Chính quyền địa phương đã lên kế hoạch tổ chức cưỡng chế các công trình vi phạm này, tuy nhiên 90% hộ dân đã tự tháo dỡ trước thời điểm cưỡng chế.
Chị Vũ Thị Thu Hường (xã Liên Trung, Đan Phượng, Hà Nội) cho biết, một tuần nay, gia đình chị đã tự nguyện thuê người về tháo dỡ nhà xưởng. Sắt thép dỡ xuống thanh lý thì đơn giản, nhưng toàn bộ máy móc sản xuất gỗ trị giá vài tỷ đồng thì không biết chuyển đi đâu trong khi gia đình chị vẫn chưa tìm được mặt bằng mới để sản xuất.
Theo báo cáo của huyện Đan Phượng, 80% các hộ có nhà xưởng xây dựng sai phạm, trước đây đã được bố trí giao đất hoặc đã mua đất sản xuất tại 2 khu làng nghề Liên Hà và Liên Trung có diện tích 29 ha nằm trên địa bàn huyện Đan Phượng. Các hộ này đã di dời tới khu làng nghề và ổn định sản xuất nhiều năm nay.
Thế nhưng, do một thời gian dài không giải quyết triệt để, các hộ có công trình vi phạm chưa chấp hành tháo dỡ, sau đó lại cho thuê lại hoặc ở lại sản xuất tiếp dẫn tới mất an toàn cháy nổ tại khu vực này. Để tạo điều kiện cho bà con sau khi tự nguyện di dời, chính quyền địa phương đã bố trí địa điểm để bảo quản máy móc trong khi người dân tìm địa điểm mới.
Đại diện huyện Đan Phượng cho biết, theo kế hoạch, sau khi giải tỏa, khu vực này sẽ tiến trồng cây và cải tạo hồ sinh thái để chống lấn chiếm đồng thời sẽ bố trí quỹ đất trong làng nghề, tổ chức đấu giá để các hộ tham gia.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!