Nhằm động viên khuyến khích sự cố gắng của học sinh tham gia các hoạt động bảo vệ thiên nhiên và tìm hiểu trực quan về các loại cây thảo dược có tác dụng thay thế cho mật gấu, Ban tổ chức công bố Lễ trao giải Trồng cây bảo vệ gấu 2020.
Trước đó, vào ngày 24/11/2018, Ban tổ chức đã phát động cuộc thi "Tìm hiểu và sưu tầm các cây thảo dược bảo vệ gấu", kêu gọi các em nhỏ hãy tìm hiểu thêm về các loài cây thuốc thay thế mật gấu, góp phần bảo vệ gấu và môi trường xanh, sạch, đẹp. Cuộc thi này còn khuyến khích các em học sinh cùng gia đình tái chế nhựa thành những vật dụng có ích. Lễ trao giải được thực hiện vào dịp Giáng sinh – lễ hội yêu thích của trẻ em toàn thế giới, với mong muốn tích hợp các chương trình học tập – tìm hiểu văn hóa và môi trường, bảo vệ động vật một cách sinh động tạo hứng khởi cho trẻ em.
Chương trình có sự tham dự của các đại biểu từ Chi cục Kiểm lâm Hà Nội, UBND huyện Phúc Thọ, xã Phụng Thượng, Phòng Giáo dục Huyện cùng trao các giải thưởng cho toàn bộ học sinh tham gia lễ hội. Nhằm đảm bảo an toàn phòng chống dịch COVID–19, Ban Tổ chức cung cấp khẩu trang, nước sát khuẩn cho toàn bộ học sinh và khách mời.
Có tất cả 327 giải thưởng được trao cho toàn bộ học sinh nhà trường, trong đó có 96 giải nhất, 98 giải nhì, còn lại là giải khuyến khích. Tất cả giải thưởng đều được bọc trong túi giấy tái chế, và là những món quà xinh xắn động viên các em nhỏ nhân dịp Giáng sinh cận kề.
Mỗi trẻ em mang cây đến lễ hội sẽ được dán sticker đảm bảo đó đúng là cây thuộc danh mục các cây thuốc, vị thuốc thay thế cho việc sử dụng mật gấu, đã được Trung ương hội Đông Y biên soạn, và phát hành. Học sinh ghi tên cây, thông điệp bảo vệ loài gấu - không sử dụng mật gấu và khuyến khích các giải pháp thay thế an toàn cho việc dùng mật gấu.
Cuộc thi là một cơ hội để học sinh và gia đình cùng tìm hiểu về vấn đề bảo vệ gấu và cách để dần chấm dứt việc sử dụng mật gấu bởi ban tổ chức chương trình khuyến khích các em về nhờ sự giúp đỡ của cha mẹ để cùng tái chế những chai/hộp thành chậu cây cũng như sưu tầm đúng cây thuốc, trồng và chăm sóc một cây khỏe mạnh. Việc này thực sự không dễ dàng, nhất là với học sinh lớp 1, lớp 2.
BTC giới thiệu về Lễ hội.
Màn trình diễn thời trang từ vật liệu tái chế của các em học sinh trong Lễ trao giải.
BTC trao giải thưởng cho các em học sinh.
Qua Lễ hội, các em nhỏ hãy tìm hiểu thêm về các loài cây thuốc thay thế mật gấu.
...qua đó góp phần bảo vệ gấu và môi trường xanh, sạch, đẹp.
Các em học sinh trồng cây ngay tại sân vườn của trường.
Từ năm 2016 tới nay, với sự phối hợp của Chi cục Kiểm lâm Hà Nội, UBND xã Phụng Thượng, Huyện Phúc Thọ, Tổ chức Động vật châu Á đã cùng với với Hạt kiểm lâm Đan Phượng, UBND xã Phụng Thượng và Hội Đông y Trung ương thực hiện nhiều đợt tuyên truyền nâng cao nhận thức người dân trên địa bàn xã Phụng Thượng bảo tồn loài gấu thông qua các chương trình như tư vấn sức khỏe miễn phí đông y cho bà con, hỗ trợ hai trường tiểu học xây dựng vườn thuốc thảo dược trồng các cây thảo dược có tác dụng thay thế cho mật gấu, tổ chức các cuộc thi kêu gọi các em học sinh tham gia trồng cây thảo dược bảo tồn loài gấu, hỗ trợ làm đẹp vẽ tranh trang trí, gắn áp phích một số bức tường trên địa bàn xã và trường học…
Tổ chức Động vật châu Á tin tưởng với việc bền bỉ vận động, tuyên truyền, đơn vị sẽ sớm cứu hộ thêm được nhiều cá thể gấu ngựa trên địa bàn. Tháng 10 vừa rồi, nhờ sự vận động tích cực trong nhiều năm tới nhiều tầng lớp người dân một cách thân thiện và thuyết phục, Tổ chức Động vật châu Á đã phối hợp với Chi cục Kiểm lâm Hà Nội cứu hộ thành công một cá thể gấu ngựa tại địa bàn huyện Phúc Thọ, đặt tên là Uno.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!