Tự bỏ thuốc điều trị tiểu đường làm tăng nguy cơ suy thận

Trịnh Mai-Thứ năm, ngày 13/07/2023 06:00 GMT+7

Các chuyên gia tư vấn trong chương trình

VTV.vn - Tự ý bỏ thuốc điều trị đái tháo đường khiến đường huyết không được kiểm soát, gây ra biến chứng vi mạch thận, dẫn tới suy thận mạn tiến triển.

Thông tin trên vừa được chia sẻ trong chương trình tư vấn trực tuyến "Từ đái tháo đường đến suy thận" do Đài truyền hình Việt Nam phối hợp Hệ thống Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh tổ chức tối ngày 11/07/2023. Chương trình có sự đồng hành của các chuyên gia đến từ BVĐK Tâm Anh Hà Nội: TTƯT.TS.BS Hoàng Kim Ước, Trưởng khoa Nội tiết - Đái tháo đường; TS.BS Lê Bá Ngọc - Trưởng khoa Nội tổng hợp; ThS.BS Hà Tuấn Hùng - Phó khoa Nội tổng hợp.

Theo số liệu thống kê trên thế giới, hơn 80% bệnh nhân suy thận mạn giai đoạn cuối là do các biến chứng của đái tháo đường. Tại Việt Nam, hiện cả nước có khoảng 5 triệu người mắc đái tháo đường nhưng 65% người bệnh không biết mình bị bệnh. 85% người bệnh chỉ phát hiện ra bệnh khi đã có biến chứng nguy hiểm, trong đó có suy thận. 20% người bệnh đái tháo đường bị bệnh thận, gây suy thận, phải chạy thận nhân tạo hoặc ghép thận.

Chia sẻ trong chương trình, TTƯT.TS.BS Hoàng Kim Ước cho biết, nếu đường huyết tăng cao, không được kiểm soát trong một thời gian dài, lượng máu đến thận quá lớn, khiến thận phải hoạt động vượt quá công suất. Đồng thời, cơ thể sinh ra nhiều chất oxy hóa làm các mao mạch ở cầu thận bị tổn thương. Lâu ngày, các lỗ lọc thận to ra, gây rò rỉ albumin niệu, protein niệu ra ngoài nước tiểu, ảnh hưởng đến chức năng thận. Nếu không được xử trí kịp thời, thận dần xơ hóa và mất hoàn toàn chức năng. Lúc này, các chất độc hại như ure, creatinin… bị ứ đọng trong cơ thể. Người bệnh phải chạy thận chu kỳ để lọc máu thường xuyên, thẩm phân phúc mạc hoặc cấy ghép thận mới có thể bảo toàn tính mạng.

Ngoài kiểm soát đường máu không tốt, bệnh nhân bị tiểu đường lâu năm có tăng huyết áp, mỡ máu cao, hút thuốc lá, có bệnh thận khác đi kèm như sỏi thận, nhiễm khuẩn tiết niệu… cũng có nguy cơ cao gặp biến chứng suy thận.

Tự bỏ thuốc điều trị tiểu đường làm tăng nguy cơ suy thận - Ảnh 1.

Theo TTƯT.TS.BS Hoàng Kim Ước, người bệnh đái tháo đường không kiểm soát đường huyết tốt dễ gặp biến chứng suy thận.

Theo TS.BS Lê Bá Ngọc, ở giai đoạn đầu, thận vẫn còn khả năng hoạt động để bù trừ cho các mao mạch bị tổn thương, khiến bệnh nhân không cảm nhận được bất cứ biểu hiện bất thường nào. Hầu hết các trường hợp phát hiện bệnh ở giai đoạn sớm do người bệnh tình cờ đi khám sức khỏe, được bác sĩ sàng lọc nguy cơ biến chứng do đái tháo đường và chỉ định làm các xét nghiệm cần thiết.

Khi tổn thương tăng lên, người bệnh có thể bị mất ngủ, đau đầu, chán ăn, mệt mỏi, suy giảm trí nhớ, tăng huyết áp. Trường hợp cấu trúc thận bị tổn thương nặng, gây mất quá nhiều protein qua nước tiểu, lượng protein trong máu quá thấp, không thể giữ dịch ở lại trong lòng mạch máu, dẫn tới dịch bị thoát ra ngoài. Lúc này bệnh nhân bị phù toàn thân, có thể tràn dịch đa màng (màng phổi, màng tim…) do hội chứng thận hư. Người bệnh bị hội chứng này cũng dễ tiến triển đến suy thận nặng.

Tự bỏ thuốc điều trị tiểu đường làm tăng nguy cơ suy thận - Ảnh 2.

TS.BS Lê Bá Ngọc chia sẻ những dấu hiệu nhận biết suy thận do đái tháo đường.

Giải đáp thắc mắc của khán giả về việc dùng thuốc điều trị tiểu đường có gây ra các biến chứng tại gan, thận hay không, TS.BS Hoàng Kim Ước nhận định, biến chứng tại thận, gan là do bệnh lý chứ không phải thuốc điều trị gây ra. Người bệnh tiểu đường cần thăm khám sức khỏe thường xuyên để đánh giá hiệu quả kiểm soát đường huyết và kiểm tra chức năng gan, thận. Từ đó, bác sĩ sẽ có chỉ định dùng thuốc với liều lượng phù hợp. Việc tự ý bỏ thuốc điều trị bệnh tiểu đường, dùng thuốc không đúng liều, thay thế thuốc tây bằng thuốc lá dân gian truyền miệng, tự ý kết hợp nhiều thuốc điều trị, chậm tái khám,... có thể khiến bệnh tiểu đường khó kiểm soát, tăng nguy cơ suy thận.

Một khán giả gửi câu hỏi tới chương trình: "Người bệnh suy thận do đái tháo đường có dễ bị đột quỵ không?". TS.BS Lê Bá Ngọc cho hay, nguy cơ đột quỵ, tai biến mạch máu não ở đối tượng này tăng gấp 30 lần. Do thành mạch bị xơ vữa có thể tạo ra những cục máu đông, gây ra tình trạng nhồi máu não. Ngoài ra, người bệnh suy thận giai đoạn cuối phải sử dụng thuốc chống đông trong quá trình chạy thận, người bệnh tăng huyết áp có bệnh mạch vành kèm theo cũng có thể xảy ra tình trạng xuất huyết não.

Theo ThS.BS Hà Tuấn Hùng, tỷ lệ tử vong cao nhất ở người bệnh đái tháo đường có suy thận thường xảy ra do biến cố tim mạch. Để giảm các nguy cơ tai biến, kéo dài thời gian điều trị bảo tồn thận, người bệnh cần kiểm soát tốt đường huyết và các yếu tố nguy cơ như huyết áp, mỡ máu. Ở giai đoạn sớm, người bệnh chỉ cần thay đổi chế độ ăn mà không cần dùng thuốc. Nếu đã thay đổi chế độ ăn nhưng vẫn không kiểm soát được đường máu thì cần điều trị nội khoa. Thông thường, chỉ số đường huyết Hba1c ở người cao tuổi đạt dưới 7% và người trẻ dưới 6.5% thì có thể tránh được biến chứng.

Tự bỏ thuốc điều trị tiểu đường làm tăng nguy cơ suy thận - Ảnh 3.

ThS.BS Hà Tuấn Hùng chia sẻ, thực đơn dinh dưỡng cho người bệnh đái tháo đường cần được cá thể hóa.

Tư vấn về chế độ ăn cho người bệnh tiểu đường, ThS.BS Hà Tuấn Hùng cho biết, việc ăn uống kiêng khem quá mức không chỉ khiến cơ thể thiếu năng lượng phục vụ các hoạt động sống mà còn làm đường huyết khó kiểm soát, dễ xảy ra các biến chứng. Không có khuyến cáo chung về thực đơn dinh dưỡng cho tất cả đối tượng người bệnh. Tùy từng mức độ bệnh, người bệnh có thể sử dụng các thực phẩm với lượng khác nhau, có người cần hạn chế tinh bột, có người cần hạn chế protein,... Tốt nhất trước khi điều chỉnh thực đơn, người bệnh cần thăm khám để được đánh giá nhu cầu năng lượng. Bác sĩ sẽ phân tầng nguy cơ dinh dưỡng để đưa ra thực đơn cụ thể. Tại BVĐK Tâm Anh, với sự kết hợp khám chữa bệnh linh hoạt giữa 3 chuyên khoa Nội tiết - Thận tiết niệu - Dinh dưỡng, bệnh nhân sẽ được tư vấn thực đơn hoàn hảo phù hợp với từng thể trạng.

Theo các chuyên gia, biến chứng thận do đái tháo đường hoàn toàn có thể phòng ngừa. Người bệnh cần tuân thủ chặt chẽ phác đồ điều trị của bác sĩ, tái khám đúng hẹn. Kiểm soát tốt đường huyết bằng việc kết hợp dùng thuốc theo đúng chỉ định; áp dụng chế độ ăn kiêng an toàn, ăn nhạt, bỏ rượu bia và thuốc lá; tập luyện thể dục thể thao đều đặn duy trì cân nặng hợp lý có thể làm chậm biến chứng thận nhiều năm sau khi mắc đái tháo đường.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước