TP Hồ Chí Minh, Đắk Lắk áp dụng các mô hình điều trị khác nhau để chống dịch

Ban Thời sự-Thứ ba, ngày 26/10/2021 18:59 GMT+7

VTV.vn - Đó là tinh thần của Nghị quyết 128. Các địa phương đang chuyển sang bình thường mới ở những điều kiện khác nhau. Bởi vậy, cách phòng chống dịch cũng có sự khác nhau.

Làm thế nào để vừa có thể kiểm soát dịch, vừa khôi phục, phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an sinh, trật tự an toàn xã hội, phù hợp với điều kiện của mỗi tỉnh thành?

Huyện Bình Chánh (TP Hồ Chí Minh) thay đổi quy trình kiểm soát F0

Khi 1 ca F0 được phát hiện, sẽ không còn cảnh rào chắn, phong tỏa nữa. Hiện huyện Bình Chánh đã là địa phương tiên phong áp dụng quy trình kiểm soát dịch mới của thành phố gồm xét ngiệm thần tốc, chăm sóc và cách ly F0 tại nhà.

Tại xã Vĩnh Lộc A và Vĩnh Lộc đã tiến hành test nhanh dương tính trên hơn 3.000 mẫu xét nghiệm tại các khu vực đang có ổ dịch và khu vực nguy cơ cao, đã phát hiện khoảng 78 trường hợp F0.

TP Hồ Chí Minh, Đắk Lắk áp dụng các mô hình điều trị khác nhau để chống dịch - Ảnh 1.

Ảnh: HCDC

Theo quy trình mới được áp dụng, các F0 khi được phát hiện nếu đủ điều kiện sẽ được cách ly tại nhà và được cấp thuốc điều trị. Đồng thời, việc xét nghiệm sẽ thực hiện cho tất cả người dân trong phạm vi ổ dịch nhằm phát hiện hết những đối tượng có nguy cơ cao bị lây nhiễm, qua đó đưa những người nhiễm mới phát hiện vào hệ thống quản lý, chăm sóc và điều trị ngay tại nhà.

Quá trình quản lý, điều tra và đánh giá lại ổ dịch sẽ được thực hiện sau mỗi 3 ngày nhằm phát hiệu sớm tất cả các ca F0 mới để đưa vào quản lý và quyết định việc mở rộng hoặc thu hẹp phạm vi ổ dịch.

Các lực lượng chức năng tiến hành đánh giá sơ bộ các tiêu chí như:

- Có ít nhất 2 hộ gia đình có F0 trong cùng khu vực và có giao tiếp với nhau.

- Tính chất của địa bàn dân cư.

- Tình trạng tiêm chủng.

- Đã từng là ổ dịch trong 3 tháng trước đó.

Việc huyện Bình Chánh áp dụng kịp thời hướng dẫn mới về quy trình phát hiện và xử lý F0 tại cộng đồng sẽ giúp phân loại nguy cơ, kiểm soát dịch bệnh và có cơ sở điều chỉnh quy trình mới hướng để phù hợp nhất với tình hình dịch bệnh COVID-19 tại thành phố.

Với cách làm mới như trên, đây thực sự là bước thay đổi lớn trong phòng chống dịch tại TP Hồ Chí Minh. Cách ứng xử với COVID-19 đang và sẽ khác trước rất nhiều khi mà đã phủ được vaccine trong cộng đồng. Nhưng với những tỉnh thành, tỷ lệ tiêm vaccine còn thấp, câu chuyện lại khác.

Đắk Lắk khắc phục khó khăn để chống dịch

TP Hồ Chí Minh, Đắk Lắk áp dụng các mô hình điều trị khác nhau để chống dịch - Ảnh 2.

Lực lương y tế lấy mẫu xét nghiệm cho người dân thành phố Buôn Ma Thuột tại khu dân cư có ca mắc trong cộng đồng. Ảnh: Tuấn Anh - TTXVN

Chỉ trong 2 tuần vừa qua, Đắk Lắk ghi nhận tới hơn 1.000 người mắc COVID-19, trong đó, có tới 737 ca trong cộng đồng.

Còn về tỷ lệ tiêm vaccine phòng COVID-19 của Đắk Lắk, mới chỉ có 47% dân số trên 18 tuổi tiêm mũi 1, hơn 30% tiêm mũi 2. Đây là một tỷ lệ vẫn còn thấp. Cùng với đó, là hệ thống y tế còn yếu khiến cho tỉnh này chưa thể kiểm soát dịch tốt. Công tác phòng chống dịch còn rất nhiều khó khăn.

Tại thành phố Buôn Ma Thuột, chỉ trong 2 ngày qua, đã ghi nhận 55 ca mắc COVID-19 trong cộng đồng. Do số ca bệnh tăng nhanh, bản đồ dịch tễ của Đắk Lắk cũng đã đổi màu. 9 xã thuộc 2 huyện Cư M'gar và Krông Búk từ vùng xanh đã chuyển sang vùng đỏ. Các ca bệnh phân bố trên địa bàn nhiều xã, phường của thành phố gây không ít khó khăn cho hoạt động truy vết, phòng chống dịch.

TP Hồ Chí Minh, Đắk Lắk áp dụng các mô hình điều trị khác nhau để chống dịch - Ảnh 3.

Xe tiêm chủng vaccine COVID-19 lưu động tại buôn Tơng Ju, xã Ea Kao, thành phố Buôn Ma Thuột. Ảnh: TTXVN

Hiện nay, tỉnh Đắk Lắk đang áp dụng mô hình điều trị "tháp 3 tầng". Tuy nhiên, các cơ sở điều trị bệnh nhân mắc COVID-19 này đều trưng dụng từ các trung tâm y tế, bệnh viện sẵn có nên hệ thống y tế chưa được đồng bộ, cộng với số lượng ca mắc mới tăng nhanh như hiện nay, rất dễ dẫn đến tình trạng quá tải.

Để đảm bảo điều kiện điều trị bệnh nhân mắc COVID-19, tỉnh Đắk Lắk đang đang nâng công suất điều trị thêm 500 giường bệnh và trưng dụng thêm cơ sở, trang thiết bị từ hệ thống y tế tư nhân trên địa bàn. Đối với vấn đề nhân lực, tỉnh đang huy động lực lượng sinh nguyên tình nguyện và đội ngũ y, bác sĩ về hưu cùng tham gia.

Tăng cường năng lực hệ thống y tế tại các địa phương

Việc nâng cao năng lực y tế tuyến cơ sở là điều kiện vô cùng cần thiết để thu dung và điều trị những trường hợp mắc COVID-19. Trong bối cảnh cả nước đã chuyển sang "Thích ứng an toàn, linh hoạt và kiểm soát dịch COVID-19", các địa phương đã được trao quyền chủ động chống dịch, điều này giúp họ áp dụng các biện pháp phù hợp với đặc thù, nhưng mẫu số chung để sẵn sàng ứng phó với dịch bệnh đó là tăng cường năng lực y tế.

Việc nâng cao năng lực y tế là một bước chuẩn bị từ sớm, từ xa để sẵn sàng ứng phó với dịch bệnh. Còn giải pháp căn cơ không gì khác là vaccine. Khi độ phủ vaccine rộng, tạo miễn dịch cộng đồng, cách thức đối phó với dịch cũng sẽ được các địa phương thực hiện với quy mô khoanh vùng, giãn cách hẹp hơn, cũng giống như cách mà TP Hồ Chí Minh thực hiện, vừa đỡ tốn kém, đỡ vất vả và không phải bị động chạy theo dịch nữa.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước