TP Hồ Chí Minh lên phương án phòng, chống hạn mặn mùa khô 2023

Linh Chi - D. T.-Thứ tư, ngày 08/02/2023 18:22 GMT+7

VTV.vn - Mới đây, UBND TP Hồ Chí Minh đã ban hành Phương án phòng, chống hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn phục vụ sản xuất nông nghiệp và dân sinh mùa khô năm 2023 trên địa bàn.

Hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn được xem là một trong những loại hình thiên tai gây thiệt hại lớn đứng thứ 3 sau lũ lụt và bão. TP Hồ Chí Minh nằm trong khu vực chịu ảnh hưởng nặng của tình trạng này, đặc biệt là vào mùa khô từ tháng 1 đến tháng 3 hàng năm. Theo thông tin của Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, mực nước từ tháng 1 đến tháng 3 năm 2023 trên sông Đồng Nai tại Tà Lài biến đổi chậm với xu thế xuống dần.

Phương án được ban hành nhằm mục đích chủ động ứng phó với ảnh hưởng của hạn hán, xâm nhập mặn mùa khô năm 2023, đảm bảo nguồn nước phục vụ sản xuất nông nghiệp, sinh hoạt và các nhu cầu thiết yếu khác, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại có thể xảy ra. Đồng thời, tăng cường công tác chỉ đạo, điều hành, thực hiện các giải pháp thủy lợi phòng, chống hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn phục vụ sản xuất nông nghiệp và dân sinh, hạn chế thấp nhất thiệt hại do ảnh hưởng của hạn hán, xâm nhập mặn cao điểm mùa khô năm 2023; đảm bảo mục tiêu cung cấp đủ nước phục vụ sản xuất nông nghiệp và dân sinh vào mùa khô trên địa bàn TP.

Phương án đề ra các nội dung, giải pháp thực hiện: Giải pháp chung bảo đảm cấp nước cho sinh hoạt và sản xuất; giải pháp về thủy lợi; giải pháp về trồng trọt; giải pháp về chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản; giải pháp về lâm nghiệp.

TP Hồ Chí Minh lên phương án phòng, chống hạn mặn mùa khô 2023 - Ảnh 1.

TP Hồ Chí Minh lên phương án phòng, chống hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn. Ảnh minh họa

Cụ thể, về giải pháp chung bảo đảm cấp nước cho sinh hoạt và sản xuất, TP theo dõi chặt chẽ diễn biến, thông tin dự báo khí tượng thủy văn, tình hình xâm nhập mặn, chủ động xây dựng, triển khai kế hoạch phòng, chống hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn mùa khô năm 2023. Tập trung làm tốt công tác thông tin, tuyên truyền, vận động, hướng dẫn để từng hộ gia đình, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất trên địa bàn hiểu, chủ động triển khai các biện pháp dự trữ nước ngọt nhằm đảm bảo nguồn nước cho sinh hoạt và sản xuất trong các tháng mùa khô, sử dụng hiệu quả, tiết kiệm nước, chống thất thoát, lãng phí nước.

Đồng thời, tổ chức kiểm tra chặt chẽ nguồn nước, chủ động thực hiện sớm việc nạo vét, các biện pháp tăng cường tích trữ nước trong các ao, hồ, sông, kênh, rạch. Xây dựng kế hoạch cấp nước, cân đối khả năng cung cấp nước phục vụ cho các nhu cầu sử dụng trên địa bàn TP. Trường hợp xảy ra hạn hán, thiếu nước xâm nhập mặn nghiêm trọng, cần ưu tiên nguồn nước để cấp nước sinh hoạt cho người dân, chăn nuôi gia súc và tưới cho cây trồng có giá trị kinh tế cao.

Giải pháp về thủy lợi, tổ chức quan trắc, giám sát tình hình xâm nhập mặn tại các khu vực có nguy cơ bị ảnh hưởng để kịp thời hướng dẫn người dân trữ nước ngọt phục vụ sản xuất và sinh hoạt. Đẩy nhanh tiến độ thi công xây dựng các công trình thủy lợi, các công trình cấp nước; tăng cường công tác nạo vét, gia cố, duy tu sửa chữa hệ thống kênh tưới, đặc biệt là hoàn thiện hệ thống kênh mương nội đồng ở các vùng có nguy cơ xảy ra hạn hán để đảm bảo đủ cung cấp nước phục vụ sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, phòng chống cháy rừng.

Đối với giải pháp về trồng trọt, thực hiện bố trí cơ cấu mùa, vụ gieo trồng phù hợp, ưu tiên sử dụng giống cây trồng có khả năng chịu mặn, chịu hạn, hiệu quả kinh tế cao. Tập trung xuống giống đồng loạt, đúng thời vụ, tăng cường áp dụng các biện pháp tưới tiên tiến, tưới tiết kiệm. Hướng dẫn quy trình kỹ thuật chăm sóc đối với các loại cây trồng tại vùng có nguy cơ nhiễm mặn cao.

Đối với chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản, thông tin rộng rãi, kịp thời về tình hình thời tiết, mức độ xâm nhập mặn, khuyến cáo người dân nuôi trồng thủy sản áp dụng mô hình nuôi phù hợp, chủ động chuyển đổi cơ cấu con giống phù hợp, thả giống mật độ hợp lý và có biện pháp chăm sóc chu đáo để hạn chế những thiệt hại do hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn gây ra.

Đồng thời, hướng dẫn các đơn vị, tổ chức và người dân các giải pháp cải tạo tốt ao nuôi, xây dựng chuồng trại phù hợp với tình hình thực tế. Từng bước áp dụng kỹ thuật, quy trình nuôi an toàn sinh học. Đẩy mạnh các hoạt động nghiên cứu, ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật, phương pháp công nghệ mới để đánh giá chọn lọc, nhân giống các vật nuôi có nguồn gen tốt, có khả năng thích nghi trong điều kiện biến đổi khí hậu.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước