Trẻ vị thành niên phạm tội - Vì đâu nên nỗi?

VTV Digital-Thứ tư, ngày 24/04/2024 19:47 GMT+7

VTV.vn - Hàng loạt vụ án liên quan đến trẻ vị thành niên xảy ra thời gian gần đây, từ gây rối trật tự, đua xe, đánh võng đến cướp đoạt tài sản hay nghiêm trọng hơn là giết người.

Nhận thức chưa đầy đủ về pháp luật

Theo số liệu thống kê từ Bộ Công an, trung bình mỗi năm, cả nước có khoảng 13.000 trường hợp người chưa đến tuổi thành niên vi phạm pháp luật, trong đó có tới 70,3% đối với người từ 16 đến dưới 18 tuổi. Các tội danh chủ yếu là: tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác; trộm cắp tài sản và gây rối trật tự công cộng.

Việc hiểu rõ cái giá phải trả sẽ là rào cản quan trọng đầu tiên ngăn cản những hành động sai trái. Tuy nhiên trong thực tế, rào cản đầu tiên này lại chưa thể hiện được vai trò trong nhiều vụ việc trẻ vị thành niên phạm tội.

Trẻ vị thành niên phạm tội - Vì đâu nên nỗi? - Ảnh 1.

Trung bình mỗi năm, cả nước có khoảng 13.000 trường hợp người chưa đến tuổi thành niên vi phạm pháp luật. (Ảnh: NLĐ)

"Trong một số vụ việc mà tôi tham gia, khi tòa tuyên án bị cáo là người chưa thành niên, thái độ của các bị cáo khi nhận án phạt tù rất bình thường. Họ vẫn vui cười, nói chuyện", Luật sư Nguyễn Huy An, Đoàn Luật sư TP Hà Nội, cho biết.

"Việc thiếu hiểu biết pháp luật của các cháu có thể gây ra hậu quả rất là lớn, ví dụ như trường hợp các cháu tham gia gây rối trật tự công cộng cũng rất dễ dẫn đến việc phạm phải những tội khác như cướp tài sản, hủy hoại tài sản, thậm chí có những trường hợp gây hậu quả nghiêm trọng là hành vi giết người", Trung tá Ngô Ngọc Nam, Đội trưởng Đội Cảnh sát Hình sự, Công an quận Hà Đông, Hà Nội, cho hay.

"Hành vi bây giờ đang xảy ra rất nhiều đó là hiện tượng các thanh, thiếu niên tìm đối tượng cùng tuổi để đánh nhau. Đối tượng người bị hại chạy, chạy với tốc độ rất nhanh và dẫn đến chết người thì họ tư duy rằng nó tự ngã, tôi không chạm vào nó, không đánh nó mà nó tự chạy nhanh, tự ngã như vậy là nó tự chết chứ không phải là do tôi gây ra. Đó là một quan điểm cần phải đưa ra cho mọi người hiểu rằng, với các hành vi sử dụng phương tiện xe máy, hung khí đuổi nhau trên đường dẫn đến bên chạy tai nạn chết người thì hành vi đó có thể truy tố về tội giết người", Luật sư Nguyễn Huy An cho biết thêm.

Khoảng cách giữa con cái và bố mẹ

Như vậy, lý do đầu tiên cho tình trạng thanh thiếu niên vi phạm pháp luật là do vấn đề giáo dục pháp luật chưa chạm đến các em. Cụ thể, ở cả trường học và gia đình, chưa có nhiều người nói cho các em hiểu những nội dung như: thế nào là những hành vi phạm tội mà các em có thể gặp, đâu là tình huống nằm ở ranh giới dễ dẫn đến hành vi phạm tội, hay đơn giản nhất đi tù là thế nào?

Ý thức đến trước, hành vi là thứ theo sau, khi còn chưa hiểu những điều cơ bản về pháp luật, các em lại quá dễ dàng để tiếp cận với những từ khóa sai lệch tràn lan trên mạng xã hội như: dằn mặt, thị uy, giang hồ, tình nghĩa anh em... khi vẫn còn những thanh niên hâm mộ và gọi giang hồ mạng là "Thầy", lúc đó vẫn còn nguy cơ của những hành vi phạm pháp.

Ngoài ra, lý do thứ hai là một điểm chung khi phóng viên xem lại tư liệu về các vụ trấn áp những nhóm thanh niên gây rối trật tự công cộng.

Khoảng cách giữa con cái và bố mẹ

"Em có suy nghĩ hơi bồng bột với không kiểm soát được cảm xúc với hành động của mình. Bố mẹ em ly thân", một tội phạm vị thành niên cho biết.

"Từ trước em ít nói chuyện với bố mẹ, bố mẹ hay đi làm, không để ý đến em, không hỏi han nên em nghĩ bố mẹ bỏ rơi mình, không còn yêu thương mình và em rơi vào tệ nạn xã hội", một bạn gái chia sẻ.

"Nói chung là bọn em quản lý không chặt chẽ, sểnh ra là nó đi. Còn mình đi làm về mệt, nó đi chơi mình cũng không biết được. Ở nhà bố mẹ bảo gì làm là làm, ngoan, đến giờ đi học về là về, nhưng bạn bè rủ đi là đi, bố mẹ nói thì cãi, không biết thế nào mà lần", phụ huynh của tội phạm vị thành niên cho hay.

Mỗi đứa trẻ là tấm gương phản chiếu của cha mẹ. Từ thói quen hàng ngày, tới cách nghĩ, cách làm, cách phản ứng với cuộc sống của các bậc phụ huynh, đó mới là thứ ảnh hưởng tới con em mình nhiều nhất.

Đứa trẻ nào cũng có ước mơ trở thành người tốt

Những đứa trẻ làm sao có thể giải quyết mâu thuẫn một cách ôn hòa khi chính người nhà lại ủng hộ việc "dùng bạo lực để giải quyết vấn đề" như câu chuyện đau lòng xảy đến với cậu học sinh lớp 8 tại một sân bóng rổ ở Hà Nội những ngày cuối tháng 3 vừa qua. Những phụ huynh cần phải xem lại chính mình ở điểm này, nhưng thay đổi chưa bao giờ là muộn. Muốn thay đổi một con người, trước tiên phải thay đổi môi trường tiếp xúc với con người ấy.

"Trước kia, em có trốn học, bỏ nhà và hút thuốc lá điện tử bị bố mẹ bắt gặp", em Vũ Thị Hà My, Học sinh Trường Trung học phổ thông IVS, chia sẻ.

"Lúc đấy em có suy nghĩ là em háo thắng, em luôn nghĩ mình là số 1, là duy nhất nên em luôn đi bắt nạt và đánh đập các bạn khác", em Đỗ Gia Khánh, học sinh Trường Trung học phổ thông IVS, bày tỏ.

Đều xuất phát từ những đứa trẻ hư, nghịch ngợm và cá biệt mới chỉ có 14, 15 tuổi, 2 em được gia đình gửi gắm vào ngôi trường đặc biệt này, đã từng có những suy nghĩ và hành động bất đồng, nghĩ lại chỉ còn là hối hận.

"Trước đây, em luôn nghĩ mình vô dụng, bố mẹ sẽ không tự hào về mình. Hối hận, em đã khóc rất nhiều. Em đã khiến mẹ em phải buồn và khóc. Mục tiêu của em là sẽ trở thành giáo viên dạy môn võ này, mỗi lần tập xong em tự tin và làm niềm tự hào của bố mẹ", em Đỗ Gia Khánh cho hay.

"Chưa đủ 3 tháng, em khóc rất nhiều vì nhớ bố mẹ. Sau 3 tháng em gọi cho bố mẹ và nói chuyện, kể về việc mình rất hối hận khi mình đã sa đọa vào con đường không đúng đắn. Em biết trân trọng hơn, biết yêu thương bố mẹ hơn", em Vũ Thị Hà My chia sẻ thêm.

Mỗi năm đón 400 học sinh cá biệt đến theo học tại trường. Theo cô giáo Lã Thị Oanh, tuổi vị thành niên là độ tuổi rất dễ bị ảnh hưởng bởi các yếu tố môi trường từ gia đình, nhà trường và xã hội. Phát hiện và giúp các em học sinh tìm kiếm năng lực của bản thân là điều nhà trường đang hướng tới.

"Những học sinh có biểu hiện nghịch ngợm, phá phách, có đặc điểm về tính cách khác với những bạn còn lại thường được gắn mác là học sinh cá biệt và đôi khi có cái nhìn không thiện cảm đối với những học sinh này. Khi không nhận được sự ủng hộ từ gia đình, hoặc mọi người thì các con dễ trở nên cáu gắt, đi ngược lại những chuẩn mực của gia đình và xã hội. Nhà trường đã và đang áp dụng phương pháp cá thể hóa dựa để giúp các con khám phá được bản thân mình", cô giáo Lã Thị Oanh - Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông IVS, cho biết.

Dù đã từng trải qua những việc làm sai trong quá khứ, nhưng một môi trường tốt đã giúp các em phát huy được khả năng của bản thân và xây dựng được những mục tiêu tốt đẹp để phấn đấu trong tương lai.

Triệu tập nhóm 18 thanh thiếu niên điều khiển xe lạng lách, đánh võng Triệu tập nhóm 18 thanh thiếu niên điều khiển xe lạng lách, đánh võng

VTV.vn - Chiều 13/4, Công an huyện Bình Lục (Hà Nam) đã phối hợp xác minh, điều tra làm rõ nhóm 18 thanh thiếu niên tụ tập điều khiển xe mô tô tốc độ cao, lạng lách, đánh võng.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước