* Thừa Thiên - Huế còn 8 tàu thuyền chưa vào nơi tránh trú
Tuy bão ít có khả năng ảnh hưởng trực tiếp đến tỉnh Thừa Thiên - Huế nhưng hoàn lưu bão rộng, phạm vi ảnh hưởng về gió mạnh trên biển lớn, rất nguy hiểm cho tàu thuyền hoạt động trên các vùng biển.
Theo Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Thừa Thiên-Huế, tổng số tàu thuyền của tỉnh là 1.884 chiếc, với 10.685 lao động. Đến 15 giờ ngày 5/9, hầu hết các tàu thuyền của tỉnh đã vào bờ tránh trú bão, chỉ còn 8 tàu thuyền với 69 lao động, chủ yếu đang hoạt động ở ngoài biển vùng lộng khu vực từ tỉnh Quảng Trị đến Đông Chân Mây (Thừa Thiên - Huế). Ngoài ra, có 22 phương tiện với 126 lao động của các tỉnh Nghệ An, Quảng Bình, Bình Định đã vào các âu thuyền của tỉnh để neo đậu.
Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, Cảng vụ Hàng hải Thừa Thiên - Huế, Chi cục Thủy sản, Đài Thông tin duyên hải Huế đã tăng cường thời lượng thông báo cho chủ các phương tiện, thuyền trưởng đang hoạt động trên biển biết vị trí, hướng di chuyển và diễn biến của bão số 3; tổ chức rà soát, kiểm đếm, chủ động thông tin, hướng dẫn phương tiện, tàu thuyền còn đang hoạt động trên biển biết, không đi vào hoặc thoát ra khỏi khu vực nguy hiểm hoặc về nơi tránh trú an toàn; có biện pháp bảo đảm an toàn cho tàu thuyền.
Theo Văn phòng Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Thừa Thiên-Huế, hiện nay người dân đã thu hoạch cơ bản xong diện tích vụ lúa Hè Thu 2024 với 25.324 ha. Mực nước các hồ thủy lợi, thủy điện đang ở mức thấp, các hồ đang vận hành đảm bảo an toàn. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã chỉ đạo Chi cục Thủy sản kiểm tra phương án đảm bảo an toàn ao nuôi thủy sản, lồng bè, khu neo đậu tránh trú bão trên sông, đầm phá, vũng vịnh; kiểm tra việc thực hiện đúng các quy định về trang bị kỹ thuật đảm bảo an toàn cho người và tàu thuyền hoạt động thủy sản.
UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch về dự trữ hàng hóa phục vụ phòng, chống lụt bão năm 2024 trên địa bàn. UBND các huyện, thị xã, thành phố tổ chức rà soát phương án di dời dân ứng phó với ảnh hưởng mưa lớn, gió mạnh của bão số 3. Sở Du lịch chỉ đạo các cơ sở dịch vụ du lịch, vui chơi giải trí ven biển, sông, suối, các khu du lịch cắm trại, dã ngoại ngoài trời có phương án đảm bảo an toàn cho du khách trước khi bão đến và mưa lớn.
Tỉnh Thừa Thiên-Huế cũng yêu cầu các chủ đầu tư phải chỉ đạo nhà thầu thi công công trình xây dựng, thủy lợi, giao thông trọng điểm ven biển như cầu vượt cửa biển Thuận An, đê chắn sóng cảng Chân Mây… kiểm tra công tác đảm bảo an toàn máy móc, thiết bị, vật tư, phương tiện đề phòng gió mạnh, sóng lớn, nhằm bảo vệ an toàn tuyệt đối về tài sản, tính mạng công nhân, cán bộ nhân viên, người lao động khi xảy ra mưa bão.
* Trực ban 24/7, theo dõi chặt chẽ tình hình
Chánh Văn phòng Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Vĩnh Long Lưu Nhuận cho biết, vừa có công văn yêu cầu các địa phương chủ động triển khai các biện pháp ứng phó với mưa lớn, dông lốc do ảnh hưởng của bão số 3 gây ra trên địa bàn.
Theo đó, Đài Khí tượng - Thủy văn tỉnh phối hợp các cơ quan chức năng thông tin kịp thời tình hình bão, cập nhật và đưa tin cảnh báo, dự báo diễn biến tình hình bão, mưa, để nhân dân kịp thời chủ động phòng, tránh, ứng phó.
Chủ đầu tư các dự án giao thông, xây dựng, thủy lợi, công thương... chủ động tổ chức kiểm tra đảm bảo an toàn các công trình, dự án đang trong quá trình thi công; đảm bảo vận hành an toàn cống Vũng Liêm, hạn chế ngập úng và sạt lở nội đồng khi mưa lớn kéo dài. Các ngành Quân đội, Công an thường xuyên duy trì lực lượng thường trực, phương tiện để thực hiện công tác cứu nạn, cứu hộ và bảo đảm an toàn, trật tự trị an trong mọi tình huống.
Các địa phương tăng cường kiểm tra, kiểm soát đảm bảo an toàn các phương tiện vận tải đường thủy, các bến đò ngang sông; tổ chức trực ban 24/7 theo dõi chặt chẽ tình hình và duy trì sẵn sàng lực lượng, phương tiện, trang thiết bị, thực hiện phương châm "4 tại chỗ" để chủ động phòng tránh, khắc phục kịp thời khi có tình huống xấu xảy ra.
Theo dự báo, bão số 3 hiện đã mạnh lên thành siêu bão, sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 16, giật trên cấp 17. Tỉnh Vĩnh Long đang chịu ảnh hưởng gián tiếp của cơn bão này. Ngoài ra, gió mùa Tây Nam đang có cường độ hoạt động mạnh, khả năng xảy ra mưa lớn diện rộng, kèm theo các hiện tượng thời tiết cực đoan như sét, lốc xoáy và gió giật mạnh trên địa bàn tỉnh.
Ông Lưu Nhuận cho biết thêm, mưa lớn kèm giông lốc ngày 4/9 đã làm 18 căn nhà của người dân và 2 cơ sở bị hư hỏng, làm bị thương 1 người. Mưa lớn còn làm đổ ngã nhiều cây xanh, trụ đèn chiếu sáng, cổng chào trên địa bàn tỉnh. Tổng thiệt hại ước trên 267 triệu đồng.
Chính quyền các địa phương đã phối hợp với đơn vị chức năng khẩn trương khắc phục hậu quả; huy động lực lượng tại chỗ hỗ trợ các hộ dân bị thiệt hại thu dọn, di dời đến nơi an toàn và sửa chữa, khắc phục các ngôi nhà bị hư hỏng nhẹ, giúp các hộ dân ổn định cuộc sống.
* Chủ động ứng phó với hoàn lưu bão
Nhằm bảo đảm an toàn tính mạng, hạn chế thấp nhất thiệt hại về tài sản cho người dân, tỉnh Tuyên Quang đang khẩn trương triển khai thực hiện các biện pháp chủ động ứng phó với hoàn lưu bão số 3.
Theo Chủ tịch UBND tỉnh Tuyên Quang Nguyễn Văn Sơn, tỉnh yêu cầu các sở, ban, ngành, địa phương tiếp tục thực hiện nghiêm việc chủ động ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai trên địa bàn; tổ chức theo dõi chặt diễn biến của hoàn lưu bão, mưa lũ, ngập lụt để chỉ đạo, triển khai ứng phó kịp thời, phù hợp tình hình cụ thể tại địa phương, bảo đảm an toàn tính mạng cho người dân.
Đồng thời, tỉnh khẩn trương kiểm tra, rà soát khu vực có nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất, tổ chức di dời ngay những hộ dân đang sinh sống tại nơi có nguy cơ cao đến nơi an toàn. Ngành chức năng tổ chức lực lượng canh gác, kiểm soát, hỗ trợ, hướng dẫn bảo đảm giao thông an toàn cho người và phương tiện, nhất là tại ngầm, tràn, khu vực ngập sâu, nước chảy xiết, khu vực xảy ra sạt lở hoặc có nguy cơ xảy ra sạt lở; kiên quyết không cho người, phương tiện qua lại nếu không bảo đảm an toàn...
Các địa phương sẵn sàng lực lượng, phương tiện, vật tư, trang thiết bị để xử lý khi có tình huống thiên tai xảy ra, tuyệt đối không để bị động, bất ngờ trong mọi tình huống. Các địa phương chủ động khắc phục kịp thời sự cố, đảm bảo giao thông trên trục chính và đảm bảo an toàn đối với khu khai thác khoáng sản, công trình đang thi công, sẵn sàng phương án bố trí lực lượng, phương tiện cứu hộ, cứu nạn nhằm tổ chức ứng cứu kịp thời khi có yêu cầu.
Bên cạnh đó, đảm bảo an toàn đê, kè nhất là vị trí xung yếu hoặc đang thi công, sẵn sàng tiêu úng bảo vệ sản xuất; kiểm tra, rà soát có biện pháp ứng phó, đảm bảo an toàn cho các hồ chứa xung yếu, nhất là hồ chứa đã đầy nước, hồ đang thi công; bố trí lực lượng thường trực 24/24 giờ để tiếp nhận, xử lý kịp thời mọi tình huống có thể xảy ra. Khi có thiên tai xảy ra, chủ động huy động lực lượng, phương tiện và sử dụng ngân sách dự phòng theo phân cấp hỗ trợ khắc phục thiệt hại, khôi phục sản xuất, ổn định đời sống nhân dân…
Để chủ động ứng phó với hoàn lưu cơn bão số 3 và đảm bảo an toàn công trình, ngày 4/9, Thủy điện Tuyên Quang mở cửa xả đáy số 2, với lưu lượng xả khoảng 2.000 m3/giây.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!