Trân trọng giá trị Tết xưa và nay

Ban Thời sự-Thứ bảy, ngày 10/02/2024 11:30 GMT+7

VTV.vn - Tết là thời điểm sum họp, đoàn viên, cũng là những khoảnh khắc hoài niệm để yêu thương và trân trọng hơn cuộc sống.

Những giai điệu của Mùa Xuân đầu tiên, ca khúc của nhạc sỹ Văn Cao viết về mùa xuân đầu tiên nước nhà được thống nhất vẫn mãi đi cùng năm tháng, nhiều người mỗi khi nghe bài hát này lại cảm động và bồi hồi nhớ về Tết xưa.

Buổi sáng mồng 1 Tết là những thời khắc thiêng liêng nhất đối với mỗi người, mỗi gia đình, đất trời chuyển mình, hoa lá, cỏ cây tràn ngập hương sắc Xuân. Tạm gác lại những lo toan cuộc sống, những ưu phiền, mồng 1 Tết là sum vầy và hy vọng.

Kỷ niệm về Tết thời xưa đã trở thành một phần ký ức không bao giờ phai trong tâm trí nhiều người.

Tết xuân Bính Tuất năm 1946, người dân đón Tết cổ truyền đầu tiên của nước nhà độc lập. Mùa Xuân đầu tiên ấy, thời khắc giao thừa thiêng liêng, nhiều gia đình đều trân quý khoảnh khắc này.

Tết Quý Sửu năm 1973, Tết hòa bình nhiều cảm xúc không thể quên với biết bao người. Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh ở Việt Nam được ký chính thức. Người Hà Nội, người dân miền Bắc đón Tết với niềm vui mừng khôn tả. Lâu lắm rồi mới thấy dòng người đi sắm Tết xếp hàng dài.

Tết là những gói mì chính, miến, mứt, chai rượu Việt… Chợ Hoa Hàng Lược trong dòng người đông đúc ngày cuối năm. Người cầu kỳ chơi đào, thủy tiên, còn không mua lay ơn, thược dược, đồng tiền kép, lay ơn bằng nhựa.

Trong dòng người người ở chợ hoa Hàng Lược hôm nay. Hơn 50 năm trôi qua, bà Thành (phường Hàng Gai, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội), một cô gái Hà Thành trong đoàn quân trở về Thủ đô ngày nào đã hơn 70 tuổi. Nhiều thế hệ trong gia đình bà có vẫn có thói quen mua hoa thủy tiên về chờ đón giao thừa.

"Mùi hương thơm của hoa thủy tiên quện với mùi hương của trầm toát lên không khí trang nghiêm, tĩnh mịch, làm người ta nhớ đến cội nguồn tổ tiên", bà Nguyễn Thị Thành, phường Hàng Gai, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội, chia sẻ.

Trân trọng giá trị Tết xưa và nay - Ảnh 1.

Câu chuyện ngày đầu năm mới luôn có ký ức của những ngày Tết thời bố mẹ, ông bà. (Ảnh minh họa - Ảnh: Dân trí)

Không gian yên bình, tĩnh lặng trong ngày đầu năm mới giúp mỗi người hiểu, trân trọng hơn giá trị những ngày Tết cổ truyền thiêng liêng. Tết dù xưa hay nay, dù của những ngày gian khó hay đủ đầy đều tràn đầy tình yêu thương. Tết là tri ân, tri ân ông bà tổ tiên, tri ân cuộc sống quý gia mình đang có.

Năm nào cũng vậy, 4 thế hệ nhà ông Quang (phường Hàng Gai, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) sẽ cùng hẹn nhau trở về ngôi nhà của bố mẹ ông ngày xưa.

Cụ Thành đã gần 100 tuổi. Căn nhà nhỏ bao năm vẫn được bà giữ nguyên vẹn. Trang trí nhà cửa, nấu món ăn Tết, duy trì nếp sinh hoạt có từ thời ông bà bố mẹ để giáo dục và gìn giữ không khí ngày Tết cổ truyền cho con cháu. Câu chuyện ngày đầu năm mới luôn có ký ức của những ngày Tết thời bố mẹ, ông bà.

Những giai điệu mùa Xuân

Nhớ về Tết không chỉ là những hạt mưa Xuân, hoa lá khoe sắc, mà còn là hương vị mùi già, hương vị của bánh chưng và những giai điệu Tết.

Ca khúc "Mùa Xuân đầu tiên" của nhạc sĩ Văn Cao cách đây gần 50 năm. Đó chính là niềm mơ ước về một mùa Xuân vĩnh hằng, một mùa Xuân mà dân tộc đoàn tụ, nước nhà độc lập, bỏ qua mọi khổ đau quá khứ để có thể sống hòa bình và yêu thương nhau.

Mùa Xuân làng lúa làng hoa, ca khúc đã gắn với giọng hát Thanh Hoa suốt nhiều năm tháng. Năm nay 76 tuổi, giọng hát bà vẫn tràn đầy cảm xúc như ngày đầu tiên hát về bức tranh đồng quê hoa và lúa của Hà Nội. Giai điệu mỗi khi vang lên lại làm cho nhiều người không khỏi xôn xao, náo nức. Đây là ca khúc gắn với những ký ức mãi đi cùng năm tháng.

Tết vùng miền

Tết Nguyên đán cũng mang đậm dấu ấn riêng của từng vùng đất, từng dân tộc. Văn hóa, phong tục của 3 miền trong ngày Tết cổ truyền Việt Nam luôn có sự khác biệt từ ăn mặc, vui chơi, sinh hoạt, lễ hội…

Tuy có những đặc điểm khác biệt và những nét độc đáo riêng, nhưng mùa Xuân ở khắp các vùng miền đất nước đều hướng về những giá trị truyền thống tốt đẹp nhất: tri ân tổ tiên, hướng về quê hương, sum họp đoàn tụ bên gia đình. Những giá trị xưa, những nét đẹp truyền thống vẫn đang được kế thừa và tiếp nối.

Tết là con đường trở về với chính mình, với gia đình và với quê hương. Những sự khác biệt về văn hóa Tết chủ yếu do tính chất địa lý, khí hậu của vùng miền khác nhau.

Dưa hấu, cúc mâm xôi, cành mai vàng… là những hình ảnh không thể thiếu trong cái Tết của người miền dân Nam và miền Trung.

Tết ở miền Trung thời tiết se lạnh vào buổi sáng, ấm áp khi nắng lên nên các loại hoa đua nhau khoe sắc, nhiều nhất là cúc vạn thọ. Hoa chưng trong nhà có mai miền Nam và đào miền Bắc.

Tết đến, đa số các gia đình ở miền Trung dù thế nào cũng vẫn sắm sửa mấy chậu vạn thọ chưng trước cửa nhà, bởi theo họ vạn thọ tượng trưng cho sự trường thọ, cầu mong cha mẹ, ông bà sống lâu với con cháu. Mâm ngũ quả của các gia đình miền Trung thường có chuối, mãng cầu, sung, dừa, đu đủ…

Tết ở miền Nam, trên mâm cỗ thường có 3 món chính: bánh tét, bánh tráng và thịt kho tàu. Với người miền Nam, bánh tét chính là hình ảnh tượng trưng cho sự no ấm từ đời này qua đời khác.

Bánh tét được gói bằng lá chuối với nhân gạo nếp, đỗ xanh và thịt lợn, nhưng được gói thành hình trụ dài.

Bà con gói bánh là gói ghém thành quả lao động suốt một năm dài thành món bánh biểu trưng tinh hoa đất trời dâng cúng tổ tiên. Nhà khá giả nấu riêng một nồi. Lúc khó khăn, chòm xóm cùng ngồi lại thắt chặt mối dây, nấu chung nồi bánh Tết.

Hiểu hết ý nghĩa yên bình, nỗi khổ chia ly, nên bánh tét lúc nào cũng được cột chặt cho có đôi, có cặp. Nồi bánh đón giao thừa của những bà mẹ quê xứ anh hùng còn gợi lại những cái tết gói hàng nghìn chiếc bánh nuôi bộ đội. Đôi lúc, khói bếp bất giác làm họ chạnh lòng nhớ về đứa con liệt sĩ, nhưng bao nhiêu năm, nét truyền thống vẫn giữ. Nồi bánh tét luôn làm sống dậy ký ức xuân xưa, những điều đọng nên giá trị của Tết nay.

Mùa xuân của đất trời là khi hoa đào, hoa mai nở rộ. Còn mùa xuân của chúng ta là được trở về đoàn tụ, chia sẻ bên gia đình. Dù có những phong tục riêng của từng vùng miền, đó đều là nét đẹp mang bản sắc dân tộc, là niềm tự hào của mỗi người con đất Việt.

Năm nay cũng rất đặc biệt, vì là năm đầu tiên sau khi Liên Hợp Quốc công nhận Tết Nguyên đán là ngày nghỉ lễ quốc tế. Đây là sự công nhận của cộng đồng quốc tế đối với văn hóa cổ truyền Á Đông.

Ngày mùng 1 Tết, nhiều khu vực trên cả nước hửng nắng, thời tiết đẹp Ngày mùng 1 Tết, nhiều khu vực trên cả nước hửng nắng, thời tiết đẹp

VTV.vn - Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, ngày đầu tiên của năm mới (ngày mùng 1 Tết) nhiều khu vực có thời tiết đẹp.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước