Trông trẻ online trong thời "nô lệ số"

Thế Hà-Thứ hai, ngày 30/11/2020 23:18 GMT+7

Nhiều bậc cha mẹ vô tư cho con xem và tiếp xúc với smart phone từ rất sớm

VTV.vn - Trong thời đại 4.0 như hiện nay, việc quản lý trẻ trên môi trường số đối với nhiều phụ huynh là một vấn đề khá nan giải.

"I Love You babe. Anh ơi, anh làm em muốn cởi...". Đây là nội dung lá thư, mà một phụ huynh ở TP.HCM đã lục thấy trong ngăn bàn học của con gái. Đáng nói, con gái chị đang học lớp 1. Khỏi phải nói, người mẹ đã sốc như thế nào. Nhất là sau khi gặng hỏi mới biết nguyên do xuất phát từ việc con gái chị và các bạn cùng lớp đã từng xem phim "đen" qua điện thoại thông minh.

Trông trẻ online trong thời nô lệ số - Ảnh 1.

Tờ giấy gây sốc trong ngăn bàn một bé gái lớp 1

Những hệ lụy đau lòng

Câu chuyện trên được Tiến sĩ Tâm lý học Lê Thị Linh Trang chia sẻ với chúng tôi, sau khi đã tư vấn và cùng người mẹ tìm các giải pháp cụ thể để hỗ trợ cô con gái.

Với sự xuất hiện ngày càng nhiều và trở thành vật bất ly thân với hầu hết người trưởng thành, điện thoại thông minh và các thiết bị kết nối như máy tính, laptop, máy tính bảng, TV kết nối internet... cũng dần dần trở thành thói quen hàng ngày của trẻ em thành phố.

Khác với người lớn, trẻ em, ngoài một số ít dùng vào mục đích học hành và tìm kiếm thông tin, thì chủ yếu là giải trí. Vấn đề là trên mạng hiện có rất nhiều nội dung không phù hợp nhưng trẻ em có thể dễ dàng tiếp cận.

Chỉ bằng một biện pháp tìm kiếm từ khóa đơn giản, trên YouTube có hàng loạt video clip dạy các trò ảo thuật thắt cổ bằng khăn voan, bằng thòng lọng, các hướng dẫn chế thuốc nổ, thậm chí cả các video dạy cách tự sát.

Tháng 11/2019, bé trai Đ.T.K (7 tuổi, ở huyện Nhà Bè, TP.HCM) đã làm theo trò "thắt cổ nhưng vẫn thở được" trên YouTube. Gia đình phát hiện bé treo cổ bằng chính chiếc khăn quàng đỏ, hai chân bé cách mặt đất một đoạn khá xa, người tím ngắt, ngất lịm. Do được phát hiện và cấp cứu kịp thời nên bé K đã may mắn giữ được tính mạng. Bé K cho biết đã nhiều lần xem trò chơi "chết đi sống lại" trên YouTube. Trong video đó, nhân vật hướng dẫn cách thắt cổ nhưng vẫn thở được và không chết nên bé đã làm theo.

Trông trẻ online trong thời nô lệ số - Ảnh 2.

Bé trai 7 tuổi, ở huyện Nhà Bè, TP. HCM phải nhập viện cấp cứu sau khi làm theo trò 'thắt cổ nhưng vẫn thở được" trên YouTube

Tương tự, một bé trai khác sau khi xem clip trên mạng đã bắt chước hành động siêu nhân nhện nên đập tay thật mạnh vào kính khiến tay bị đứt mạch máu. Rất may, các trường hợp trên đều được cấp cứu kịp thời. Nhưng nhiều trường hợp đau lòng khác đã xảy ra mà người lớn không có cơ hội sửa sai.

14h10 ngày 12/10, trong khi bố mẹ đi làm, một bé gái 5 tuổi ở TP.HCM đã học theo trò chơi trên YouTube bằng cách lấy một chiếc khăn voan buộc vào thành giường tầng trong phòng ngủ và tự treo cổ mình. Khi được người nhà phát hiện, bé đã rơi vào trạng thái bất tỉnh. Dù lập tức được đưa đi cấp cứu, nhưng cô bé đã mãi mãi không thể tỉnh lại.

Ngày 21/11, bé trai 8 tuổi V.P.L (Trảng Bom, Đồng Nai) được phát hiện trong nhà tắm trong tình trạng treo cổ bằng áo thun. Công an Đồng Nai cho biết, vào khoảng 20h30 cùng ngày, cháu L vào nhà vệ sinh để đi tắm. Nửa tiếng sau, không thấy cháu ra khỏi nhà vệ sinh và gọi không thấy trả lời, mẹ cháu nhờ người phá cửa nhà vệ sinh thì thấy cháu L treo lơ lửng ở sát tường, cổ quấn áo thun đang mặc, cổ áo móc trên móc treo quần áo. Gia đình đưa cháu L đi cấp cứu nhưng bé đã tử vong trước đó.

Trả lời phỏng vấn trực tiếp phóng viên VTV, chị N.T.H.M, mẹ cháu bé cho biết: cháu thường xem các video clip "thử thách Momo" trên mạng. Trong đó trò treo mình lên cành cây, móc áo đã được cháu làm nhiều lần, bằng chứng là sau này khi kiểm tra quần áo cháu thường mặc, gia đình phát hiện có rất nhiều vết thủng trên áo thun, trùng khớp với vết móc lên cành cây hoặc móc treo quần áo trong nhà.

Dạy con "sống chung" với thiết bị số

"Đây không phải hiện tượng, đây là một vấn đề xã hội nghiêm trọng cần được cảnh báo". Tiến sĩ, bác sĩ Lê Minh Thuận, Trưởng khoa Tâm lý học lâm sàng, BV Quận 2, TP.HCM khẳng định. Bác sĩ Thuận là người có nhiều công trình nghiên cứu về vấn đề này. Ông cho biết, trên thế giới, cứ 5 trẻ thường xuyên sử dụng smartphone sẽ có 1 trẻ bị nghiện. Tỷ lệ trầm cảm, tâm thần ở các trẻ này sẽ tăng cao gấp 3 lần bình thường.

Trông trẻ online trong thời nô lệ số - Ảnh 3.

Trường "cai nghiện" thiết bị điện tử cho thanh thiếu niên ở TP.HCM

"Trẻ con luôn hiếu động, thích tìm hiểu. Các video clip trên mạng thường là những đoạn phim ngắn, có hình ảnh âm thanh sinh động, rất phù hợp và kích thích não bộ của trẻ. Nhất là với trẻ ở độ tuổi 7 - 8 tuổi, đó là lúc phát triển mạnh về trí tưởng tượng, trẻ sẽ có rất nhiều ham muốn thử nghiệm và thích thú với điều đó". Bác sĩ Thuận lý giải: "Hiểu một cách đơn giản, nguyên lý chỉ cắt nguồn tác động. Nghĩa là không cho trẻ tiếp cận các nội dung này nữa. Nhưng thực tế không đơn giản như vậy. Trong thời đại 4.0, thiết bị số quá phổ biến và gần như không thể tách rời đời sống của cha mẹ, người thân của bé. Vì vậy phải có các quy định, cho trẻ sử dụng với mục đích cụ thể, có định hướng, và có liều lượng phù hợp. Trong 1 ngày được phép xem bao lâu, xem những gì, và kiên quyết thực hiện".

Theo Tiến sĩ tâm lý Lê Thị Minh Trang, cùng với sự phổ biến của thiết bị, sự xuất hiện ngày càng nhiều của các nội dung trên mạng mới là nguyên nhân chính. Hiện tượng nào cũng có sự khởi đầu của nó và chúng ta đang chứng kiến sự khởi đầu đó. Nếu không có sự can thiệp kịp thời để ngăn chặn, sắp tới, những câu chuyện đau lòng này sẽ càng nhiều hơn.

Nếu mình chỉ đổ lỗi cho phương tiện không thì không phải, điều quan trọng là sự quan tâm của cha mẹ với con cái. Ngoài việc "để mắt" đến con theo nghĩa đen còn cần sự quan tâm giáo dục hướng dẫn cho con những lựa chọn, quan điểm, lối sống. Khi trao chiếc điện thoại thông minh cho con, phải hướng dẫn trẻ lựa chọn xem nội dung gì, chơi trò chơi gì. Việc dẫn đến các hành vi tự làm tổn thương mình như chúng ta vừa đề cập, không phải chỉ trong một thời khắc, ngay khi trẻ xem đã bắt chước. Đó là cả một quá trình. Vậy quá trình đó, người lớn ở đâu mà không biết trẻ đã xem những gì, đã thực hành những gì và đặc biệt là những diễn biến tâm lý của trẻ.

"Muốn biết con mình có lên cân hay không rất dễ, nhưng muốn biết diễn biến tâm lý của con phải có quan sát, theo dõi, trò chuyện và cảm nhận và chỉ bằng việc nhìn thấy con hàng ngày thì chưa đủ", nữ tiến sĩ tâm lý nhấn mạnh.

Lấy một ví dụ cụ thể, Tiến sĩ Trang dẫn lại câu chuyện đã kể ở phần đầu. Sau khi phát hiện con gái viết những nội dung gây sốc trong hộc bàn. Người mẹ quyết định tìm đến các chuyên gia tâm lý và có cả một "chiến dịch" hỗ trợ, đồng hành với con gái. Sau một thời gian, cô bé đã mê vẽ tranh, tham gia các hoạt động sôi nổi cùng bạn bè và thường xuyên tâm sự mọi điều với mẹ.

Tiến sĩ Lê Thị Linh Trang chia sẻ thêm với các bậc phụ huynh: "Ngăn chặn những nội dung độc hại đến với con là điều quan trọng. Nhưng ứng xử ra sao khi phát hiện con đã lỡ tiếp xúc và có những biểu hiện lệch lạc cũng quan trọng không kém. Phần lớn, cha mẹ sẽ tìm cách xử lý chứ không hỗ trợ. Xử lý nghĩa là mắng mỏ, cấm đoán, trừng phạt. Nhưng thực ra đó là lúc đứa trẻ cần hỗ trợ nhất, cha mẹ nào cũng nói: Có chuyện gì hãy nói với bố mẹ ngay nhé. Nhưng khi xảy ra chuyện thì cha mẹ chỉ mắng trẻ. Vậy làm sao lần sau đứa trẻ dám vô tư trải lòng, làm sao nắm bắt được hết những vấn đề đáng lưu tâm trong muôn vàn vấn đề trẻ gặp mỗi ngày?".

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước