Thành phố Hồ Chí Minh vẫn còn tồn đọng hơn 31 ngàn phương tiện giao thông vi phạm quá thời hạn bị tạm giữ. Đó mới chỉ là con số đến hết tháng 2, chứ hiện tại con số này còn lớn hơn nhiều. Dự kiến trong năm nay, thành phố sẽ tổ chức 4 đợt đấu gia để thanh lý hơn 16.000 xe vi phạm không có người đến nhận.
Hiện, thành phố chỉ mới đấu giá 1 đợt, thanh lý được gần 4.000 xe vi phạm, thu về 2.7 tỷ đồng. Số phương tiện còn lại đang lưu giữ tại 7 kho bãi chuyên dụng của Phòng cảnh sát giao thông đường bộ đường sắt, Công an thành phố. Mỗi năm đơn vị này đều tổ chức đấu giá thanh lý xe vi phạm. Riêng năm 2021, vì lý do dịch bệnh nên chỉ thực hiện được 1 đợt đấu giá, thu về 1.9 tỷ đồng. Xe cũ chưa thanh lý xong thì xe vi phạm mới bị tạm giữ lại đến. Trung bình mỗi ngày cảnh sát giao thông tạm giữ thêm 500 phương tiện vi phạm. Vì thế các kho bãi giữ xe vi phạm không chỉ của Phòng cảnh sát giao thông đường bộ đường sắt mà tại các quận huyện đều rơi vào tình trạng quá tải.
Muốn giảm tải nhanh phải có thêm kho bãi trong khi đất thì không nở ra mà nguy cơ mất an toàn từ việc quá tải thì cận kề. Kể cả việc cơi nới tận dụng không gian trên không cũng không giải quyết được vấn đề, bởi không phải kho bãi giữ xe nào cũng đủ điều kiện. Chính điều này gây áp lực không nhỏ cho lực lượng cảnh sát giao thông khi quyết định xử phạt.
Bất cập tại các kho bãi tạm giữ
TP Hồ Chí Minh hiện có 7 kho bãi đang giữ phương tiện vi phạm quá thời gian nộp phạt. Trong số này có 1 kho mượn và 1 kho thuê. Ngoài chi phí thuê kho, để 1 bãi giữ xe cần thêm chi phí bảo trì, bảo dưỡng, phòng cháy chữa cháy… Những nguồn này đang phải dùng ngân sách để chi trả trong thời gian 1 - 2 năm chờ đủ điều kiện đấu thầu thanh lý.
Vụ cháy vừa xảy ra năm ngoái tại bãi tạm giữ xe ở đường Hiệp Bình Chánh, TP Thủ Đức thiệu rụi hơn 2000 phương tiện. Đến thời điểm này Công an TP Hồ Chí Minh mà trực tiếp Đội cảnh sát giao thông đường bộ đường sắt vẫn đang khắc phục xử lý hậu quả. Giữ thì lo mà không giữ thì không hoàn thành nhiệm vụ. Nhiều khi quyết định tạm giữ phương tiện vi phạm lại trở thành gánh nặng dù mục đích là đảm bảo an toàn cho người đi đường.
Để giải tỏa áp lực cho bãi tạm giữ xe vi phạm hiện tại, Công an TP Hồ Chí Minh đề xuất xây dựng thêm 4 kho bãi vệ tinh. Trong khi chờ đợi, sự an toàn phương tiện này đành trông chờ vào may mắn và kĩ năng phòng cháy chữa cháy của lực lượng cảnh sát tại chỗ sau khi được tập huấn thường xuyên. Chỉ khi an toàn, xe mới được đấu giá, thanh lý và có tiền chi trả lại chi phí lưu kho.
Bãi giữ xe quá tải trong khi thủ tục đấu giá thanh lý xe cũ quá dài, vòng luẩn quẩn này khiến bài toán bảo quản, đấu giá xe vi phạm chưa thể được giải trong suốt nhiều năm qua. Chỉ khi nút thắt pháp lý được gỡ địa phương mới mạnh dạn thực hiện đấu giá, thanh lý xe vi phạm thay vì làm mà nơm nớp vì sợ sai.
Bất cập quy định thẩm định, đấu giá xe vi phạm
Nếu theo quy định, để đấu giá, thanh lý 1 chiếc xe máy vi phạm quá thời hạn nộp phạt nhanh nhất phải mất 1.5 năm. Ngoài việc phải đảm bảo quy định về xác minh, giám định phương tiện là vô chủ không đủ điều kiện sử dụng, một trong những yêu cầu bắt buộc trước khi địa phương đưa ra phương án đấu giá là phải có sự đồng thuận của Bộ Công an. Đây cũng là điểm nghẽn khiến thời gian thực hiện đấu giá, thanh lý xe vi phạm kéo dài, tạo áp lực cho kho bãi hiện tại.
Dù đã có kinh nghiệm thực hiện nhiều đợt đấu giá, thanh lý xe vi phạm, thế nhưng Đội cảnh sát giao thông đường bộ đường sắt Công an TP Hồ Chí Minh thừa nhận vẫn còn lúng túng khi thực hiện. Thực tế lực lượng cảnh sát giao thông không có nghiệp vụ để thẩm định giá, còn thuê đơn vị bên ngoài lại không có kinh phí để trả. Trong khi phải xác định giá khởi điểm ban đầu mới mời được thầu.
Thanh lý xe đã khó mà thu giữ phương tiện vị phạm lại không có chỗ để. Dù giải pháp tạm thời được xem là hiệu quả giảm áp lực cho kho bãi lúc này là tạm giữ giấy phép lái xe hoặc giấy tờ liên quan khi vi phạm. Thế nhưng chẳng ai dám chắc không có giấy tờ thì xe ma, xe không đủ điều kiện sử dụng không lưu thông. Chỉ tính riêng năm 2022, TP xảy ta 650 vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng.
Rút ngắn thủ tục pháp lý khi đấu giá xe vi phạm
Hôm nay cũng thời hạn cuối cùng để đăng ký đấu giá gần 1000 phương tiện vi phạm hết thời gian nộp phạt tại kho công an huyện Hóc Môn. Đây là lần đấu giá thứ 3 sau 2 lần đơn vị trúng thầu bỏ cọc. Trước đó công an quận 12 cũng vừa tổ chức đấu giá lần 2 với lô xe ba gác cũng vì đơn vị trúng thầu bỏ cọc.
Từ thực tế trên có thể thấy cần phải xem xét lại quy định về xử phạt vi phạm hành chính lẫn Luật đấu giá tài sản. Và cũng không thể vì ngại tình trạng xe chất đống, thanh lý khó khăn mà ngại không giữ xe vi phạm. Cách làm này có thể gây tác dụng ngược vì tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!