Tình trạng dự án "treo" do vướng đền bù giải tỏa mặt bằng khiến các quận, huyện thiếu trường, lớp học, khó triển khai chương trình phổ thông mới. Một số quận, huyện đang tìm các giải pháp và đề xuất tìm hướng tháo gỡ, sớm xây dựng trường.
Trường Tiểu học An Hội ở Phường 8, quận Gò Vấp có hơn 3.200 học sinh, đông thứ hai của quận. Năm học này, trường phải tiếp nhận học sinh của cả Phường 9 và Phường 12, khu vực lân cận do chưa có thêm trường tiểu học nào.
Quận Gò Vấp có ít nhất 5 dự án xây dựng trường học chưa triển khai. Lý do khiến các dự án chậm là do vướng chính sách đền bù giải tỏa.
Để đẩy nhanh tiến độ, quận đã linh hoạt thỏa thuận để đạt được sự đồng thuận của người dân, như Phường 12 vừa thực hiện xong đền bù giải tỏa, chuẩn bị khởi công xây trường.
Từ nay đến năm 2025, TP Hồ Chí Minh phấn đấu xây dựng 4.500 phòng học mới. (Ảnh minh họa - Ảnh: PLO)
Từ nay đến năm 2025, TP Hồ Chí Minh phấn đấu xây dựng 4.500 phòng học mới, đầu tư từ ngân sách 3.000 phòng học và xã hội hóa, mời gọi đầu tư khoảng 1.500 phòng học.
"Năm nay chúng ta cũng được ngân sách đầu tư công, đầu tư khá lớn cho giáo dục với hơn 8.000 tỷ. Từ nay đến năm 2025 sẽ tập trung đầu tư phòng học cho những quận, huyện đang áp lực về sĩ số học sinh", ông Nguyễn Văn Hiếu, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo TP Hồ Chí Minh, cho biết.
Theo các chuyên gia, để kịp xây dựng trường theo kế hoạch trên, TP Hồ Chí Minh cần nhiều giải pháp linh hoạt để đẩy nhanh tiến độ như: cho phép xây nâng tầng tại các trường học; điều chỉnh cách tính chỉ tiêu mật độ học sinh diện tích xây dựng, thay vì tính trên diện tích đất. Chính sách đền bù giải tỏa phải phù hợp thị trường, linh hoạt sử dụng đất quy hoạch vào mục đích khác để xây dựng trường…
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!