán chính vụ. Như vậy việc dưỡng cây để cho 1 năm 2 vụ na trên một đơn vị diện tích là việc rất quan trọng của người dân nơi đây. Để trái na to, ngon, mẫu mã đẹp thì bên cạnh thổ nhưỡng, khí hậu, công cuộc áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất của người nông dân rất quan trọng. Các hộ trồng na được cán bộ khuyến nông tập huấn các kỹ năng chọn giống, trồng, bón phân, tưới nước, làm cỏ, phòng trừ sâu bệnh, tỉa tạo tán, thu hái, bảo quản na. Những cây na bố mẹ tốt, được các hộ lấy hạt ươm giống cây na con. Mỗi bầu cây giống giá 5.000 đồng, cây na có thể trồng quanh năm, chỉ trừ mùa đông.

Tuyên Quang: Ngọt thơm từ mùa na chín - Ảnh 2.

Na to, mẫu mã tốt, chất lượng đảm bảo, giá ổn định.

Cây na chịu hạn khá tốt và hay chết do ngập úng. Vì vậy, cây na thích hợp trồng trên sườn núi, vừa thoát nước tốt, vừa thoáng khí. Ngoài bón thêm vôi, phân chuồng, phân vi sinh, phân tổng hợp, cây na phải được tỉa tạo tán, phun thuốc trừ sâu sinh học phòng trừ rầy, rệp, thối rễ, ruồi đục quả. Đến nay quy trình trồng, chăm sóc, thu hoạch, phân phối của người dân thôn Minh Khai khá thuần thục, đi vào chuyên nghiệp.

Chị Phạm Thị Hiền, một lái buôn ở tỉnh Yên Bái đang đóng hàng lên xe cho biết, mỗi chuyến xe của chị thu mua, chở khoảng 4 - 5 tấn na. Hàng ở đây khi về được đóng gói xuất bán đi Hà Nội và một số tỉnh, thành. Quả na loại A đang được thu mua tại thôn từ 30 - 35 nghìn đồng 1 kg; loại B trên 20 nghìn đồng và loại C khoảng 15 nghìn đồng. Nhiều năm nay giá thu mua rất ổn định, lượng hàng không đủ cung cấp cho thị trường rộng lớn. Người trồng na ở Lực Hành có thể yên tâm về đầu ra, giá cả, tập trung mở rộng sản xuất, nâng cao chất lượng cây na.

Tuyên Quang: Ngọt thơm từ mùa na chín - Ảnh 3.

Quả na thu hái được vận chuyển đến các điểm thương nhân thu mua.

Thời điểm này đi đâu trong xã cũng thấy những vườn na xanh mướt, trĩu quả, đầy sức sống. Năm 2023, na dai Lực Hành trở thành sản phẩm OCOP tiêu biểu của xã, sản phẩm phục vụ cho thị trường Rằm tháng Bảy và Tết Trung thu hằng năm. Nhờ tính hiệu quả của cây na, năm qua toàn xã đã trồng mới thêm được 14 ha na, nâng tổng diện tích cây na ở xã Lực Hành lên 123 ha, tập trung nhiều ở các thôn Minh Khai, Bến, Làng Trà...

Ông Trần Huy Hướng, Phó Chủ tịch UBND xã Lực Hành (Yên Sơn) khẳng định, qua nhiều năm thâm canh sản xuất cho thấy, cây na dai rất phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng tại địa phương, nhất là những diện tích vạt đồi, chân núi có độ dốc vừa phải. Trồng na tuy kỹ thuật không phức tạp nhưng tốn nhiều công chăm sóc. Khi nụ hoa nở hé phải tiến hành thụ phấn thủ công để tăng tỷ lệ đậu quả, đồng thời giúp quả to, tròn, đều, đẹp. Đặc biệt, cây na thu hoạch nhiều năm mà vẫn cho năng suất cao, thậm chí có những cây thu quả đến 17 - 20 năm mà vẫn chưa phải trồng lại.

Nhận thấy tiềm năng phát triển kinh tế ổn định từ cây na, cấp uỷ Đảng, chính quyền xã đã chỉ đạo nhân rộng diện tích cây trồng này ở những địa hình phù hợp, hàng năm diện tích không ngừng được mở rộng. Thương hiệu na Lực Hành, sản phẩm được đóng gói bao bì, nhãn mác, trích dẫn địa lý cụ thể được khách hàng tin tưởng. Năng suất của cây na khoảng 5 - 6 tấn quả/ha, tuy nhiên nếu áp dụng tốt khoa học kỹ thuật, cây na có thể cho thu hoạch 2 vụ/năm, năng xuất cao hơn. Như vậy giá trị trên một đơn vị diện tích được gia tăng. Đánh giá về tiềm năng kinh tế và hiệu quả mang lại thì cây na rất phù hợp với thổ nhưỡng, khí hậu, cho thu nhập ổn định. Năm nay, chất lượng quả khá hơn năm ngoái, sản phẩm đáp ứng tốt nhu cầu của thị trường. Chính vì vậy bà con tích cực đầu tư thâm canh cho cây na mang lại hiệu quả cao.

Tuyên Quang: Ngọt thơm từ mùa na chín - Ảnh 4.

Na được người dân phân loại trước khi bán, những quả na to, đều mắt (loại A) được bán với giá 30.000 - 35.000 đồng/kg.

Nguồn thu từ quả na giúp đời sống của người dân nơi đây thay đổi rõ rệt. Những ngôi nhà cao tầng khang trang, hiện đại mọc lên cạnh những đồi, vườn na bạt ngàn, tạo nên vùng đất trù phú, phát triển. Địa phương đang đẩy mạnh tuyên truyền, quảng bá về chất lượng, sản phẩm đến người tiêu dùng. Đồng thời khuyến khích hộ trồng na duy trì lối canh tác an toàn, xây dựng và giữ gìn thương hiệu sản phẩm OCOP của địa phương.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước