Tràn lan chè Thái Nguyên không rõ nguồn gốc

Ban Thời sự-Thứ bảy, ngày 03/07/2021 19:48 GMT+7

VTV.vn - Trên những con phố ở Hà Nội, chè mang nhãn hiệu Thái Nguyên đang được bán tràn lan mà nguồn gốc ở đâu thì chỉ người bán hàng mới biết.

Uy tín - chất lượng - đảm bảo, những thông tin quảng cáo có thể dễ dàng nhìn thấy trên những con phố về chè Tân Cương Thái Nguyên. Với một người không sành về chè, thật khó để chắc chắn đây có phải là chè Tân Cương Thái Nguyên thật hay không khi chúng có giá cũng không thấp nhưng không được đóng gói, không có tem mác bao bì.

Mọi thông thông tin về chè đều chỉ qua lời người bán. Trong khi muốn xác định chè Tân Cương Thái Nguyên chính hiệu, người dùng cần biết được mẫu mã bao bì, trên bao bì phải ghi rõ địa chỉ cơ sở sản xuất, tên cơ sở sản xuất, hạn sử dụng hay giấy chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm của Bộ Y tế.

Không chỉ vậy, trên các trang thương mại điện tử, các sản phẩm chè Thái Nguyên với đủ chiêu trò giới thiệu, khuyến mại khiến người tiêu dùng khó có thể phân biệt đâu là chè Thái Nguyên chính hiệu. Như trường hợp của ông Chử Văn Độ (Đống Đa, Hà Nội), một người rất thích uống trà. Tuy nhiên, cùng gọi là chè xanh Tân Cương nhưng mỗi lần mua ở các cửa hàng khác nhau, ông lại thấy hương vị có sự khác biệt.

Tràn lan chè Thái Nguyên không rõ nguồn gốc - Ảnh 1.

Chè Thái Nguyên có thể thấy khắp nơi ở Hà Nội. Tuy nhiên, không dễ để mua được chè Thái Nguyên chính hiệu, khi hiện tượng hàng giả hàng nhái, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ tràn lan trên thị trường với nhiều hình thức khác nhau.

Gây dựng thương hiệu chè Thái Nguyên là công sức của biết bao thế hệ nông dân, trải qua mấy chục năm khẳng định uy tín. Thế nên để tránh việc bị nhập nhèm nguồn gốc xuất xứ hay mạo danh thương hiệu làm ảnh hưởng đến uy tín, các hợp tác xã chè và cả cơ quan quản lý địa phương đã có nhiều hành động để bảo vệ thương hiệu chè của mình.

Thái Nguyên nỗ lực giữ thương hiệu chè

Là một trong tứ đại danh trà của tỉnh Thái Nguyên, hợp tác xã chè Khe Cốc có 280ha chè, mỗi năm cho gần 3400 tấn búp tươi. Để giữ uy tín và thương hiệu chè, hợp tác xã Khe Cốc chỉ mở duy nhất một cửa hàng giới thiệu sản phẩm ở Hải Dương để phục vụ khách hàng các tỉnh lân cận. Ngoài ra chỉ bán cho những khách hàng thân quen với những đơn hàng đặt sẵn.

Tràn lan chè Thái Nguyên không rõ nguồn gốc - Ảnh 2.

Vừa qua, tỉnh Thái Nguyên đã thành lập hội chè Thái Nguyên nhằm tập hợp các tổ chức, cá nhân sản xuất chè trên địa bàn tỉnh thành một mối thống nhất, cùng nhau phát triển sản xuất giữ gìn, bảo vệ nhãn hiệu tập thể chè Thái Nguyên. Chỉ những đơn vị tham gia hội chè mới được phép sử dụng nhãn hiệu tập thể chè Thái Nguyên, tránh bị nhập nhèm lợi dụng nhãn mác.

Ông Chu Quốc Khánh - Phó cục trưởng Cục Quản lý thị trường tỉnh Thái Nguyên - cho biết: "Chúng tôi thường xuyên kiểm tra giám sát và ký cam kết với các doanh nghiệp là phải làm đúng quy định để giữ gìn thương hiệu, giá trị chè tập thể Thái Nguyên cũng như nhãn hiệu mà các cơ sở đăng ký tên riêng".

Tỉnh Thái Nguyên cũng đã đưa ra quy định trên bao bì sản phẩm chè phải có tem truy xuất nguồn gốc, ghi rõ địa chỉ, số điện thoại của cơ sở sản xuất, ngày tháng sản xuất và hạn sử dụng cùng logo thương hiệu. Nếu sản phẩm chè mang tên Thái Nguyên mà không có một trong những tiêu chí trên thì rất có thể đó không phải là chè Thái Nguyên chính hiệu.

Đẩy mạnh xuất khẩu chè Thái Nguyên ra thị trường thế giới Đẩy mạnh xuất khẩu chè Thái Nguyên ra thị trường thế giới

VTV.vn - Mục tiêu từ nay đến năm 2020 Thái Nguyên sẽ xuất khẩu trực tiếp mỗi năm 40% sản lượng chè đi thị trường châu Âu và Bắc Mỹ.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước