Hết vòng loại World Cup lại tới EURO, hàng triệu người dân Việt Nam đang sống trong không khí những ngày "ăn bóng đá, ngủ bóng đá". Tuy nhiên, không phải ai trong số này, cũng được "ăn ngon" và "ngủ kỹ"….
Giờ thì người hâm mộ nước nhà có quyền mơ tới những điều kỳ diệu lớn lao hơn trên con đường phía trước của thầy và trò HLV Park Hang Seo. Thế nhưng, trận chiến càng khốc liệt, càng phải biết mình là ai, và nếu có đang quá say mê giấc mơ này thì có lẽ cũng đã đến lúc ta cần giật mình tỉnh giấc 1 chút.
Thực tế thì giấc mơ WC của tuyển Việt Nam vẫn chưa viết được 1 nửa và hành trình phía trước là quá gian nan. Chúng ta còn vòng loại thứ 3 với top 12 đội mạnh nhất châu Á, còn trận play-off với đội đứng 3 của bảng còn lại và trận play-off với một đối thủ đến từ liên đoàn khác để tranh suất World Cup. Tóm lại, theo hãng thống kê We Global, tuyển Việt Nam ở nhóm cuối bảng và chỉ có xác suất khoảng 4,44% để đi tới tận cùng hành trình này mà thôi.
Thế có nghĩa, trong những trận đấu tới, đội bóng của chúng ta có thể bị đè bẹp bất kỳ lúc nào. Chẳng có đội bóng nào trong Top12 kia lại khiếp sợ 1 đội nhóm cuối bảng cả. Nhưng nói không ai sợ thì cũng chưa hẳn là chính xác. Vẫn có người sợ, thậm chí còn rất sợ là đằng khác...
Văn hóa ứng xử trên MXH: Nỗi sợ của nhiều người
Chẳng ai khác, nỗi sợ đó thuộc về những ông vua áo đen của sân cỏ. Như một thói quen của cộng đồng mạng, cả loạt trang antifan nhắm tới trọng tài lập tức xuất hiện, ngay cả khi bóng còn chưa kịp lăn.
Trên sân, 2 đội tìm kiếm bàn thắng - trên mạng người ta đua nhau lùng sục facebook của trọng tài. Cả những trang fanpage lớn của bóng đá khu vực và FIFA cũng bị xới tung. Bóng lăn đến đâu, cả nghìn tin nhắn, bình luận tuôn ra đến đó. Từ tin nhắn cảnh cáo, nhắc nhở đến đe doạ, xúc phạm.
Có lẽ thời gian tới, với những trận đấu có đội tuyển Việt Nam tham gia, FIFA cần thêm 1 khoá huấn luyện để trọng tài có thể tự bảo vệ mình trên mạng xã hội. Bởi nếu không, như trọng tài Ali Sabah - người bắt chính trận Việt Nam - UAE, khi bị nhấn chìm trong làn sóng bình luận bằng tiếng Việt và tiếng Ả Rập nhờ Google dịch, vị "vua áo đen" chỉ còn biết thốt lên yếu ớt thế này trên trang facebook của mình: "Tôi bị xúc phạm bởi những bình luận của người hâm mộ Việt Nam. Mặc dù tôi đã thổi phạt đúng luật nhưng họ vẫn chửi bới và xúc phạm tôi, thậm chí họ còn đòi giết tôi. Tôi cần cơ quan pháp luật giúp giải quyết việc này".
Cách ứng xử của một bộ phận các CĐV trên mạng có thể coi như 1 trận thua nữa của tuyển Việt Nam trong chiến dịch vòng loại thứ 2 World Cup 2022 vừa qua.
Câu chuyện này không mới, cách đây hơn 1 năm, trên sóng Chuyển động 24H đã từng có 1 tin tức nói về việc Việt Nam thuộc top 5 nước có mức độ văn minh trên không gian mạng thấp nhất thế giới. Để cải thiện thứ hạng không mong muốn này, mới đây, Bộ Thông tin và Truyền thông đã có quyết định chính thức về việc ban hành Bộ Quy tắc ứng xử trên mạng xã hội, trong đó đặc biệt cấm hành vi đăng tải những thông tin sai sự thật, thông tin xúc phạm danh dự, nhân phẩm người hoặc tổ chức khác. Nhưng, thế nào là tin giả, tin xúc phạm danh dự người khác? Nếu cứ mơ thấy điều gì đó rồi chia sẻ lên mạng xã hội thì có vi phạm Bộ Quy tắc ứng xử này hay không? - Vâng, ranh giới vi phạm hay không này sẽ được quyết định bởi việc: thông tin kia có ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của các tổ chức, cá nhân khác hay không.
Độc giả có thể nhìn vào 1 câu chuyện đã diễn ra cách đây hơn 1 tháng về cồn khô và trang Facebook Hà Nội Phố để hiểu rõ hơn. Chuyện rằng: gọi "cồn khô" là "nến" cũng được, nhưng Hà Nội mới chỉ tạm dừng hoạt động các quán ăn đường phố, cà phê, trà đá vỉa hè mà lại nói là "Phong Toả" để nhiều người phải hoang mang thì rõ ràng là vi phạm rồi.
Sự ám ảnh của "bóng ma" cá độ bóng đá
Lại nói về những chiến dịch, để có chiến thắng cuối cùng thì có những trận đấu quan trọng không được phép thua. Ví dụ như vai trò của trận chiến chống lại sự cám dỗ của nạn cá độ đỏ đen trong chiến dịch bảo vệ hạnh phúc gia đình chẳng hạn.
Mới đây, mạng xã hội xuất hiện một đoạn video quay lại cảnh một người chồng quỳ gối cầu xin vợ tha thứ dưới sân một khu chung cư. Từ cuộc nói chuyện giữa hai vợ chồng, có thể biết được rằng: anh chồng này đã đi cá độ bóng đá rất nhiều lần, thậm chí là vay nợ không ít để nuôi cơn nghiện cá độ của mình. Đến khi thua, bị chủ nợ đòi tiền, mới quay lại cầu xin vợ để gỡ thế khó. Người vợ thì khá dứt khoát, từ câu từ, khẩu khí đến ngôn ngữ hình thể.
- Người vợ: "Chúng nó đánh anh chết tôi cung kệ anh, bao nhiêu tiền của rồi, anh ném vào cá độ bóng đá thế à…
Nghiện cá độ là dở rồi. Sau khi đoạn clip này được chia sẻ rộng rãi trên nhiều diễn đàn, đã có ý kiến cho rằng, đây chỉ là 1 video dàn dựng mà thôi. Nhưng ngay cả khi nó không phải là 1 tình huống thật, chúng ta cũng cần cảm ơn ekip đã thực hiện đoạn clip này, bởi họ đã tạo ra 1 sản phẩm gây được sự chú ý và cảnh bảo về một thực trạng có thật, luôn tồn tại mỗi mùa bóng lăn.
Tại TPHCM, 1 đường dây cá độ hoạt động từ tháng 6/2019 với tổng số tiền giao dịch khoảng 1.500 tỷ đồng vừa bị triệt phá. Riêng Chung kết Euro đang diễn ra, các đối tượng này đã thu lợi bất chính 240 triệu đồng. Tại hiện trường, lực lượng Công an cũng thu giữ nhiều loại súng đạn, đao kiếm, mã tấu mà các đối tượng luôn mang theo mỗi khi đi thu hồi nợ. Còn tại Nghệ An, 1 đường dây cá độ bóng đá hơn 1000 tỷ đồng cũng vừa bị đột kích, bắt quả tang. Chỉ riêng ngày khai mạc EURO, 38 tỷ đồng đã chảy qua đường dây cá độ này.
Cờ bạc là bác thằng bần. Chẳng ai thích thằng bần cả, nhưng bác nó lại là nguyên nhân sản sinh ra adrenalin - một loại hoóc-môn có thể gây nghiện. Vậy nên cũng giống như nghiện ăn, nghiện uống rượu và nghiện shoping ... trong cuộc đấu với bác thằng bần, thì tốt nhất là nên nói không ngay từ đầu.
Trận chiến chống COVID-19: Cuộc đối đầu không được phép thua
Thêm một chiến dịch nữa mà chúng ta không nên có bất kỳ một trận thua nào. Chính là công tác đẩy lùi dịch bệnh. Thời điểm này, với hàng chục ca mắc mới mỗi ngày, TPHCM đang tính tới việc cách ly tại nhà để giảm tải cho các điểm cách ly tập trung.
Lúc này, ngoài việc quy trình cách ly tại nhà cụ thể như thế nào thì thắng thua trong trận này sẽ phụ thuộc phần nhiều vào ý thức của người tự cách ly. Đây cũng là biến số khó kiểm soát nhất.
Bởi như tại Bắc Ninh, ngay khi dịch bệnh vẫn còn nhiều diễn biến, thì lực lượng chức năng vẫn phải hàng ngày đi tới từng con ngõ, góc phố để nhắc nhở, thậm chí là xử phạt những trường hợp rủ nhau đi tập thể dục như thế này
Chúng ta đã khiến cả thế giới phải nể phục vì cách làm và thành quả chống dịch trong suốt thời gian qua. Nay ta đang đứng trước nhiệm vụ quan trọng tiếp theo, đó là hoàn thành việc tiêm chủng cho hơn 70 triệu người dân, hướng tới việc đạt miễn dịch cộng đồng qua một chiến dịch tiêm chủng lớn nhất trong lich sử. Hơn lúc nào hết, đây là thời điểm mà mỗi người cần vì mọi người. Chỉ có "Ý chí Việt Nam mới làm nên sức mạnh diệu kì" - như thông điệp trong MV mới đây mà VTVdigital đã thực hiện cùng sự tham gia của hơn 70 nghệ sỹ từ Bắc tới Nam. Mục điểm tuần hôm nay cũng xin được khép lại với những giai điệu truyền cảm hứng của MV ý nghĩa ấy.
Tiêu điểm Chuyển động 24H: Thua 1 trận Thắng cả chiến dịch?
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!