Trên 16 tuyến xe bus được đầu tư 239 phương tiện mới trong đó có 195 phương tiện sử dụng diesel và 44 phương tiện sử dụng nhiên liệu sạch khí CNG.
Các tuyến xe bus nêu trên đã được thay thế toàn bộ phương tiện cũ bằng các phương tiện đời mới, đầy đủ trang thiết bị trên xe bao gồm: máy lạnh, giám sát hành trình, camera an ninh, hệ thống máy bán vé,...
Như vậy, người dân đi lại trong nội thành TP Hồ Chí Minh có thêm sự chọn lựa dịch vụ vận chuyển có chất lượng cao, hạn chế phương tiện cá nhân, giải quyết ùn tắc giao thông và giảm thiểu ô nhiễm môi trường.
Trước đó, nhiều hành khách đi xe bus bày tỏ mong muốn TP Hồ Chí Minh thay mới xe cho nhiều tuyến xe bus do xe bus cũ, xuống cấp ở một số tuyến dẫn đến thiếu an toàn, ảnh hưởng môi trường và giảm sức hút đối với người dân.
Còn tại Hà Nội, từ hôm nay sẽ dừng hoạt động 5 tuyến bus có trợ giá là các tuyến số 10, 14, 18, 44, 145. Đây là những tuyến bus hoạt động không hiệu quả, trùng lặp với những tuyến khác. Các tuyến bus có lộ trình gần tương tự với tuyến dừng hoạt động đã được điều chỉnh lại để việc đi lại của người dân ít bị ảnh hưởng nhất.
Trung tâm Quản lý giao thông công cộng thành phố Hà Nội cho biết, nếu khách đã mua tem vé tháng có nhu cầu đổi sang các tuyến khác hoặc đổi sang vé liên tuyến hoặc không có nhu cầu sử dụng nữa muốn hoàn tiền có thể đến các điểm bán vé tháng để được hướng dẫn.
Hôm nay, Bến xe liên tỉnh phía Nam Nha Trang (Khánh Hòa) đi vào hoạt động, sẵn sàng phục vụ hành khách với 30 tuyến vận chuyển khách liên tỉnh về phía Nam. Như vậy, sẽ dừng hoạt động bến xe tạm (tại đường 23 Tháng 10, TP Nha Trang) để vận hành bến xe mới tại đại lộ Võ Nguyên Giáp (qua xã Diên Toàn, huyện Diên Khánh).
Hiện các nhà xe đã xây dựng phương án trung chuyển hành khách, đồng thời sẽ không tăng giá vé các tuyến cố định và các loại phí dịch vụ tại bến xe mới.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!